Điểm sáng trong chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Quảng Nam
Ngày 5/5, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được triển khai hiệu quả, đồng bộ trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần quan trọng vào công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR).
Một trong những điểm sáng về chi trả DVMTR tại Quảng Nam được thực hiện tại Khu bảo tồn (KBT) loài Sao La. Theo thống kê của Ban Quản lý (BQL) KBT loài Sao La, trong năm 2023, đơn vị đã triển khai giao khoán BVR cho 1 cộng đồng tại các xã Bhalêê, A Vương (huyện Tây Giang); thị trấn Prao, xã Tà lu và Sông Kôn (huyện Đông Giang) với tổng diện tích hơn 8.672ha.

Người dân được hỗ trợ sinh kế để phát triển kinh tế gia đình, tham gia bảo vệ rừng bền vững.
Ngoài việc giao khoán cho cộng đồng nhận khoán BVR góp phần ổn định đời sống gia đình, BQL KBT đã áp dụng phương thức đơn vị tự tổ chức nhận khoán BVR nhằm tăng trách nhiệm cho lực lượng BVR đơn vị, đồng thời góp phần tăng thu nhập và ổn định công tác cho lực lượng hợp đồng BVR.
Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác giao khoán BVR cho các cộng đồng nhận khoán, BQL KBT loài Sao La đã phân công cụ thể nhân viên chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cộng đồng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra diện tích rừng được giao, đồng thời kiểm tra, nhắc nhở việc ghi chép sổ tay của các cộng đồng. Thông qua việc giao khoán BVR cho các cộng đồng đã hạn chế được phần nào hiện tượng xâm lấn, khai thác rừng trái phép, phá rừng làm nương rẫy, chất lượng rừng trong lưu vực ngày càng ổn định; qua đó đã tạo nguồn thu ổn định, bền vững nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình tham gia BVR để cung ứng DVMTR.

Việc thực hiện hiệu quả chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần quan trọng vào công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Không dừng lại ở chi trả tài chính, KBT loài Sao La còn chú trọng hỗ trợ người dân phát triển sinh kế thay thế nhằm giảm áp lực lên rừng. Chỉ tính riêng năm 2024, KBT loài Sao La đã triển khai hỗ trợ cho 28 cộng đồng trên địa bàn 2 huyện Đông Giang và Tây Giang với nguồn kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng (40 triệu đồng/cộng đồng) để đầu tư phát triển sinh kế.
Một điểm đáng chú ý trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR tại KBT loài Sao La là việc lồng ghép truyền thông BVR vào đời sống văn hóa cộng đồng. Các đêm văn nghệ chủ đề “Giữ rừng - giữ quê”, các cuộc thi tìm hiểu về loài sao la cho học sinh hay những buổi sinh hoạt thôn lồng ghép tuyên truyền pháp luật… đã góp phần chuyển biến nhận thức mạnh mẽ trong nhân dân.
Từ chỗ e ngại chính sách, nhiều người dân vùng cao đã chủ động báo cáo hành vi vi phạm rừng, tham gia xây dựng bản quy ước BVR của thôn bản. Đây chính là thành công bền vững nhất mà chính sách chi trả DVMTR mang lại.