'Điểm tựa bình yên' của công nhân vùng lũ quét Mường Pồn

Đã hơn 4 tháng kể từ khi cơn lũ quét đi qua, xã biên giới Mường Pồn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) vẫn ngổn ngang, tiêu điều. Vậy nhưng, ngược với khung cảnh ấy, người công nhân ở vùng lũ Mường Pồn vẫn vững vàng, điềm nhiên dù ngày ngày ở tạm, ở nhờ.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Cao-su Điện Biên trao hỗ trợ người dân, công nhân bị thiệt hại do lũ quét ở Mường Pồn.

Lãnh đạo Công ty Cổ phần Cao-su Điện Biên trao hỗ trợ người dân, công nhân bị thiệt hại do lũ quét ở Mường Pồn.

Trên đường đưa chúng tôi về thăm nơi ở mượn của gia đình, anh Quàng Văn Lót, công nhân đội cao-su Mường Pồn 1, kể lại trận lũ quét kinh hoàng tràn về Mường Pồn hồi cuối tháng 7 vừa qua.

Anh Lót kể lại: Đêm 24/7, trời mưa không ngớt, tôi nằm trong nhà mà nghe tiếng nước suối ầm ào. Nửa đêm tỉnh giấc, tôi thấy nước mấp mé ngoài cửa. Quanh nhà tôi, tiếng người gọi nhau giục nhau chuyển đồ, giục nhau dắt trâu hòa vào tiếng mưa, tiếng suối. Thấy mưa to quá, tôi chạy vào gọi vợ, gọi con. Thật may là người nhà tôi chạy lên tới đường to thì nhà chìm dưới nước. Dòng suối cuộn lên như sóng dâng rồi cuốn băng nhà tôi theo nước. May mắn là nhà tôi 5 người vẫn đủ 5; còn ít tiền, đồ dùng và gỗ lạt chuẩn bị làm nhà thì trôi hết rồi.

Sau lũ quét, vợ chồng công nhân Quàng Văn Lót ở nhờ tại nhà văn hóa bản.

Sau lũ quét, vợ chồng công nhân Quàng Văn Lót ở nhờ tại nhà văn hóa bản.

Dừng chân trước dãy nhà dưới tấm biển “Nhà văn hóa bản Tin Tốc”, anh Lót đưa tay chỉ vào gian cuối cùng trong dãy nhà và nói: “Hơn 4 tháng rồi, gia đình tôi ở đây. Chật chội hơn nhà cũ, nhưng so với nhiều gia đình khác thì cũng là may mắn vì còn có nơi ở không lo mưa nắng. Còn lương thực, thực phẩm thì không thiếu bởi được chính quyền, các nhà hảo tâm hỗ trợ và cơ bản là vợ chồng tôi có lương hằng tháng cho nên không khó khăn như mọi người”.

Hỏi thêm anh Lót về mức lương và công việc hằng tháng, chúng tôi được biết, vợ chồng anh Lót đều là công nhân đội Cao-su Mường Pồn 1. Cũng như hàng trăm gia đình công nhân khác ở các bản: Tin Tốc, bản Lĩnh, Chan 1, Chan 2, Mường Pồn, Huổi Ké… bị thiệt hại do lũ quét, ngay sau khi cơn lũ quét đi qua, gia đình anh Lót đã được chính quyền địa phương, các đồng chí lãnh đạo và đại diện công đoàn Công ty Cổ phần cao-su Điện Biên thăm hỏi, hỗ trợ nhu yếu phẩm và một số vật dụng thiết yếu.

Về công việc, gia đình anh Lót và các công nhân ở vùng lũ đều được tạo điều kiện thuận lợi về thời gian sao cho công nhân bảo đảm công làm, sản lượng song vẫn có thời gian thu dọn, sắp xếp việc gia đình. “Ngay sau khi lũ đi qua, công nhân ở vùng lũ được công ty cho ứng mỗi người 5 triệu đồng để mua thóc, gạo; hằng tháng đều được nhận lương vậy nên chúng tôi rất yên tâm làm việc”- anh Lót cho biết thêm.

Vợ chồng anh Lò Văn Lả trong ngôi nhà tạm làm nhờ trên đất của người anh họ.

Vợ chồng anh Lò Văn Lả trong ngôi nhà tạm làm nhờ trên đất của người anh họ.

Cùng cảnh bị trôi nhà do lũ quét như gia đình anh Lót, hơn 4 tháng qua, gia đình anh Lò Văn Lả cũng ở trong “ngôi nhà tạm” dựng nhờ trên đất người anh họ. Gọi là “nhà tạm” nhưng trong nhà chỉ vừa đủ hai tấm phên nứa cho 4 người nằm. Mấy bao gạo và mấy thùng mì tôm do các đoàn từ thiện trao tặng được anh Lả xếp gọn cạnh cửa vào. Chỉ vào mấy bao gạo, anh Lả khẽ nói: Bằng này gạo đủ gia đình tôi ăn 2 tháng song chúng tôi không lo nhiều vì hằng tháng đều có lương được công ty trả rất đầy đủ, kịp thời. Tôi đã dự tính dồn lương để dành đến cuối năm mới nhận để có tiền thành món thêm vào làm nhà ở vững chắc!

Thông tin thêm về hoàn cảnh các công nhân bị thiệt hại do lũ quét Mường Pồn, ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc Nông trường Cao-su Điện Biên, cho biết: Toàn nông trường có 261 cán bộ, công nhân; trong đó công nhân trực tiếp khai thác mủ là 240 người là đồng bào các dân tộc thiểu số: H’Mông, Thái, Khơ Mú. Trong đợt lũ quét tràn về Mường Pồn vào đêm 24 rạng sáng ngày 25/7, toàn nông trường có 79 gia đình công nhân bị thiệt hại nhà cửa, tài sản. Hàng chục gia đình công nhân bị lũ cuốn trôi hoàn toàn nhà ở; nhiều gia đình bị đổ nhà, sập nhà; một số người bị mất người,… Thiệt hại với người dân vùng lũ Mường Pồn lên đến 175 tỷ đồng; trong đó hơn trăm gia đình công nhân cao-su bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Cán bộ Nông trường Cao-su Điện Biên thăm hỏi đời sống gia đình công nhân bị thiệt hại do lũ quét.

Cán bộ Nông trường Cao-su Điện Biên thăm hỏi đời sống gia đình công nhân bị thiệt hại do lũ quét.

Kịp thời động viên, hỗ trợ công nhân bị thiệt hại do lũ quét, ngay sau khi cơn lũ đi qua, vào sáng 26/7 đích thân đồng chí Nguyễn Công Tám, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cao-su Điện Biên cùng các đồng chí lãnh đạo, đại diện công đoàn, đoàn thanh niên công ty đã về từng bản và các đội: Hua Thanh, Mường Pồn 1, Mường Pồn 2,... nắm thiệt hại của từng gia đình công nhân.

Tận tay trao gạo, thực phẩm thiết yếu cho các gia đình bị thiệt hại, đồng chí Nguyễn Công Tám đã yêu cầu cán bộ các đội, nông trường phải hỗ trợ, bảo đảm nơi ăn, ở tạm cho các gia đình bị mất nhà; thăm hỏi gia đình công nhân có người bị lũ cuốn mất tích.

Trở về sau chuyến thị sát vùng lũ quét, đồng chí Nguyễn Công Tám đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn khẩn trương làm thủ tục cho công nhân vùng lũ ứng tiền mua lương thực dự trữ; đồng thời phát động đoàn viên, người lao động toàn công ty chung tay giúp công nhân với tinh thần tương trợ, sẻ chia. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời bằng cả vật chất, tinh thần của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công nhân trong công ty nên công nhân cao-su ở vùng lũ thêm yên tâm, tin tưởng công ty đã và luôn thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách dành cho người lao động.

Đồng chí Cao Thị Tuyết Lan, Bí thư Huyện ủy Điện Biên cùng lãnh đạo Công ty Cổ phần Cao-su Điện Biên trao quà hỗ trợ các gia đình công nhân bị thiệt hại do lũ quét.

Đồng chí Cao Thị Tuyết Lan, Bí thư Huyện ủy Điện Biên cùng lãnh đạo Công ty Cổ phần Cao-su Điện Biên trao quà hỗ trợ các gia đình công nhân bị thiệt hại do lũ quét.

Ghi nhận sự chủ động, hỗ trợ kịp thời mà Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam, Công ty Cổ phần Cao-su Điện Biên dành cho công nhân, người lao động vùng lũ quét, trong chuyến thăm, động viên công nhân vùng lũ cùng đồng chí Huỳnh Kim Nhựt, Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn, đồng chí Cao Thị Tuyết Lan, Bí thư Huyện ủy Điện Biên đã khẳng định: Sự hỗ trợ kịp thời, toàn diện của Tập đoàn và Công ty Cổ phần Cao-su Điện Biên dành cho công nhân vùng lũ là điểm tựa, niềm tin vững chắc để mỗi công nhân, gia đình công nhân vượt qua khó khăn.

Cũng chính sự vào cuộc kịp thời, nghĩa tình của cán bộ, công nhân Tập đoàn và Công ty đã góp phần giúp cấp ủy, chính quyền địa phương vơi bớt khó khăn trong việc lo nơi ở, cuộc sống, cái ăn cái mặc cho người dân vùng lũ. “Không chỉ công nhân mà cấp ủy, chính quyền địa phương cũng yên tâm hơn rất nhiều khi có Tập đoàn, Công ty Cổ phần Cao-su Điện Biên đồng hành chăm lo việc làm, đời sống cho nhân dân các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên” - đồng chí Cao Thị Tuyết Lan đã nói khi tận tay trao quà tặng công nhân vùng lũ.

Cảm ơn sự quan tâm, đồng hành của Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam, Công ty Cổ phần Cao-su Điện Biên dành cho công nhân, người lao động vùng lũ quét, tại buổi việc với đại diện lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam tại tỉnh Điện Biên vừa qua, đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đã nhấn mạnh rằng: Sự vào cuộc kịp thời, tận tình của Tập đoàn và Công ty là hành động khẳng định sâu sắc hơn “điểm tựa bình yên” với công nhân, lao động.

Không chỉ là việc làm, thu nhập ổn định mà trong mọi hoàn cảnh dù bão lũ hay thiên tai thì người công nhân luôn có công ty để dựa vào. Điều đó không chỉ có ý nghĩa với mỗi công nhân, gia đình công nhân bị thiệt hại do lũ quét ở Mường Pồn, mà còn rất có ý nghĩa với cấp ủy, chính quyền địa phương trong lộ trình tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thay đổi thói quen canh tác, ý thức lao động với nỗ lực vươn lên trên mảnh đất quê hương.

Các đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả lũ quét tại Mường Pồn.

Các đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả lũ quét tại Mường Pồn.

LÊ LAN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/diem-tua-binh-yen-cua-cong-nhan-vung-lu-quet-muong-pon-post848071.html
Zalo