Điểm tựa vững chắc cho người cao tuổi
Xuất phát từ nhu cầu thực tế tại các cộng đồng, mô hình Câu lạc bộ (CLB) 'Liên thế hệ tự giúp nhau' trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã chứng tỏ được hiệu quả rõ rệt trong việc phát huy vai trò của người cao tuổi. Mô hình này không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi (NCT) mà còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng một cộng đồng đoàn kết, phát triển đời sống văn hóa tại các địa phương.
Tại khu Hữu Đô 1, xã Hợp Nhất, huyện Đoan Hùng, năm 2024 là năm thứ ba CLB “Liên thế hệ tự giúp nhau” đi vào hoạt động. Đây là một trong những mô hình hoạt động nổi bật tại địa phương, được triển khai từ những nhu cầu thiết thực của các gia đình gặp khó khăn, đặc biệt là những gia đình có người cao tuổi mắc bệnh tật hoặc neo đơn.
Bà Ngô Thị Liên, một thành viên của CLB chia sẻ về những khó khăn của gia đình mình trước khi tham gia vào CLB: "Chồng tôi mắc bệnh hiểm nghèo, bản thân tôi có bệnh xương khớp, không làm được việc nặng, trong khi con cái đi làm ăn xa. Khi tham gia vào CLB, nhờ sự động viên, thường xuyên thăm hỏi của các thành viên, gia đình tôi đã vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống".
Bà Liên cũng cho biết thêm, nhờ vào sự kết nối từ CLB, bà không chỉ nhận được sự giúp đỡ về vật chất mà còn được sự động viên về mặt tinh thần, điều mà bà cho là vô giá trong giai đoạn khó khăn của gia đình.
Ông Nguyễn Tất Kỷ, Chủ nhiệm CLB “Liên thế hệ tự giúp nhau” khu Hữu Đô 1, xã Hợp Nhất cho biết: "Chúng tôi thường xuyên tổ chức các tổ tư vấn tại nhà, theo dõi tình hình các thành viên trong CLB, giúp đỡ các gia đình khi gặp khó khăn. Để CLB thực hiện tốt công tác này chủ yếu là nhờ vào tình cảm, sự đồng lòng và tinh thần tương trợ lẫn nhau của các thành viên".
Huyện Đoan Hùng hiện có 4 CLB “Liên thế hệ tự giúp nhau” được triển khai tại các xã: Hợp Nhất, Tây Cốc, Chân Mộng. Nét nổi bật của CLB “Liên thế hệ tự giúp nhau” là các thành viên thường xuyên đề cao vai trò của hoạt động tự giúp nhau, hỗ trợ cộng đồng, giúp đỡ người dân bằng nhiều hình thức như giúp đỡ hộ nghèo, hỗ trợ thu hoạch mùa màng cho các thành viên bị ốm, hoạn nạn, phối hợp với các cấp ủy, chính quyền tại địa phương đảm nhận việc thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh... Các hoạt động này vừa giúp gắn kết thành viên, vừa được các cấp, các ngành chức năng ghi nhận và đánh giá cao.
Thông qua các hoạt động chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ kinh tế và tinh thần, các câu lạc bộ đã tạo ra một không gian gắn kết giữa các thế hệ, giúp người cao tuổi không chỉ sống vui khỏe mà còn tham gia tích cực vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của địa phương.
Tại khu 4, xã Thanh Đình, TP Việt Trì, CLB “Liên thế hệ tự giúp nhau” bước sang năm thứ 6 hoạt động và hiện đã thu hút được 60 thành viên, trong đó có 48 người cao tuổi. Các thành viên còn lại là thanh niên, phụ nữ, người dân địa phương. Mô hình này không chỉ giúp các NCT vượt qua khó khăn trong cuộc sống mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ các hộ gia đình trong việc khởi nghiệp, cải thiện thu nhập.
Một trong những chương trình nổi bật của CLB là quỹ vay vốn ưu đãi cho các thành viên. Tính đến nay, CLB đã giải ngân 400 triệu đồng cho 7 hộ gia đình vay với lãi suất 0,8%/tháng. Các thành viên sử dụng khoản vay này chủ yếu để đầu tư vào các hoạt động kinh tế như chăn nuôi, mở rộng nhà xưởng, phát triển dịch vụ... Nhờ vào những khoản vay này, nhiều gia đình đã cải thiện được đời sống, giúp các thành viên tự chủ kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ nhiệm CLB “Liên thế hệ tự giúp nhau” khu 4, xã Thanh Đình, cho biết: "Mô hình vay vốn ưu đãi không chỉ giúp các hộ gia đình vượt qua khó khăn mà còn tạo ra sự lan tỏa trong cộng đồng, giúp các thành viên có thêm động lực và niềm tin để phát triển kinh tế. Những thành viên vay vốn đều phát huy được tác dụng của nguồn vốn và cải thiện cuộc sống gia đình".
Không chỉ giúp đỡ về mặt vật chất, CLB còn tạo một môi trường giao lưu, chia sẻ giữa các thế hệ. Các NCT không chỉ là người nhận sự hỗ trợ mà còn là người truyền lại những kinh nghiệm quý báu trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, và các kỹ năng sống cho thế hệ trẻ. Điều này không chỉ giúp bảo tồn những giá trị truyền thống mà còn tạo ra một thế hệ có trách nhiệm với cộng đồng.
Những kết quả tích cực từ hoạt động của các CLB “Liên thế hệ tự giúp nhau" đã chứng minh hiệu quả của mô hình này trong việc chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa ngày càng tăng. Thông qua các hoạt động như hỗ trợ thu hoạch mùa màng, chăm sóc sức khỏe, vay vốn phát triển kinh tế, CLB đã giúp các NCT vượt qua khó khăn, sống vui khỏe, đồng thời phát huy được vai trò của mình trong cộng đồng. Đặc biệt, mô hình CLB “Liên thế hệ tự giúp nhau” đã giúp gắn kết các thế hệ, tạo ra những cơ hội hợp tác và phát triển bền vững.
Mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh không chỉ mang lại lợi ích cho các thành viên mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cộng đồng. Đây là một mô hình sáng tạo và nhân văn, xứng đáng được nhân rộng và phát triển ở nhiều địa phương khác để người cao tuổi không chỉ sống khỏe mà còn sống có ích cho xã hội.