Điểm tựa sức mạnh, tiếp nối và lưu truyền
Không khí của đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã rộn ràng từ mấy tháng qua.
Không chỉ ở mảnh đất Điện Biên mà ở mọi miền đất nước đều có thể cảm nhận được điều đó qua lời ca và giai điệu hào hùng “giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui” trong ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Bảy mươi năm qua, thật khó để kể hết về những gì mà Chiến thắng Điện Biên Phủ mang lại cho dân tộc Việt Nam và mang lại cho nhân loại. Chiến thắng từ đất nước Việt Nam xa xôi của mùa hè năm 1954 ấy đã truyền cảm hứng cho nhân dân hàng chục quốc gia khác đang bị thực dân Pháp cai trị, vùng lên giành độc lập cho chính mình. Hàng trăm cuộc hội thảo về Điện Biên Phủ suốt 70 năm qua đã nói rất nhiều về những giá trị bất tử của chiến thắng lịch sử này. Nhưng có lẽ giá trị lớn nhất chính là những người đã trực tiếp làm nên chiến thắng này, để biến điều đó thành một điểm tựa sức mạnh trao truyền lại cho các thế hệ tiếp nối.
Trong rất nhiều thông tin về đại lễ kỷ niệm lần này, chúng tôi xúc động trước câu chuyện về ni trưởng Thích Đàm Thảo (đang trụ trì tại tổ đình Sùng Phúc, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). Năm 1952, ở tuổi 38, đang tu tập tại chùa nhưng nghe lời kêu gọi của kháng chiến, ni sư cũng như nhiều nhà sư khác đã cởi áo cà sa, khoác áo lính tham gia chiến đấu với vai trò phục vụ y tế.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ni sư Thích Đàm Thảo làm nhiệm vụ y tế, chăm sóc thương bệnh binh tại đồi A1. Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ni sư trở về tiếp tục tu hành tại tổ đình Hương Tích ở tuổi 40. Và 70 năm trôi qua, ni trưởng nay đã ở tuổi 110, vẫn còn minh mẫn. Chúng tôi nhớ đến hình ảnh vị ni sư cựu binh ở tuổi 110, bởi trong cuộc gặp mặt tri ân những người tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng được tổ chức vào ngày 17-4-2024 chỉ còn 139 cụ đến dự được. Những người lính, những thanh niên xung phong, những dân công hỏa tuyến ngày ấy nay đều ở lứa tuổi 90. Rồi mai đây, khi đến dịp kỷ niệm 80, 90, 100 năm Điện Biên Phủ, sẽ còn bao nhiêu chứng nhân về với chiến trường xưa? Chắc chắn cùng với thời gian, những người lính ấy sẽ lần lượt ra đi, nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ được làm nên từ máu xương của họ sẽ vĩnh viễn bất tử cùng năm tháng. Từ một đội quân xuất thân nông dân áo vải, khởi thủy chỉ có 34 người trong cánh rừng già Cao Bằng xa hút, đã làm nên một Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Một đội quân ăn chưa đủ no, áo chưa đủ ấm, quen cuốc cày hơn súng đạn. Đội quân với những người lính chỉ vì tiếc một khẩu pháo mà sẵn sàng hy sinh tính mạng để chèn bánh xe. Để đồng đội xông lên, họ sẵn sàng lấy thân mình che lỗ châu mai của địch đang nhả đạn. Đối thủ của họ là đội quân thiện chiến bậc nhất thế giới, vũ khí hiện đại gấp hàng trăm lần, đủ cả máy bay, xe tăng, đại pháo, vậy mà đội quân hiện đại ấy phải thua trận tan tác trước những người lính nông dân vốn thuần hậu chất phác.
Sáng hôm nay, 7-5-2024, lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với cuộc diễu binh hùng hậu của những đoàn quân là hậu thế của những người lính Điện Biên thêm khẳng định sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, vững bước tiến lên thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.