Điểm tựa bình yên
Tôi ngồi đây, giữa căn phòng nhỏ quen thuộc, nhìn ra khoảng trời ngoài kia, lòng bỗng trào dâng một nỗi nhớ cha da diết. Tháng Chạp ở miền Nam, trời vẫn còn vương chút se lạnh của mùa đông, nhưng những tia nắng đã bắt đầu ấm áp hơn. Khung cảnh ấy khiến tôi nhớ về những cái tết xưa, khi cả gia đình còn quây quần bên nhau, có cha ở đó, dù chỉ là những ngày phép ngắn ngủi.
Tôi ngồi đây, giữa căn phòng nhỏ quen thuộc, nhìn ra khoảng trời ngoài kia, lòng bỗng trào dâng một nỗi nhớ cha da diết. Tháng Chạp ở miền Nam, trời vẫn còn vương chút se lạnh của mùa đông, nhưng những tia nắng đã bắt đầu ấm áp hơn. Khung cảnh ấy khiến tôi nhớ về những cái tết xưa, khi cả gia đình còn quây quần bên nhau, có cha ở đó, dù chỉ là những ngày phép ngắn ngủi.
Cha tôi là một người lính Cụ Hồ, nhưng bên cạnh nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc, cha cũng chưa bao giờ quên trách nhiệm của một người trụ cột gia đình. Tôi còn nhớ những năm không thể về quê đón tết, cha luôn tìm cách gửi chút quà về cho mẹ con tôi qua bạn bè hoặc đồng đội. Đó có thể là hộp bánh mứt đơn sơ, vài chiếc phong bao lì xì nhỏ xinh, hay đôi khi là một món quà cha chọn riêng cho mẹ. Mỗi món quà đều đi kèm một bức thư tay, từng chữ như chứa đựng bao nỗi nhớ thương và lời xin lỗi vì không thể về sum họp cùng gia đình. Dù không có cha ở nhà nhưng những món quà ấy như mang theo hơi ấm, khiến chúng tôi cảm nhận được tình yêu thương của cha.
Rồi có những năm cha được về phép thăm nhà dịp tết. Đó là khoảng thời gian cả nhà tôi hạnh phúc nhất. Việc đầu tiên cha làm khi trở về nhà là chở tôi trên chiếc xe đạp cũ, cùng đi chợ tết. Cha chọn cho tôi từng bộ quần áo mới, tỉ mỉ ướm thử, rồi cẩn thận hỏi: “Con có thích không?”. Những món đồ cha mua chẳng đắt tiền, nhưng với tôi, đó là cả thế giới. Tôi cảm thấy hạnh phúc, tự hào khi được khoác lên mình bộ quần áo mới mà cha chọn, bởi tôi biết, ẩn sau đó là tình yêu thương vô bờ bến của cha. Tết đến, gia đình tôi lại quây quần dọn dẹp nhà cửa. Cha lau chùi bàn thờ tổ tiên, mẹ tỉ mẩn gói từng chiếc bánh chưng, còn tôi và các anh chị háo hức nhóm lửa, trông nồi bánh. Những khoảnh khắc đó, dù giản dị nhưng đong đầy yêu thương, trở thành ký ức ngọt ngào nhất, bình yên nhất mà tôi luôn trân trọng.
Những kỷ niệm về cha cứ thế đong đầy trong tôi, nhưng có lẽ sâu sắc nhất là ngày tôi lên xe hoa, một bước ngoặt lớn trong cuộc đời, khoảnh khắc mà tôi không thể nào quên. Trong lễ cưới, lần đầu tiên tôi thấy cha khóc. Khi ấy trái tim tôi chợt thắt lại. Cố nén cảm xúc và để làm không khí nhẹ nhàng hơn, tôi trêu cha: “Cha sao vậy? Cha khóc mừng vì gả được con gái đi chứ gì!”. Cha tôi chỉ cười hiền, vội vàng lau đi những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt đã hằn sâu những nếp nhăn của thời gian. Trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra, dù cha luôn ít nói nhưng tình cảm cha dành cho tôi là vô cùng sâu sắc. Cha chẳng bao giờ nói “cha yêu con”, nhưng những hành động đầy yêu thương, những giọt nước mắt ấy đã nói thay tất cả.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến tết, lòng tôi bỗng thấy nhói một nỗi buồn khó tả. Kể từ khi lấy chồng, gia đình mới, con cái và công việc cứ cuốn đi khiến tôi không thể đón tết cùng cha mẹ như trước. Như mọi năm, khoảng 26-27 tết, tôi lại nhận được cuộc gọi từ cha: “Các con có về ăn tất niên cùng cha mẹ không?”. Tôi vui mừng trả lời: “Có chứ ạ!”. Sau khi ăn cơm xong, ngồi được một lát, cha lại nhẹ nhàng giục: “Hai đứa về bên nhà nội đi. Chén bát cứ để đấy cha mẹ dọn”. Cha nói vậy, nhưng tôi biết, trong lòng cha lại muốn chúng tôi ở lại lâu hơn một chút, bên mâm cơm gia đình, bên cha mẹ. Cha không nói ra, nhưng ánh mắt ấy, tôi hiểu, cha luôn muốn chúng tôi quây quần thêm chút nữa.
Cha là thế, luôn nghĩ cho người khác, luôn lo lắng cho gia đình. Dù biết cha muốn tốt cho tôi, dù biết mình phải làm tròn bổn phận, nhưng mỗi lần phải rời khỏi nhà cha mẹ, lòng tôi không khỏi có một khoảng trống trong lòng. Nhưng cuộc sống là vậy, luôn là một vòng tuần hoàn bất tận. Tôi phải lớn, phải trưởng thành, phải rời xa vòng tay cha mẹ nhưng tôi hiểu, cha luôn là điểm tựa bình yên để tôi trở về… Và với tôi, cha luôn mãi bên đời, cho dù tôi có đi nơi đâu.
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!