'Điểm tựa Việt Nam': Những câu chuyện về tình người trong bão lũ
Cán bộ công an lao mình xuống dòng nước lũ cứu sống cháu bé 8 tuổi; Trưởng thôn 9X đưa dân lên núi tránh sạt là những câu chuyện của Điểm tựa Việt Nam.
Vào lúc 20g00, Chủ nhật, ngày 15-9, trên kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ thực hiện chương trình Truyền hình trực tiếp Điểm tựa Việt Nam.
Thông qua những câu chuyện chân thực, xúc động, chương trình gửi đi thông điệp tình người. Đây là điểm tựa cho chúng ta trong bão lũ. Người Việt Nam ở mỗi vị trí của mình đều có thể làm một điểm tựa cho đồng bào, cho đất nước trong những thời khắc khó khăn.
Chương trình Điểm tựa Việt Nam sẽ mang tới những câu chuyện thực tế, những hình ảnh sinh động và chân thực từ chính tâm bão, tâm lũ, nơi người dân đang phải đối diện với nỗi đau và sự tàn phá của thiên nhiên.
Khách mời trong chương trình gồm có đại diện của chính quyền và nhân dân những vùng chịu thiên tai; đại diện các lực lượng vũ trang đang ngày đêm bám sát địa bàn cứu trợ nhân dân cùng nhiều lực lượng khác.
Hình ảnh từ các điểm nóng về bão lũ cho thấy nỗi kinh hoàng khi bão Yagi đổ bộ, kéo theo mưa lũ, sạt lở nghiêm trọng khiến hàng nghìn ngôi nhà bị tàn phá, hàng nghìn người đối mặt với cảnh màn trời chiếu đất.
Chương trình cũng sẽ nói lên tinh thần quên mình vì người dân của các lực lượng vũ trang và của chính quyền, nhân dân vùng lũ thông qua các cuộc phỏng vấn, điện thoại trực tuyến, giao lưu trực tiếp.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của chương trình Điểm tựa Việt Nam là việc tôn vinh tinh thần lăn xả của các lực lượng cứu nạn, cứu hộ như bộ đội, công an, chính quyền địa phương, dân quân và các tình nguyện viên.
Tiêu biểu là tấm gương của Đại úy Nguyễn Đình Khiêm - Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 513, Quân khu 3 đã anh dũng hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ trong cơn bão số 3 (bão Yagi) tại xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.
Các chiến sĩ quân đội, công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ vừa qua không chỉ khiến chúng ta rơi lệ mà còn là nguồn cảm hứng lớn lao về tinh thần dũng cảm, trách nhiệm khi Tổ quốc cần.
Trong những giờ phút gian nan, họ đã trực tiếp đi vào các điểm nóng, khi nguy hiểm vẫn còn rình rập, để cứu giúp đồng bào mình. Và cũng chính từ đây, bản lĩnh, trí tuệ của người Việt đã được phát huy, nhiều sáng kiến đã ra đời nhằm nhanh chóng tìm kiếm người sống sót và đưa hàng cứu trợ đến tận tay những người cần nhất.
Anh Ma Seo Chứ (33 tuổi), trưởng thôn 9X của thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu (huyện Bắc Hà, Lào Cai) sẽ kể lại quyết định cân não, chạy đua với thời gian nhằm đưa 115 người dân lên núi tránh sạt.
Đại úy Lục Văn Nguyên, cán bộ Công an xã Yên Thuận, Công an huyện Hàm Yên, Tuyên Quang đã lao mình xuống dòng nước lũ chảy xiết cứu sống cháu bé 8 tuổi bị lũ cuốn trôi. Khán giả xem truyền hình sẽ được trực tiếp nghe câu chuyện cảm động này trong chương trình.
Trong chương trình, ca sĩ Hồng Nhung sẽ trình bày một sáng tác mới của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh mang tên Giọt nước mắt.
Bài hát này xuất phát từ sự đồng cảm của chính tác giả với nỗi đau mà đồng bào phải trải qua vì thiên tai. Đó cũng là tinh thần xuyên suốt trong các phần tham gia của Tùng Dương, Văn Mai Hương, Đông Hùng, nhóm MTV, nhạc sĩ Dương Cầm và nhiều nghệ sĩ khác. Trong đó có những nghệ sĩ vừa đi cứu trợ trở về, có những nghệ sĩ đã dành tấm lòng đóng góp cho đồng bào.
Nhạc sĩ Quốc Trung, cố vấn âm nhạc của chương trình sẽ chia sẻ tình cảm của mình với người dân vùng lũ với bản nhạc Tre xanh ru do ông sáng tác.
Bản nhạc bất hủ Hành khúc tang lễ (Funeral March) của nhạc sĩ thiên tài Frédéric Chopin cũng sẽ vang lên trên sân khấu chương trình.