Điểm sáng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm
Thời gian qua, dưới sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự giúp đỡ của nhân dân mà nòng cốt là lực lượng Công an, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, tội phạm về trật tự xã hội được kiềm giảm so với cùng kỳ.HIỆU QUẢ TỪ CÁC CHUYÊN ÁN
Tại cuộc họp tổng kết công tác phòng, chống tội phạm, Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, lực lượng Công an đã chủ động nhận diện và đấu tranh hiệu quả, kéo giảm một số loại tội phạm nổi lên, như: Tội phạm giết người giảm 23,8%; hiếp dâm người dưới 16 tuổi giảm 15,4%; dâm ô người dưới 16 tuổi giảm 33,3%; cướp giật tài sản giảm 31,6%; hủy hoại tài sản giảm 48,6%; trộm cắp tài sản giảm 9,6%...
Trong đó, tội phạm về trật tự xã hội ghi nhận 799 vụ (giảm 2%), làm chết 22 người, bị thương 170 người, tài sản thiệt hại trị giá khoảng 19 tỷ đồng. Điều tra khám phá 696 vụ án về trật tự xã hội đạt 80,9% (cao hơn chỉ tiêu đề ra 5,9%; án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 90%), bắt xử lý 1.303 đối tượng, thu hồi tài sản trị giá khoảng 5 tỷ đồng. Công an tỉnh Tiền Giang triệt xóa, làm tan rã 7 nhóm, xử lý 103 đối tượng (xử lý hình sự 25 đối tượng).
Đặc biệt, Công an tỉnh Tiền Giang đã chủ động nhận diện, phát hiện đấu tranh hiệu quả với các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới; đánh mạnh vào ổ nhóm, đường dây hoạt động phạm tội lưu động, liên tỉnh và tội phạm trong giai đoạn chuẩn bị.
Điển hình vụ cưỡng đoạt tài sản núp bóng doanh nghiệp liên quan Công ty luật Pháp Việt, khởi tố 111 bị can; xử lý hình sự các vụ tạt sơn, tạt chất bẩn, góp phần kéo giảm tình hình tội phạm...; vụ lợi dụng chủ trương chuyển đổi số làm giả giấy tờ và làm sai lệch hồ sơ để hợp thức hóa xe máy, xe mô tô không rõ nguồn gốc liên tỉnh, khởi tố 23 bị can; vụ các đối tượng thuộc tỉnh Bến Tre chuẩn bị hung khí hẹn giải quyết mâu thuẫn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Ngoài ra, một số băng nhóm cộm cán đã bị triệt xóa hoặc tự tan rã, bắt giữ các đối tượng cầm đầu, như: Vũ Tình, Duy Mập, Cường Lỳ... hoạt động từ năm 2015 đến cuối năm 2022, các vụ đánh nhau liên quan băng nhóm của Duy Mập, Cường Lỳ làm 6 người chết nhưng chưa xử lý được, đến nay đã bắt giữ 2 đối tượng.
Bên cạnh đó, tội phạm và vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường đã phát hiện, xử lý 87 vụ, 186 đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép. Đồng thời, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 98 vụ, 108 đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm (phạt tiền 88 vụ, số tiền 1,27 tỷ đồng).
Đối với tội phạm công nghệ cao cũng đã tiếp nhận, xử lý xác minh 20 tin ban đầu có dấu hiệu hoạt động sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản; khám phá chuyên án tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá, mua bán số đề ăn thua bằng tiền, bắt xử lý 19 đối tượng. Tệ nạn cờ bạc, mại dâm: Triệt xóa 290 tụ điểm, 1.710 đối tượng cờ bạc, mại dâm (xử lý hình sự 66 vụ, 295 đối tượng đánh bạc và tổ chức đánh bạc; mại dâm, môi giới mại dâm).
Song song đó, Công an tỉnh Tiền Giang xây dựng mới 4 mô hình, đến nay trên địa bàn tỉnh có 26 mô hình phòng, chống tội phạm. Nhiều mô hình phòng, chống tội phạm hiệu quả được nhân rộng, có mô hình được lãnh đạo Bộ Công an chọn làm điểm để sơ kết đánh giá, nhân rộng (mô hình “Đảm bảo an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2023”).
Lực lượng Công an phối hợp tốt với các ngành, đoàn thể, địa phương của tỉnh trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, nâng cao ý thức phòng, chống, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật... Qua đó, Tiền Giang có 127 tập thể, 342 cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện các phong trào được các cấp khen thưởng.
SẼ QUYẾT LIỆT HƠN NỮA
Tuy tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm ổn định, nhưng tình trạng một số loại tội phạm còn diễn biến phức tạp như tội phạm sử dụng không gian mạng, hoạt động khai thác cát, tội phạm ma túy…
Tại cuộc họp tổng kết công tác phòng, chống tội phạm, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị các ngành, các cấp và các cơ quan chức năng đề ra giải pháp cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm năm 2023 nhằm cụ thể hóa để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2024.
Trong đó, các đơn vị tập trung công tác phòng ngừa tội phạm, nhất là phòng ngừa xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, không “khoán trắng” cho lực lượng Công an, chủ động nắm, dự báo sớm điều kiện phát sinh tội phạm và những nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội ngay từ cơ sở.
Đồng thời, các địa phương tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phát huy vai trò của cơ quan thông tin, báo chí, nhất là thông tin mạng trong việc đấu tranh, phê phán đối với các hành vi phạm tội, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm; phổ biến, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” nhằm tạo sự lan tỏa trong nhân dân.
Riêng đối với các ngành, các cấp, các địa phương cần xây dựng, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm ngay tại cơ sở, trong đó phát huy vai trò của mặt trận, cựu chiến binh, Công đoàn, Hội Nông dân, đoàn viên, phụ nữ...; kịp thời phát hiện, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, khen thưởng gương người tốt, việc tốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Đề cao vai trò của các tổ hòa giải tại cơ sở trong tuyên truyền, vận động, giáo dục, hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ cơ sở, không để phát sinh hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật do nguyên nhân xã hội.
Đối với Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông quản lý chặt chẽ thuê bao di động, rà soát, kiểm tra, triển khai các giải pháp xác thực, tạm dừng hoạt động hoặc thu hồi các thuê bao vi phạm, loại bỏ “sim rác” để phòng ngừa các đối tượng phạm tội lợi dụng công cụ, phương tiện này để lừa đảo trên không gian mạng, chiếm đoạt tài sản.
Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tiền Giang tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động thanh toán, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng, nhất là trong thanh toán điện tử, phòng ngừa việc lấy cắp thông tin thực hiện hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật; thường xuyên rà soát các hoạt động đáng ngờ để có biện pháp xử lý và cung cấp thông tin cho ngành Công an phục vụ công tác đấu tranh, xử lý.
Còn đối với ngành Công an, Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, đơn vị sẽ chủ động triển khai, thực hiện các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật. Trong đó, tập trung đấu tranh các loại tội phạm, nhất là tội phạm lợi dụng, sử dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật; tội phạm và vi phạm liên quan vũ khí, công cụ hỗ trợ, tội phạm cố ý gây thương tích, mua bán người, nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu…
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, khám phá án, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Ngoài ra, các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác quản lý cư trú, quản lý đối tượng, quản lý xuất, nhập cảnh, người nước ngoài; quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đặc biệt, khai thác, phát huy tối đa giá trị, hiệu quả của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân để chuyển đổi phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả quản lý xã hội.
Đồng thời, lực lượng Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, ma túy, mua bán người, vụ việc phức tạp, dư luận quan tâm. Thống nhất quan điểm xử lý, lựa chọn đưa ra xét xử các vụ án điểm để phục vụ công tác tuyên truyền, răn đe tội phạm. Phối hợp giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, không để kéo dài quá hạn luật định.