Điểm sáng trong hành trình triển khai Chỉ thị 40/CT-TW

Hơn 20 năm triển khai tín dụng chính sách xã hội, 10 năm triển khai Chỉ thị 40/CT-TW, NHCSXH đã là cánh tay nối dài của Chính phủ triển khai các chính sách tín dụng xã hội tới những đối tượng chính sách, người yếu thế. Qua các đợt thiên tai, khủng hoảng, đặc biệt là dịch Covid-19 vừa qua đã minh chứng vai trò phản ứng và thực thi chính sách nhanh của NHCSXH, góp phần đảm bảo an sinh xã hội duy trì và thúc đẩy nhịp phát triển kinh tế của đất nước.

Nhìn lại giai đoạn 2022-4/2024, trong điều kiện thế giới suy thoái, gặp khó khăn do diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, ngày 11/01/2022 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đến ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Với chức năng nhiệm vụ của mình, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, ngay sau khi có các Nghị quyết trên, NHCSXH đã ban hành kế hoạch số 933/KH-NHCS ngày 30/01/2022 kịp thời cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức triển khai trong toàn hệ thống và thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP. Đồng thời chủ động phối hợp với các Bộ, ban, ngành, địa phương tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản dưới luật liên quan. NHCSXH cũng kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện trong toàn hệ thống, triển khai cho vay mới 5 chương trình tín dụng chính sách (Cho vay học sinh sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến; Cho vay nhà ở xã hội; Cho vay hỗ trợ tạo việc làm; Cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; Cho vay phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) và thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay tín dụng chính sách.

Trong quá trình triển khai, NHCSXH đã ban hành Kế hoạch số 933/KH-NHCS ngày 30/01/2022 nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP trong toàn hệ thống; chỉ đạo chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết tại cơ sở. Ban chỉ đạo tại NHCSXH Trung ương và các Tổ hỗ trợ chi nhánh đã thường xuyên nắm bắt tình hình để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện; đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP tại một số chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố. Ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay và hướng dẫn hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay; triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi qua NHCSXH, hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP đảm bảo đúng đối tượng, điều kiện, tránh trục lợi; công khai dư nợ vay, số tiền hỗ trợ lãi suất hằng tháng của từng khách hàng tại trụ sở NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện và tất cả các điểm giao dịch xã trên toàn quốc.

NHCSXH đã là cánh tay nối dài của Chính phủ triển khai các chính sách tín dụng xã hội tới những đối tượng chính sách, người yếu thế

NHCSXH đã là cánh tay nối dài của Chính phủ triển khai các chính sách tín dụng xã hội tới những đối tượng chính sách, người yếu thế

NHCSXH đã huy động nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi thuộc Chương trình, đến 31/12/2023 đạt 38.400 tỷ đồng/38.400 tỷ đồng, hoàn thành 100% hạn mức phát hành được Quốc hội quyết nghị. NHCSXH đã chỉ đạo chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố báo cáo UBND; Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH phân giao chỉ tiêu và tích cực triển khai giải ngân đảm bảo chính xác, kịp thời, đảm bảo tính pháp lý, đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Ngân hàng cũng chủ động phối hợp, báo cáo kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP và các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện với các bộ, ngành liên quan để kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.

Những nỗ lực của NHCSXH đã góp phần đưa dư nợ các chính sách tín dụng ưu đãi thuộc Chương trình đến 31/12/2023 đạt 38.400 tỷ đồng, tăng 22.376 tỷ đồng so với năm 2022 với trên 615,6 nghìn lượt khách hàng được vay vốn, đạt 100% tổng quy mô chính sách được Quốc hội quyết nghị. Trong đó, cho vay học sinh sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến theo Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 đạt dư nợ 827 tỷ đồng, để mua trên 90 nghìn máy tính và thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, hoàn thành 100% kế hoạch.

Về Chương trình Cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP đã đạt dư nợ 10.281 tỷ đồng, hỗ trợ mua và xây dựng cho trên 26,2 nghìn căn nhà ở xã hội, hoàn thành 100% kế hoạch. Việc thực hiện chính sách đã góp phần giúp trên 26,2 ngàn người thu nhập thấp cùng gia đình có nhà ở ổn định, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần vào thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm dư nợ đạt 24.876 tỷ đồng, với hơn 448,4 nghìn khách hàng được vay vốn tạo việc làm, hoàn thành 100% kế hoạch. Kết quả này đã góp phần khôi phục các làng nghề truyền thống, hỗ trợ vốn cho người lao động và các cơ sở sản xuất kinh doanh mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho nhiều người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, qua đó góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập dư nợ đạt 126 tỷ đồng, cho trên 2,6 nghìn cơ sở giáo dục được vay vốn, hoàn thành 100% kế hoạch.

Về cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, dư nợ đạt 2.290 tỷ đồng, với trên 48,1 nghìn khách hàng vay vốn, hoàn thành 100% kế hoạch. Việc có một Chương trình Mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và việc xây dựng Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là một bước đổi mới đặc biệt quan trọng cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác ở vùng sâu, vùng xa. Chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần tăng cường lòng tin của nhân dân, của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước.

Cũng trong giai đoạn 2022-2023, NHCSXH đã thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 cho 3.332.020 khách hàng, dư nợ giải ngân được hỗ trợ lãi suất đạt hơn 158.994,38 tỷ đồng với số tiền hỗ trợ lãi suất gần 2.993,89 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ người dân, hộ vay vốn và doanh nghiệp khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất, góp phần tạo điều kiện cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế đất nước.

Nhìn nhận về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP, Nghị quyết số 43/2022/QH15 Đoàn giám sát của Quốc hội đã đánh giá: Chính sách tín dụng qua NHCSXH được thực hiện với kết quả cao, là điểm sáng trong các chính sách được quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15. Chính sách này đã “đúng” và “trúng” với nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Thông báo số 598/TB-ĐGS ngày 02/4/2024 của Đoàn giám sát Quốc hội khóa XV trong nội dung kết luận của Đoàn giám sát tại phiên họp làm việc với Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội có nêu: “vay ưu đãi qua NNHCSXH đã hỗ trợ tốt cho đời sống nhân dân và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp”. Các chương trình tín dụng ưu đãi nhằm thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đã phát huy hiệu quả tích cực, có ý nghĩa quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, hỗ trợ các hộ nghèo, sản xuất, kinh doanh nhỏ và đảm bảo an sinh xã hội.

Thành quả triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 cùng kết quả triển khai tín dụng chính sách hơn 20 năm qua là nền tảng để cán bộ NHCSXH có thêm niềm tin nhiệt huyết thực hiện tốt hơn các trọng trách mà Đảng, Quốc hội, Nhà nước Chính phủ giao trong thời gian tới; góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội tại các địa phương trong toàn quốc, hướng tới xây dựng một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Nhất Thanh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/diem-sang-trong-hanh-trinh-trien-khai-chi-thi-40ct-tw-153472.html
Zalo