Điểm tựa giúp ngư dân vươn khơi

Bên cạnh nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, trong những năm qua, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa đã cung ứng các dịch vụ hậu cần phục vụ cho tàu thuyền của ngư dân như lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nhiên liệu với giá như ở đất liền. Song song đó, trung tâm còn tiêu thụ sản phẩm của ngư dân, qua đó tăng thời gian khai thác, tăng hiệu quả kinh tế cho các ngư dân.

TTDVHCNC ở đảo Đá Tây trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Trong ảnh: Trung tâm cung cấp nước đá cho ngư dân

Tiếp sức ngư dân

Chúng tôi đến thăm đảo Đá Tây vào thời điểm mùa đánh bắt hải sản của bà con ngư dân sắp khép lại để trở vào đất liền đón tết cổ truyền của dân tộc.

Âu tàu ở đảo Đá Tây được đầu tư quy mô có thể chứa 200 tàu, thuyền của ngư dân đến tránh trú bão. Trò chuyện với chúng tôi, ông Vũ Chí Thuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá (TTDVHCNC) ở đảo Đá Tây (thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông), cho biết trung tâm đi vào hoạt động từ tháng 5-2005. Trung tâm có nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ hậu cần phục vụ cho tàu thuyền của bà con ngư dân; tiêu thụ sản phẩm của bà con ngư dân ngay trên biển, đảo; cung cấp nước đá, nước ngọt miễn phí; đồng thời nhận sửa chữa miễn phí các tàu thuyền bị hư hỏng, cứu hộ cứu nạn trên biển.

“TTDVHCNC phối hợp với các lực lượng trên khu vực đảo làm tốt công tác bảo vệ quốc phòng - an ninh trên biển; xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; tiếp nhận và sắp xếp nơi ăn nghỉ cho bà con ngư dân khi đau ốm, bệnh tật hay tránh trú bão; sắp xếp nơi neo đậu cho tàu thuyền của ngư dân trong lòng hồ đảo Đá Tây tránh trú trong mùa mưa bão. Trung tâm còn làm tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái”, ông Vũ Chí Thuấn nói.

Trong niềm vui, sự phấn khởi sắp được trở về đất liền đón tết cùng gia đình, ngư dân Phan Tiên ở tỉnh Bình Định, chia sẻ kết thúc mùa đánh bắt năm 2024, tuy sản lượng đánh bắt không bằng cùng kỳ năm trước nhưng cũng đủ cho các thành viên trong đội tàu đánh bắt của ông đón một cái tết vui tươi, đầm ấm cùng người thân ở đất liền. “TTDVHCNC ở đảo Đá Tây đã giúp bà con ngư dân an tâm ra khơi, đánh bắt dài ngày. Nếu như trước đây, để có nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, sửa chữa máy móc hư hỏng... ngư dân chúng tôi phải vào bờ để xử lý. Từ khi trung tâm đi vào hoạt động, bà con ngư dân đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong hoạt động đánh bắt, khai thác thủy, hải sản so với trước đây. Nhờ đó thu nhập, đời sống của bà con ngư dân đã được nâng lên so với trước”, ông Phan Tiên cho hay.

Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Văn Khoa, quê Bình Định cho hay đội tàu đánh bắt của anh có 6 tàu, mỗi tàu có 13 - 15 thuyền viên tham gia đánh bắt ở khu vực quần đảo Trường Sa. Bên cạnh các tổ đánh bắt hỗ trợ nhau trên ngư trường, TTDVHCNC đã hỗ trợ bà con ngư dân rất nhiều về hậu cần, nhiên liệu, nước ngọt, nước đá, lương thực, thực phẩm. “Trước đây bà con ngư dân hết nhiên liệu phải vào đất liền để mua, sau đó quay ra biển rất tốn thời gian, chi phí. Từ khi có trung tâm, các tàu có thể đến mua nhiên liệu hay bán hải sản để tiếp tục đánh bắt xa bờ giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Vào mùa mưa bão, tàu của ngư dân vào âu tàu để tránh bão, hay tàu gặp sự cố máy móc được trung tâm sửa chữa miễn phí”, anh Khoa nói.

Âu tàu có sức chứa 200 tàu giúp tàu ngư dân tránh, trú bão, sửa chữa máy móc khi có sự cố, hư hỏng…

Điểm tựa vững chắc

Thượng tá Nguyễn Tường Tín, Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây, cho biết những năm qua bên cạnh nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, TTDVHCNC ở đảo Đá Tây đi vào hoạt động mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho ngư dân đánh bắt thủy, hải sản trên vùng biển Trường Sa, Nhà giàn DK1. Trung tâm là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân đánh bắt xa bờ dài ngày trên biển.

Hiện TTDVHCNC ở đảo Đá Tây có đội tàu dịch vụ gồm 11 chiếc, trong đó 1 Ponton làm nhiệm vụ chứa dầu, 1 tàu kéo, 9 tàu vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra đảo, bán hàng lưu động trên biển, cứu hộ cứu nạn khi tàu ngư dân gặp nạn. Bên cạnh đó, trung tâm tổ chức thu mua hải sản lưu động trên biển theo giá thỏa thuận, tuần tra theo dõi, xua đuổi các tàu cá nước ngoài vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam. Trung tâm luân phiên canh trực trong lòng hồ các đảo Đá Tây, Núi Le, Đá Lớn, Tốc Tan, Sinh Tồn sẵn sàng nhận lệnh đi tuần tra, cứu hộ hàng hải và các nhiệm vụ mà lãnh đạo cấp trên, Ban Chỉ huy đảo Đá Tây yêu cầu.

Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, ông Vũ Chí Thuấn cho biết các hoạt động dịch vụ hậu cần tại đảo Đá Tây tiếp tục được tăng cường, góp phần giảm chi phí nhiên liệu, tăng thời gian bám biển, tăng thu nhập cho ngư dân; trở thành điểm tựa, hậu phương vững chắc cho ngư dân yên tâm khai thác, đánh bắt xa bờ. “TTDVHCNC không đặt nặng về lợi nhuận, mà trước hết là thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để bà con ngư dân yên tâm bám biển, tiết kiệm chi phí; cùng với đó thực hiện cứu hộ cứu nạn trên biển kịp thời. Trung tâm đã và đang nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ bà con ngư dân và xây dựng trung tâm thực sự trở thành ngôi nhà chung của ngư dân”, ông Thuấn cho biết thêm.

TTDVHCNC ở đảo Đá Tây có âu tàu với diện tích 13 ha, sức chứa cùng lúc đến 200 tàu cá. Nhà máy nước đá của trung tâm sản xuất mỗi mẻ 830 cây đá. Trung tâm đã được đầu tư một hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt. Trong năm 2024, trung tâm đã phục vụ, cấp trên 442.000 lít dầu cho ngư dân, 126.464 cây đá, 2.452m3 nước ngọt, sửa chữa miễn phí cho 24 tàu thuyền của ngư dân, có 783 luợt tàu ra vào âu tàu để tránh trú bão, tiếp nhiên liệu, nước ngọt...

MINH DUY

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/diem-tua-giup-ngu-dan-vuon-khoi-a340348.html
Zalo