Điểm sáng thu hút vốn FDI

Nhiều địa phương miền Bắc tiếp tục có kết quả tích cực trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Theo số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 7-2024, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 18 tỉ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, một số tỉnh, thành miền Bắc như Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội... tiếp tục thuộc nhóm đầu trong việc thu hút dòng vốn quan trọng này.

Bắc Ninh "quán quân"

Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH-ĐT cho biết trong 7 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 48 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong đó, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn FDI đăng ký gần 3,2 tỉ USD, chiếm gần 17,8% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ. Tiếp đến là Quảng Ninh với hơn 1,56 tỉ USD, chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ. Các địa phương khác ở miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng cũng thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố có kết quả thu hút vốn FDI tốt nhất cả nước.

Giữ vị trí "quán quân" trong việc thu hút FDI 7 tháng qua, Bắc Ninh tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài nhờ môi trường kinh doanh được đánh giá là thuận lợi, thông thoáng và tính sẵn sàng của địa phương ở mức cao. Chỉ tính tháng 7-2024, Bắc Ninh đã cấp phép đăng ký đầu tư cho 35 dự án với tổng số vốn 356,2 triệu USD. Các KCN ở Bắc Ninh như Quế Võ, Yên Phong, VSIP... đang là "cứ điểm" sản xuất của nhiều tập đoàn công nghệ lớn: Amkor Technology, Victory Giant Technology, Samsung, Foxconn...

Theo ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, thời gian qua, UBND tỉnh đã giải quyết các điểm nghẽn, rào cản nhằm tạo thuận lợi trong việc thu hút đầu tư. Các vấn đề về mặt bằng, hạ tầng KCN, hạ tầng giao thông luôn được tỉnh ưu tiên giải quyết. Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ngoài ra, Bắc Ninh còn chủ động trong việc đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ.

Trong bức tranh chung về thu hút vốn FDI của khu vực miền Bắc, TP Hải Phòng tiếp tục là một điểm sáng. Địa phương này đặt mục tiêu thu hút từ 2 đến 2,5 tỉ USD vốn FDI trong năm 2024. Với các hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, gần 1,4 tỉ USD đã "rót" vào Hải Phòng trong 7 tháng qua. Thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 68 dự án với tổng số vốn hơn 400 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư 38 dự án với số vốn đầu tư tăng thêm gần 565 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần với phần vốn góp lên tới gần 406 triệu USD.

Dòng vốn FDI tiếp tục rót mạnh vào các tỉnh ở khu vực miền Bắc. Ảnh: MINH PHONG

Dòng vốn FDI tiếp tục rót mạnh vào các tỉnh ở khu vực miền Bắc. Ảnh: MINH PHONG

Nỗ lực giữ vững vị thế

Theo lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI thời gian qua tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong việc thu hút dòng vốn này, như: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hưng Yên.

Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét các địa phương nêu trên có lợi thế về cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong việc xúc tiến đầu tư. Đáng chú ý, tại những địa phương này, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng như: sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng... đã được đầu tư và mở rộng vốn trong thời gian qua.

Môi trường đầu tư, kinh doanh cũng là điểm mạnh của nhiều địa phương khu vực miền Bắc nêu trên. Đây là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư quyết định rót vốn vào địa phương.

Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, trong nhóm 5 địa phương đứng đầu cả nước đã có 3 tỉnh, thành khu vực miền Bắc, gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang. Trong đó, Quảng Ninh lần thứ 7 đứng ở vị trí số 1 về chỉ số PCI - phản ánh chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh. Môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi đã giúp Quảng Ninh thu hút vốn FDI đứng thứ 2 cả nước trong 7 tháng qua.

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, cho biết thời gian tới, thành phố tiếp tục định hướng đẩy mạnh thu hút vốn FDI chất lượng, chọn lọc. Hải Phòng sẽ chú trọng cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục và nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư.

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng các địa phương khu vực miền Bắc nêu trên cần đẩy mạnh thu hút vốn FDI trong các lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn - phù hợp với định hướng của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực này. Để làm được điều đó, ông Doanh nhấn mạnh các địa phương cần cải thiện môi trường đầu tư sao cho thông thoáng, cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn lao động dồi dào và chất lượng..., để khẳng định là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư.

Dòng vốn FDI tiếp tục rót mạnh vào các tỉnh ở khu vực miền Bắc. Ảnh: MINH PHONG

Dòng vốn FDI tiếp tục rót mạnh vào các tỉnh ở khu vực miền Bắc. Ảnh: MINH PHONG

Hà Nội: Vốn FDI tăng 65%

Trong tháng 7-2024, Hà Nội thu hút 124,9 triệu USD vốn FDI, trong đó có 23 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký 38,9 triệu USD.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, TP Hà Nội thu hút 1,3 tỉ USD vốn FDI, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, 143 dự án đăng ký đầu tư mới với số vốn 1,1 tỉ USD; 102 lượt dự án tăng vốn đầu tư với số vốn 138 triệu USD và 118 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với 77 triệu USD.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/diem-sang-thu-hut-von-fdi-196240815190749545.htm
Zalo