Điểm tên CTCK lãi thực trên 100 tỷ đồng: 'Ngựa ô' VietinBank Securities với mức tăng trưởng ba con số trong khi nhiều đối thủ lớn lao dốc

Quý I/2025 đánh dấu sự phân hóa rõ rệt trong kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán. Trong khi VietinBank Securites, VPBankS, Vietcap tăng trưởng mạnh cả về lợi nhuận trước thuế và lãi đã thực hiện, không ít đối thủ như HSC, FPTS, VNDirect lại chứng kiến sự suy giảm đáng kể, phản ánh tính chất cạnh tranh khốc liệt của ngành.

Bức tranh lợi nhuận của các công ty chứng khoán trong quý I/2025. Nguồn: Lợi Hoàng.

Bức tranh lợi nhuận của các công ty chứng khoán trong quý I/2025. Nguồn: Lợi Hoàng.

VietinBank Securities gây bất ngờ với lợi nhuận đột biến

Trong bối cảnh thị trường diễn biến khá phức tạp của ngành chứng khoán, giới đầu tư đang dành nhiều sự chú ý hơn đến chỉ tiêu “lãi đã thực hiện” – một yếu tố phản ánh dòng tiền thật sự đã thu được từ các khoản đầu tư hoặc hoạt động tài chính.

Khác với lợi nhuận kế toán vốn có thể bị chi phối bởi việc đánh giá lại danh mục tài sản, lãi đã thực hiện mang lại cái nhìn thực chất hơn về hiệu quả hoạt động. Đây là lợi nhuận đã được “chốt lời”, đã hiện thực hóa thành dòng tiền thật của doanh nghiệp, có thể sử dụng ngay cho các mục tiêu như chia cổ tức, bổ sung vốn lưu động hoặc tái đầu tư. Chỉ tiêu trở nên quan trọng trong việc đánh giá chất lượng lợi nhuận và tính bền vững trong chiến lược kinh doanh.

Theo dõi trong quý đầu năm, trong số các công ty chứng khoán báo lãi trên 100 tỷ đồng trong quý I/2025, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương (VietinBank Securities, Mã: CTS) là “ngựa ô” của ngành, nổi lên như một điểm sáng hiếm có. VietinBank Securities ghi nhận lợi nhuận trước thuế ở mức 132,6 tỷ đồng, không thuộc nhóm công ty dẫn đầu – nhưng lại đạt tới 214,4 tỷ đồng lãi đã thực hiện. Đây là mức tăng trưởng lên đến 175,6% so với cùng kỳ, và là mức tăng cao nhất toàn ngành chứng khoán.

Trong khi nhiều công ty khác vẫn phải gồng mình với các khoản đánh giá lại chưa bán được trên sổ sách, VietinBank Securities đã chốt lời sớm một phần danh mục, hiện thực hóa lợi nhuận. Quyết định này giúp doanh nghiệp tạo dòng tiền thật cho hoạt động kinh doanh thay vì con số “trên giấy”.

Theo dõi trường hợp khác, TCBS – Chứng khoán Kỹ Thương – tiếp tục duy trì vị thế đầu ngành khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 1.309 tỷ đồng, trong đó toàn bộ đều đã được thực hiện. Đây là một trong số ít công ty có tỷ lệ lãi thực hiện tuyệt đối.

Một điểm sáng khác là VPBankS – công ty chứng khoán thuộc hệ sinh thái của Ngân hàng VPBank – đã có một quý bứt phá với lợi nhuận trước thuế đạt 350,7 tỷ đồng và lãi thực hiện ở mức 353,1 tỷ đồng. Cả hai chỉ tiêu trên đều tăng trưởng trên 90% so với cùng kỳ. Kết quả này đến từ việc VPBankS đang phát triển mạnh hoạt động bán lẻ, trong đó có cho vay ký quỹ. Kết thúc quý I/2025, dư nợ margin của VPBankS lập kỷ lục 12.760 tỷ đồng, cao hơn gần 3.313 tỷ đồng (hay 35%) so với thời điểm đầu năm

Bên cạnh các đơn vị trên, Vietcap (VCI), MBS và VPS cũng nằm trong nhóm có kết quả kinh doanh tích cực. VCI ghi nhận lợi nhuận tăng 56%, lãi thực hiện tăng hơn 82%. MBS tăng 47,6% lợi nhuận trước thuế và 52,4% lãi thực hiện. VPS – dù có mức giảm trong doanh thu môi giới – vẫn đạt 918 tỷ đồng lợi nhuận và gần 897 tỷ đồng lãi đã thực hiện, chiếm hơn 97% tổng lợi nhuận.

Ở nhóm công ty chứng khoán lớn, SSI lại có sự đối lập khi tăng trưởng lợi nhuận trước thuế nhưng sụt giảm nhẹ về lợi nhuận đã thực hiện.

Nhiều cái tên lớn suy giảm lợi nhuận trong quý đầu năm

Trong khi đó, phía bên kia của bức tranh là những công ty chứng khoán đang gặp khó khăn trong việc duy trì chất lượng lợi nhuận. Sau sự cố bị hacker tấn công, hoạt động của Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) vẫn chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc.

Trong quý đầu năm, VNDirect ghi nhận lợi nhuận trước thuế 478,1 tỷ đồng, giảm 37,7% so với cùng kỳ năm trước. Khoản lãi thực hiện cũng giảm 18,9% xuống còn 511,4 tỷ đồng.

SHS – Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội – cũng trải qua quý đầu năm không như kỳ vọng. Công ty này giảm 26,6% lợi nhuận kế toán và 17,9% lãi thực hiện. Đây là giai đoạn SHS đang thực hiện chiến lược tái cấu trúc mạnh mẽ cả về danh mục và bộ máy nhân sự, tuy nhiên kết quả tài chính ngắn hạn cho thấy quá trình chuyển đổi vẫn còn nhiều áp lực.

Một loạt các công ty khác như HSC, FPTS, ACBS, KIS Việt Nam và VCBS cũng ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận từ 15–30%, đi kèm với tỷ lệ lãi thực hiện thấp hơn kỳ vọng. Đặc biệt, hai cái tên gây chú ý nhất ở nhóm sụt giảm mạnh là Rồng Việt (VDS) và Thiên Việt (TVS), với mức giảm lợi nhuận lên tới trên 80%, kéo theo lãi thực hiện gần như “bay hơi”. Với kết quả kém sắc, Rồng Việt và Thiên Việt cũng không còn góp mặt trong nhóm công ty chứng khoán lãi trên 100 tỷ đồng trong quý đầu năm 2025.

Bức tranh tài chính quý I/2025 cho thấy rõ ràng quy mô lợi nhuận không còn là yếu tố duy nhất để đánh giá sức khỏe doanh nghiệp. Trong một thị trường đang bước vào giai đoạn chọn lọc, nơi mà dòng tiền thực và hiệu quả thực sự lên ngôi, những công ty chứng khoán có thể khiêm tốn về con số kế toán lại nổi bật bởi khả năng chuyển hóa lợi nhuận thành dòng tiền thật. Đây là yếu tố nền tảng cho tăng trưởng bền vững, và là điểm tựa cho nhà đầu tư trong khi thị trường còn nhiều biến động phía trước.

Lợi Hoàng

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/diem-ten-ctck-lai-thuc-tren-100-ty-dong-ngua-o-vietinbank-securities-voi-muc-tang-truong-ba-con-so-trong-khi-nhieu-doi-thu-lon-lao-doc.html
Zalo