Điểm tương đồng giữa hai vụ ám sát hụt chính trị gia hàng đầu nước Mỹ

Vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Donald Trump có nhiều điểm tương đồng với vụ ám sát Tổng thống Ronald Reagan năm 1981, đó là cả 2 đều thoát chết trong gang tấc sau cuộc tấn công của tay súng đơn độc.

Những hình ảnh về vụ ám sát Tổng thống Mỹ Ronald Reagan vào tháng 3-1981

Những hình ảnh về vụ ám sát Tổng thống Mỹ Ronald Reagan vào tháng 3-1981

Vào ngày 30-3-1981, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan rời khách sạn Hilton ở Washington sau một sự kiện. Khi ông giơ tay chào đám đông tụ tập bên ngoài, 6 phát súng đã nổ chỉ trong 1,7 giây. Tổng thống và 3 người khác trúng đạn, trong đó có Thư ký báo chí James Brady (sau này trở thành người khuyết tật).

Sự việc xảy ra khi ông Ronald Reagan mới nhậm chức được 70 ngày. Trở lại giây phút kịch tính sau khi nhân viên mật vụ đẩy Tổng thống Reagan vào xe, họ không biết ông đã trúng đạn. Khi Tổng thống phàn nàn về cơn đau ở ngực và máu trào trên môi, chiếc xe limousine hướng thẳng đến Bệnh viện Đại học George Washington. Ở đó, ông Reagan nhất quyết đòi tự đi, nhưng sau đó đã gục xuống ở hành lang. Tổng thống đã mất hơn một nửa lượng máu trong người và các bác sĩ đã gắp viên đạn nằm cách tim chỉ 2,5cm. Chỉ khi đó, công chúng mới nhận ra rằng Tổng thống Reagan từng cận kề cái chết đến mức nào, tương tự như cựu Tổng thống Donald Trump hôm 13-7-2024. Nếu không phải vì ông Trump bất chợt nghiêng đầu trong tích tắc thì viên đạn chắc hẳn không chỉ sượt qua tai bên phải của ông.

Nếu như tay súng nhắm vào ông Donald Trump chỉ mới 20 tuổi và chưa rõ động cơ thì kẻ bắn Tổng thống Reagan cũng rất trẻ. John Hinckley Jr cũng 25 tuổi, sau đó được tuyên vô tội vì lý do mất trí. Anh ta không có động cơ chính trị, chỉ đơn giản là người hâm mộ nữ diễn viên Jodie Foster và nghĩ rằng anh ta có thể gây ấn tượng với cô bằng cách bắn Tổng thống.

Vụ nổ súng đã tạo ra sự đồng cảm sâu sắc từ công chúng Mỹ dành cho Tổng thống Reagan. Ông đã phải nằm viện 13 ngày trước khi trở lại Nhà Trắng. Quá trình hồi phục của ông đã thuyết phục tất cả mọi người vì sự dũng cảm và lạc quan. Nằm trên cáng bện viện, ông trấn an vợ mình khi nói về vụ ám sát: “Em yêu, anh đã quên là phải cúi xuống”. Và ngay trước khi phẫu thuật, ông nói với các bác sĩ: “Tôi hy vọng tất cả các bạn đều là đảng viên Cộng hòa”. Bác sĩ Joseph Giordano (một đảng viên đảng Dân chủ) khi đó trả lời: “Hôm nay, thưa Tổng thống, tất cả chúng ta đều là đảng viên Cộng hòa”. Khi xuất viện, Tổng thống đã đi bộ từ ô tô vào Nhà Trắng để cho thấy mình ổn thế nào. Tất cả những điều xảy ra với ông Reagan chính là chất liệu tạo nên hình ảnh một nhà lãnh đạo của nước Mỹ. Sự can đảm của Tổng thống đã củng cố thêm mối quan hệ và vị thế chính trị của ông với công chúng Mỹ và tạo thuận lợi cho trọng trách mà ông đảm nhiệm trong 8 năm tiếp theo. Rõ ràng, ông Reagan đã biến một sự việc suýt là thảm kịch thành một chiến thắng chính trị.

Cựu Tổng thống Donald Trump cũng rất can đảm sau vụ ám sát hụt ngày 13-7-2024

Cựu Tổng thống Donald Trump cũng rất can đảm sau vụ ám sát hụt ngày 13-7-2024

43 năm sau, phản ứng của ông Donald Trump trong vụ ám sát cũng có điểm tương đồng. Ngay sau khi sát thủ bị hạ, ông đứng dậy giữa những mật vụ đang vây quanh và nắm chặt tay giơ lên bất chấp máu đang chảy trên mặt - một hành động thách thức. Ngày hôm sau, ông tuyên bố không để vụ ám sát làm thay đổi lịch trình tới Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa ở Milwaukee. Tại đại hội, nhiều người đã đeo chiếc băng màu trắng bên tai phải giống như ông Trump để biểu thị sự ủng hộ hoàn toàn nhà lãnh đạo này.

Tuy nhiên, giới quan sát cũng cho rằng, cựu Tổng thống Donald Trump đang hoạt động trong một môi trường chính trị hoàn toàn khác. Đó là môi trường phân cực cao độ khác hẳn năm 1981, không chắc những lợi ích chính trị mà ông Reagan nhận được sau vụ ám sát cũng sẽ đến với ông Trump. Ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa có thể hy vọng sẽ trải qua một sự thúc đẩy chính trị tương tự trong những tháng tới. Nhưng không rõ lợi ích đó sẽ ở mức nào trong môi trường siêu đảng phái ngày nay.

Những người ủng hộ đảng Cộng hòa của ông Trump tin rằng, cựu Tổng thống cần sự ủng hộ của họ hơn bao giờ hết. Nhưng đối với các đảng viên đảng Dân chủ, ông Trump vẫn bị hoài nghi là mối đe dọa đối với nền dân chủ trong cuộc bầu cử tháng 11 tới. Và điều đó có nghĩa là, cả hai bên vẫn đang trong lộ trình chia rẽ, khó có tiếng nói chung.

Theo ABC News/Vox

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/diem-tuong-dong-giua-hai-vu-am-sat-hut-chinh-tri-gia-hang-dau-nuoc-my-post583522.antd
Zalo