'Điểm tựa' HTX giúp nông dân Mường Chà phát triển kinh tế

Mường Chà (cũ) là một huyện vùng núi của tỉnh Điện Biên, sau 01/7/2025 Mường Chà còn 5 xã, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm khoảng trên 40%. Trước đây, do sản xuất theo kiểu 'mạnh nấy làm', tình trạng được mùa mất giá xảy ra khá phổ biến. Từ khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất, sản phẩm được các HTX bao tiêu, từ đó cuộc sống của người dân ngày một khấm khá, 'cái đói, cái nghèo' từ đó cũng bị đẩy lùi...

Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc HTX Na Sang, xã Na Sang cho biết: Thời gian trước, cứ mạnh hộ nào hộ ấy trồng và thu hái chứ không theo một phương pháp hay một quy củ nào cả. Có những thời điểm nhà thì bán rất chạy hết dứa bán, nhà thì không thể bán được, dứa chín để thối trên nương. Từ khi tham gia vào HTX, tình trạng này đã được khắc phục, giúp bà con chăm sóc và tìm hướng bao tiêu sản phẩm

Được mùa được giá, không thế thiếu vai trò của HTX

Hiện nay, các xã mới thành lập của huyện Mường Chà (cũ) gồm các xã Na Sang, Mường Tùng, Pa Ham, Nậm Nèn, Mường Pồn có gần 360ha dứa. Cây dứa là một trong những cây thế mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân trên địa bàn. Vì vậy, có thể nói, việc dứa trở thành sản phẩm OCOP là điều kiện quan trọng để tạo đầu ra ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo ông Lê Thanh Tâm, HTX có trên 160ha dứa, trong đó có 65ha dứa được trồng theo chuẩn VietGAP. Không chỉ bán cho thương lái của các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và TP.Hà Nội, sản phẩm dứa của HTX cũng tìm được đầu ra ổn định bằng việc ký được hợp đồng tiêu thụ từ 2.000 - 2.500 tấn dứa/năm với các doanh nghiệp tỉnh bạn.

Ngoài việc thu mua dứa cho bà con, HTX cũng cung cấp phân bón và hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây dứa theo đúng quy trình, giúp cây dứa ra quả to, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Tham gia chuỗi liên kết sản xuất, người nông dân được HTX tìm thị trường tiêu thụ.

Tham gia chuỗi liên kết sản xuất, người nông dân được HTX tìm thị trường tiêu thụ.

Ông Thào A Sấu, bản Co Đứa, xã Na Sang, trồng gần 5 ha dứa cho biết: Bán không ai mua, để quả trên cây thì hỏng cây, không biết làm cách nào. May có HTX đứng ra liên lạc, thu mua giúp bà con không chỉ bán được dứa mà còn thu được chút lãi bù công sức. Còn ông Lý A Vừ ở bản Na Sang cũng khoe: Hôm vừa rồi, tôi vừa cân được năm tấn, nay có khoảng hai tấn nữa. May nhờ HTX đi tìm nơi tiêu thụ, chứ cả như chúng tôi thì chỉ còn cách… chặt bỏ tại vườn mà thôi.

So với ngô, lúa, đậu tương…, dứa là cây trồng đem lại thu nhập cao hơn 4-5 lần, lại dễ trồng, dễ chăm sóc. Dứa Mường Chà là loại quả ngon, được nhiều người chọn mua, nên nhờ trồng dứa, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Hiện nay, tại 5 xã của huyện Mường Chà (cũ), nơi có hơn 90% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số, có không ít hộ dân thoát nghèo và giàu lên nhờ cây dứa. Tùy vào diện tích mà thu nhập từ cây dứa là khác nhau nhưng theo tính toán của địa phương, với năng suất 20 tấn/ha, trung bình 1ha mang về cho người dân 50-60 triệu đồng.

Mối liên kết giữa HTX và người nông dân

Tại xã Mường Pồn, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Púng Giắt 1, Púng Giắt 2 đã chuyển đổi từ cây lúa năng suất, giá trị thấp chuyển sang liên kết với HTX trồng cây bí xanh Nam Dương.

Tham gia chuỗi liên kết, trong vụ đầu, các hộ được hỗ trợ về vốn, giống, phân bón, vật tư. HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Người dân góp đất sản xuất, tham gia quá trình trồng và chăm sóc cây bí.

Từ việc lựa chọn cây giống, chăm sóc, phân bón hay phòng trừ sâu bệnh đều phải theo tiêu chuẩn nên người dân phải tuân thủ đúng các yêu cầu kỹ thuật để mang lại những sản phẩm có chất lượng, cung cấp cho đơn vị bao tiêu. Từ đó, vùng trồng bí sẽ được kiểm soát để hướng đến một vùng trồng ổn định. Lợi nhuận thu được được chia theo tỷ lệ người dân góp đất được hưởng 60% giá trị lợi nhuận, HTX hưởng 40%.

Đến nay, mô hình liên kết trồng bí xanh tại bản Púng Giắt 1, Púng Giắt 2 đã cho 15 đợt thu hoạch. Mỗi đợt cho sản lượng từ 5 - 6 tấn, doanh thu đạt khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Đây cũng là mô hình chuyển đổi sản xuất đầu tiên của xã Mường Pồn mang lại lợi nhuận cao cho bà con.

Sản phẩm của bà con nông dân được HTX bao tiêu, mang lại thu nhập ổn định, thực hiện được mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.

Sản phẩm của bà con nông dân được HTX bao tiêu, mang lại thu nhập ổn định, thực hiện được mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.

Các hộ đồng bào tham gia mô hình cho biết, dự án trồng bí xanh đạt hiệu quả kinh tế vượt trội so với trồng lúa. Đặc biệt, đầu ra được HTX bao tiêu toàn bộ nên bà con rất phấn khởi, tích cực mở rộng diện tích.

Anh Ly A Hồ cho biết, tham gia trồng bí xanh đến nay là năm thứ 3 cho biết, trước đây bà con chỉ trồng 1 vụ lúa/năm nhưng do khô cằn, thiếu nước nên năng suất, chất lượng rất kém.

Khi chuyển sang trồng bí xanh mỗi năm thu 2 vụ, mỗi vụ cắt 10 lượt quả, có gia đình bán được hơn 100 tấn quả/vụ, với giá 5.000 - 10.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần, người dân rất phấn khởi.

Từng bước cải thiện đời sống người dân

Ông Trần Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Na Sang chia sẻ, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục triển khai hướng dẫn người dân sản xuất nông sản theo hướng VietGAP, liên kết và nhận được sự trợ lực hiệu quả từ các HTX nông nghiệp trên địa bàn, đồng thời sẽ phát triển thêm các sản phẩm thế mạnh khác trở thành sản phẩm OCOP của địa phương.

Việc liên kết giữa HTX với nông dân chính là chìa khóa thúc đẩy thành công tiến trình giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của xã biên giới còn nhiều khó khăn này.

Đặc biệt, xã sẽ đồng hành cùng Liên minh HTX tỉnh Điện Biên giải ngân nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, triển khai Đề án xây dựng HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị theo Nghị quyết của Ban chấp hành Liên minh HTX Việt Nam; tư vấn, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác tiếp cận, áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Với những nỗ lực đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 5 xã mới thành lập của huyện Mường Chà (cũ) đều giảm, đạt và vượt mục tiêu hàng năm. Giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân 5,5%/năm.

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 5 xã tính đến hết năm 2024 giảm xuống còn 41,2%, bình quân giai đoạn 2020 - 2024 giảm 5,84%/năm; tỷ lệ hộ cận nghèo là 15,68%. Chia theo khu vực, tỷ lệ hộ nghèo khu vực vùng thấp là 4,28%; tỷ lệ hộ nghèo vùng cao 46,11%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 42,01%.

Hoàng Hằng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/diem-tua-htx-giu-p-nong-dan-muo-ng-cha-phat-trien-kinh-te-1108159.html
Zalo