Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 8/5: Vi phạm kinh doanh bất động sản, một công ty bị phạt 500 triệu đồng
TPHCM được giao làm cơ quan chủ quản dự án đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành; Phát Đạt tham gia phát triển dự án La Pura, mở rộng chiến lược tại Bình Dương; Thanh tra Chính phủ đề nghị Cần Thơ làm rõ trách nhiệm vi phạm trong quản lý đất đai; Đồng Nai chấn chỉnh tình trạng thuê, mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng…là những tin tức xây dựng - bất động sản đáng chú ý
Vi phạm kinh doanh bất động sản, một công ty bị phạt 500 triệu đồng
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành Quyết định số 1185/QĐ-XPHC, xử phạt hành chính Công ty TNHH Long Gia An số tiền 500 triệu đồng do vi phạm trong hoạt động kinh doanh bất động sản tại dự án Khu dân cư Gia An, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ.

Ảnh minh họa
Theo nội dung quyết định, Công ty Long Gia An đã ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất với một khách hàng tại dự án khi bất động sản chưa đủ điều kiện để giao dịch theo quy định pháp luật. Cụ thể, công ty chưa có văn bản thông báo với cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh xác nhận bất động sản đủ điều kiện để bán hoặc cho thuê mua, vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2013 (nay là khoản 4, Điều 24 của Luật năm 2023).
Với hành vi nêu trên, UBND tỉnh không chỉ xử phạt công ty 500 triệu đồng mà còn đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản tại dự án Khu dân cư Gia An trong thời hạn 4 tháng 15 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định.
Đây là động thái mạnh tay của chính quyền địa phương nhằm tăng cường kỷ cương, siết chặt quản lý thị trường bất động sản, đặc biệt trong bối cảnh nhiều dự án rao bán khi chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, gây rủi ro cho người mua. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin pháp lý của dự án trước khi ký kết hợp đồng để tránh phát sinh tranh chấp hoặc thiệt hại.
TPHCM được giao làm cơ quan chủ quản dự án đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành
Tại kỳ họp thứ 27, HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X đã thông qua Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 29/4/2025, thống nhất chủ trương giao UBND TP.HCM làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành. UBND tỉnh Đồng Nai được giao tổ chức triển khai nghị quyết, đồng thời HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng các tổ chức thành viên sẽ thực hiện giám sát việc thực hiện chủ trương này.
Dự án đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành có chiều dài khoảng 42km, là tuyến đường sắt đô thị với 20 ga, thiết kế đường đôi khổ 1.435mm, vận tốc tối đa 120km/h, kết nối TP.HCM, tỉnh Đồng Nai và Sân bay quốc tế Long Thành. Dự án được xác định là tuyến đường sắt quốc gia, thuộc trách nhiệm đầu tư của Bộ Xây dựng, địa phương chịu trách nhiệm tổ chức đầu tư và khai thác theo Luật Đường sắt 2017.
Tháng 4/2025, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề xuất đầu tư tuyến đường này. Theo quy hoạch phát triển đô thị đến năm 2050, TP.HCM có bốn tuyến đường sắt kết nối hai sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành, gồm metro số 2, 4, 6 và tuyến đường sắt quốc gia Thủ Thiêm – Long Thành.
TP.HCM hiện đang phối hợp cùng Bộ Xây dựng rà soát các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 188/2025/QH15 nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ triển khai các tuyến đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia trên địa bàn.
Phát Đạt tham gia phát triển dự án La Pura, mở rộng chiến lược tại Bình Dương
Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) vừa công bố tham gia phát triển dự án cao tầng La Pura tại TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương, tiếp tục khẳng định chiến lược mở rộng tại các đô thị vệ tinh giàu tiềm năng, đặc biệt là khu vực Đông Bắc TP.HCM.

Phát Đạt tham gia phát triển dự án La Pura, mở rộng chiến lược tại Bình Dương
La Pura là khu phức hợp cao tầng nằm trên mặt tiền Quốc lộ 13 – tuyến giao thông huyết mạch kết nối TP.HCM với Bình Dương. Đây là dự án chiến lược giúp Phát Đạt tăng tính chủ động trong kiểm soát dòng tiền, đồng thời tối ưu hóa nguồn lực đầu tư theo hướng bền vững. Dự án quy tụ nhiều đối tác lớn như Realty Holdings, Central, VPBank, góp phần gia tăng uy tín và đảm bảo tiến độ triển khai.
Bình Dương hiện là một trong những thị trường trọng điểm của PDR, với danh mục dự án đang mở rộng tại các khu vực như Thuận An, Dĩ An – nơi có nhu cầu nhà ở cao, hạ tầng phát triển nhanh và tiềm năng tích hợp đô thị với TP.HCM trong tương lai. Một số dự án đáng chú ý khác của Phát Đạt tại đây gồm Thuận An 1 & 2 (quy mô gần 6.000 sản phẩm) và các dự án đang xúc tiến tại Dĩ An.
Với định hướng phát triển dài hạn, Phát Đạt tiếp tục nghiên cứu mở rộng quỹ đất tại Bình Dương giai đoạn 2025–2027, đặt mục tiêu biến khu vực này thành điểm sáng mới trên bản đồ bất động sản cao tầng phía Nam.
Thanh tra Chính phủ đề nghị Cần Thơ làm rõ trách nhiệm vi phạm trong quản lý đất đai
Ngày 7/5, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất đai tại TP Cần Thơ, chỉ rõ nhiều sai phạm nghiêm trọng. Trong đó, đáng chú ý là việc Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (cũ) cấp hơn 2.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho các tổ chức kinh tế khi dự án chưa hoàn thiện hạ tầng, vi phạm quy định pháp luật. UBND TP Cần Thơ cũng bị kết luận không công khai thông tin về các dự án chậm tiến độ, không sử dụng đất theo quy định, và ban hành bảng giá đất chưa sát với giá thị trường.
Một số doanh nghiệp đã cho thuê đất trái quy định khi chưa được cấp phép như tại Khu Công nghiệp Hưng Phú và Thốt Nốt. Riêng dự án tái định cư tại quận Ninh Kiều bị phát hiện chi sai hơn 1 tỉ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ.
Tổng số tiền Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi về ngân sách là hơn 463,8 tỉ đồng và giảm trừ quyết toán dự án hơn 2,5 tỉ đồng. Đồng thời, yêu cầu UBND TP Cần Thơ kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan. Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Bộ Công an vào cuộc xử lý sai phạm trong cho thuê đất tại KCN Thốt Nốt.
Đồng Nai chấn chỉnh tình trạng thuê, mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng
UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành văn bản yêu cầu chấn chỉnh tình trạng quản lý, sử dụng nhà ở xã hội không đúng quy định trên địa bàn TP Biên Hòa, sau khi Sở Xây dựng công bố kết quả kiểm tra tại 4 dự án nhà ở xã hội. Qua kiểm tra, nhiều trường hợp được phát hiện sử dụng căn hộ không đúng đối tượng, bỏ trống gây lãng phí, cải tạo, lấn chiếm không gian chung, thậm chí nhiều căn đã ở nhiều năm nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận sở hữu.

Đồng Nai chấn chỉnh tình trạng thuê, mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng/Ảnh minh họa
Đáng chú ý, hơn 40% người thuộc diện kiểm tra vắng mặt dù đã được thông báo trước. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương rà soát cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được bố trí nhà ở xã hội nhưng vắng mặt hoặc không hợp tác khi kiểm tra, đồng thời báo cáo Sở Xây dựng để xử lý. Trường hợp người sử dụng chuyển công tác hoặc thôi việc cũng phải được cập nhật kịp thời.
Sở Xây dựng được giao phối hợp với Công an tỉnh, Sở Nội vụ và UBND TP Biên Hòa làm việc cụ thể với các trường hợp vi phạm. Tỉnh khuyến khích người không còn nhu cầu sử dụng nhà ở xã hội tự nguyện trả lại nhà; nếu không tự nguyện, sẽ bị xử lý, thu hồi theo quy định, kể cả những trường hợp có dấu hiệu lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân.
Ngoài ra, Sở Xây dựng được yêu cầu đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho các hộ dân đủ điều kiện; đồng thời phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nhà ở xã hội sau bàn giao. Kết quả xử lý sẽ được tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 24/5 tới.