Điểm sáng lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp săm lốp
Kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp ngành săm lốp tăng trưởng tốt trong quý II/2024 nhờ sự phục hồi của thị trường xuất khẩu và sự cải thiện đáng kể của tỷ suất lợi nhuận gộp.
Quý II khởi sắc
Xô đổ kỷ lục từng xác lập 2 năm trước, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) quý II vừa qua thu về 1.365 tỷ đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ. Dù một số khoản chi phí tăng, nhất là chi phí bán hàng, nhưng lợi nhuận quý II của Cao su Đà Nẵng vẫn cao gấp rưỡi năm trước. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm, Cao su Đà Nẵng hoàn thành 54,6% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Giải trình về mức tăng trưởng này, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng giám đốc Cao su Đà Nẵng cho biết, việc đẩy mạnh chính sách bán hàng giúp tăng doanh thu tiêu thụ. Hưởng lợi từ việc tỷ giá VND/USD tăng thời gian qua, hiệu quả hoạt động khi xuất khẩu cũng được nâng cao. Cùng với sức bật của doanh thu, lần đầu tiên kể từ năm 2017, tỷ suất lợi nhuận gộp trở lại ngưỡng 20%. Doanh thu tăng trưởng hai con số, nhưng chi phí nguyên vật liệu trong sản xuất, kinh doanh thậm chí thấp hơn 4% so với cùng kỳ.
Với tỷ trọng thường xuyên khoảng 60% trong cơ cấu chi phí sản xuất, biến động giá nguyên vật liệu, bao gồm cao su tổng hợp, cao su thiên nhiên, bố thép, vải mành, than đen… tác động lớn đến tổng chi phí của các doanh nghiệp sản xuất săm lốp.
Biên lợi nhuận gộp cao cũng là yếu tố tác động tích cực đến nhóm này trong quý II vừa qua. Dù giảm 8% doanh thu so với cùng kỳ, Công ty cổ phần Cao su miền Nam (Casumina, mã chứng khoán CSM) vẫn có một quý tăng trưởng tích cực. Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng mạnh từ hơn 9% cùng kỳ lên 15,76% - cao nhất kể từ năm 2020. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế của Casumina tăng gần 59% so với mức nền của quý II/2023. Tính chung trong nửa đầu năm, Công ty báo lãi 40,8 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ, hoàn thành hơn 50% mục tiêu đề ra.
Tại Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng (SRC), tăng trưởng doanh thu quý II khá cao, đạt 22%. Biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, Cao su Sao Vàng thu về 15,8 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, yếu tố làm nên sự khởi sắc của Cao su Sao Vàng quý vừa qua lại là khoản lãi bất thường nhờ chuyển nhượng đất.
Cụ thể, Công ty có chủ trương nhượng lại quyền thuê lại đất có hạ tầng và tài sản gắn liền với đất thuộc Khu công nghiệp Châu Sơn (Hà Nam) với thời hạn thuê 40 năm từ 4 năm trước. Thay vào đó, đầu tư vào dự án nhà máy sản xuất săm lốp tại Hà Tĩnh thông qua đầu tư 375 tỷ đồng vào liên doanh CTCP Sao Vàng Hoành Sơn.
Thương vụ hoàn tất, giúp thu về hơn 300 tỷ đồng và đóng góp tới 160 tỷ đồng vào lợi nhuận trước thuế - một con số không nhỏ với doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ 280 tỷ đồng như Cao su Sao Vàng. Được biết, dòng tiền vào được dùng để trả nợ vay, hạ đòn bẩy tài chính tại doanh nghiệp này.
Còn nhiều trở ngại
Dù chi phí giá vốn trên mỗi đồng doanh thu được tiết giảm, chi phí bán hàng gia tăng cũng là xu hướng chung đáng chú ý của các doanh nghiệp săm lốp trong nửa đầu năm.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó tổng giám đốc Casumina cho biết, Công ty đã áp dụng chính sách bán hàng nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm, tập trung đưa ra chính sách phù hợp cho nhà phân phối. Một yếu tố khác cũng làm tăng chi phí là cước vận chuyển đi nước ngoài đối với các đơn hàng xuất khẩu. Đối với ngành săm lốp, thị trường nội địa và xuất khẩu đều có những thách thức riêng với các doanh nghiệp Việt.
Theo Báo cáo nghiên cứu ngành lốp ô tô Việt Nam giai đoạn 2024 - 2033 của ResearchAndMarkets, trong 10 nhà xuất khẩu lốp xe hàng đầu của Việt Nam, chỉ có 2 doanh nghiệp nội là Casumina và Cao su Đà Nẵng.
Ngay trên “sân nhà”, các nhà sản xuất nổi tiếng toàn cầu như Bridgestone, Michelin, Yokohama, Kumho… thiết lập hoạt động rộng khắp Việt Nam. Nhà máy của Sailun - doanh nghiệp lốp xe tư nhân hạng A đầu tiên của Trung Quốc tại Việt Nam cũng đạt công suất hàng triệu chiếc mỗi năm.
Bên cạnh việc sức mua thị trường vẫn phục hồi chậm khi giải ngân đầu tư công còn hạn chế, lãnh đạo một doanh nghiệp cũng thừa nhận, cạnh tranh với hàng nhập khẩu và sản phẩm từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng khốc liệt.
Đối với thị trường xuất khẩu, kim ngạch tăng trưởng, nhưng cũng có sự đóng góp từ cả nhóm doanh nghiệp FDI. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu sản phẩm từ cao su trong nửa đầu năm nay đạt hơn 586 triệu USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ. Cùng với nhiều ngành công nghiệp chế biến chế tạo khác, sản xuất săm lốp với động lực từ sự phục hồi của thị trường xuất khẩu cũng là một trong những yếu tố đóng góp vào con số tăng trưởng kinh tế vượt dự báo của quý II vừa qua.
Theo ông Võ Hoàng An, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), lốp xe là mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất trong nhóm sản phẩm cao su chế biến sâu (gồm săm lốp, nệm gối, đế giày, găng tay, chỉ thun), xuất khẩu đi 140 quốc gia, lớn nhất là thị trường Mỹ.
Các hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện để mở rộng thị trường xuất khẩu. Đầu tháng 5, Cao su Đà Nẵng và Oceanside One Trading (Brazil) ký hợp đồng xuất khẩu với mục tiêu tăng sản lượng vào thị trường Mỹ và Brazil lên mức 150 triệu USD/năm.
Không chỉ với đối tác ngoại, việc củng cố hệ thống phân phối nội địa cũng được các doanh nghiệp ngành cao su đẩy mạnh để gia tăng sản lượng tiêu thụ, giữ thị phần.