Điểm sàn đại học đồng loạt 'rớt thảm', dự báo điểm chuẩn giảm mạnh

Tuyển sinh 2025 chứng kiến mức điểm sàn đại học thấp nhất trong nhiều năm qua, có những ngành hot giảm từ 4-6 điểm.

Hầu hết các trường đại học tại TP.HCM cũng như trên cả nước đã hoàn tất công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cũng như cả với các phương thức khác.

Thống kê cho thấy, đây là năm tuyển sinh ghi nhận mức điểm sàn đại học (ĐH) theo điểm thi tốt nghiệp THPT giảm mạnh nhất trong nhiều năm qua.

Nhiều ngành giảm từ 3-6 điểm, có trường chỉ lấy 12 điểm

Tại các trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, điểm sàn có xu hướng giảm rõ rệt. Trường ĐH Khoa học tự nhiên vẫn có những ngành giữ mức sàn cao 24 điểm (thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn), song các ngành được xem là "hot" như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, khoa học máy tính đều giảm mạnh 3-4 điểm so với năm 2024.

Trường ĐH Nông lâm TP.HCM gây chú ý khi toàn bộ các ngành sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT đều lấy điểm sàn 16 điểm, trong khi năm trước tại cơ sở chính ở TP.HCM có điểm sàn từ 16 lên tới 22 điểm.

Như vậy, mức giảm phổ biến tại trường này dao động từ 4-6 điểm. Đáng chú ý nhất là ngành thú y, vốn luôn có mức điểm sàn cao và tỷ lệ cạnh tranh lớn nhưng có mức giảm cao nhất, kế đến là các ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ thông tin, hệ thống thông tin giảm 5 điểm.

Trường ĐH Tài chính Marketing cũng ghi nhận mức giảm điểm sàn kỷ lục trong nhiều năm qua khi chỉ lấy 15 điểm, riêng so với năm 2024 giảm đến 4 điểm.

 Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Với lĩnh vực đào tạo nhóm ngành sức khỏe (y dược), điểm sàn do Bộ GD&ĐT đưa ra cũng giảm 2 điểm so với năm 2024. Điều này cũng kéo theo mức giảm ở các trường có đào tạo nhóm ngành này. Riêng ĐH Y dược TP.HCM lấy điểm từ 17-22 điểm, dù cao hơn mức Bộ GD&ĐT đưa ra nhưng ở những ngành trọng điểm như y khoa, răng hàm mặt, dược học, y học cổ truyền vẫn giảm 2 điểm so với năm 2024.

Còn Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch lấy mức sàn 16-21 điểm, cũng giảm 2 điểm cho nhóm ngành y khoa, dược học, răng – hàm – mặt; giảm 1-2 điểm ở các ngành còn lại.

Được xem là tổ hợp môn có phổ điểm ổn định nhất năm nay (C00 – văn, sử, địa) nhưng thực tế ghi nhận tại trường đào tạo mạnh nhất khối ngành xã hội là Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) lại có điểm sàn cũng giảm. Mức giảm nhẹ ở nhiều ngành, từ 0,5 đến 1 điểm, kể cả với những ngành hot như báo chí, truyền thông đa phương tiện…

Nhiều trường ĐH ngoài công lập cũng công bố điểm sàn thấp kỷ lục, giảm hẳn so với các năm trước. Đơn cử, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM chỉ lấy 12 điểm cho tất cả các ngành, đây là mức điểm thấp nhất từ trước đến nay của trường, giảm 3 điểm so với năm 2024.

Các trường khác như Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM,.. cũng đồng loạt xác định mức điểm sàn đại học chỉ 15 điểm cho đa số các ngành, giảm trung bình 1-4 điểm tùy ngành.

Cá biệt có Trường ĐH Sài Gòn là trường có điểm sàn cao nhất tại TP.HCM, thậm chí cao nhất cả nước khi nhiều ngành sư phạm công bố ngưỡng đầu vào từ 23 đến 25 điểm.

Trong đó, ngành sư phạm lịch sử và sư phạm địa lý lấy 25 điểm, sư phạm toán học 24,5 điểm. Các ngành ngữ văn, tiếng Anh, hóa học, vật lý cùng có mức sàn 24 điểm.

 Phụ huynh, thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học năm 2025. Ảnh: UFM

Phụ huynh, thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học năm 2025. Ảnh: UFM

Điểm sàn giảm mạnh như dự báo, điểm chuẩn cũng giảm mạnh?

Việc điểm sàn đồng loạt giảm không khiến các chuyên gia, giáo viên và cả phụ huynh, thí sinh bất ngờ, bởi đã được dự báo từ khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Căn cứ thực tế là phổ điểm thi năm nay cho thấy sự sụt giảm rõ rệt ở các môn trọng yếu như toán, tiếng Anh, vật lý.

Trong đó, môn toán đặc biệt gây chú ý khi điểm trung bình chỉ đạt 4,78, là mức thấp nhất trong nhiều năm và thấp hơn rất nhiều so với 6,45 của năm 2024. Hơn 56% thí sinh dự thi môn toán dưới điểm trung bình.

Trong khi đó, toán là môn chủ lực trong các tổ hợp xét tuyển phổ biến như A00 (toán, lý, hóa), A01 (toán, lý, Anh), B00 (toán, hóa, sinh), D01 (toán, văn, Anh)… Môn tiếng Anh và các môn khoa học xã hội cũng giảm nhẹ về điểm trung bình.

Đây là căn cứ quan trọng khiến các trường buộc phải điều chỉnh giảm ngưỡng sàn theo mặt bằng điểm thực tế của thí sinh, mục tiêu là để có đủ nguồn tuyển và đảm bảo cơ hội xét tuyển cho thí sinh.

Từ thực tế này, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), dự báo điểm chuẩn các ngành xét tuyển bằng khối A00 và A01 năm nay sẽ giảm đáng kể, dự kiến từ 1.0 đến 3.0 điểm tùy ngành và trường.

Điểm chuẩn khối B00, đặc biệt là các ngành y dược dự báo sẽ giảm rất mạnh, có thể 2.0 - 4.0 điểm. Và mức giảm rõ rệt cũng sẽ xảy ra với khối D01, từ 1.0 đến 2.5 điểm.

Riêng tại Trường ĐH Công nghệ thông tin, TS Khang cho rằng mức giảm dự kiến trong khoảng 1.0 đến 2.5 điểm, tùy ngành. Riêng nhóm ngành công nghệ thông tin luôn thu hút đông đảo thí sinh và lượng lớn đăng ký xét tuyển vào trường nên sự cạnh tranh vẫn quyết liệt. Các ngành "hot" như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, an toàn thông tin có thể sẽ giảm điểm ít hơn so với các ngành khác.

Đồng quan điểm, ThS Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng cho rằng điểm chuẩn các ngành năm nay sẽ có xu hướng giảm, nhất là những ngành sử dụng tổ hợp xét tuyển có môn Toán, tiếng Anh, Hóa học. Còn với khối C (C00) với các môn văn, sử, địa ổn định nên ít biến động, còn khối D (D01, D07) dự báo giảm khoảng 1 - 2 điểm.

Riêng với Trường ĐH Kinh tế - Luật, điểm chuẩn các ngành sẽ giảm từ 0,5 - 1,5 điểm so với năm trước. Tuy nhiên, một số ngành hot vẫn có mức cạnh tranh cao và điểm chuẩn có thể giảm không nhiều.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công thương TP.HCM, dự đoán điểm chuẩn của trường sẽ thấp hơn năm ngoái chừng 0.5 điểm cho các khối. Riêng điểm chuẩn các khối có môn toán năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái khoảng 0,5 - 1,0 điểm.

Đại diện Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM… cũng đưa ra những dự báo điểm chuẩn năm nay sẽ giảm từ 0,5 đến 2,5 điểm, tùy tổ hợp, tùy ngành.

Chỉ còn 5 ngày để đăng ký nguyện vọng

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thời hạn để thí sinh cần hoàn tất đăng ký, điều chỉnh và sắp xếp thứ tự nguyện vọng xét tuyển ĐH năm 2025 trên hệ thống của Bộ GD&ĐT đến 17 giờ ngày 28-7. Sau thời điểm này, hệ thống sẽ khóa và không cho phép điều chỉnh.

Sau đó, từ ngày 29-7 đến 17 giờ ngày 5-8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến theo số nguyện vọng đã đăng ký.

Việc đăng ký này áp dụng cho tất cả các phương thức xét tuyển, không giới hạn số lần đăng ký và số nguyện vọng. Trong đó, nguyện vọng 1 là ưu tiên nhất và thí sinh chỉ trúng tuyển ở một nguyện vọng cao nhất.

Để tăng cơ hội trúng tuyển, các chuyên gia từ các trường ĐH đều khuyên thí sinh nên phân tầng các nguyện vọng xét tuyển.

Trong đó, tầng 1 là nhóm ngành "mơ ước" - những ngành yêu thích nhất, có điểm chuẩn năm trước cao hơn điểm hiện tại của thí sinh từ 1-2 điểm. Tầng 2 là nhóm ngành vừa sức, điểm chuẩn năm trước xấp xỉ điểm hiện tại. Tầng 3 là nhóm ngành an toàn, có điểm chuẩn thấp hơn điểm thi hiện tại khoảng 1 điểm.

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/diem-san-dai-hoc-dong-loat-rot-tham-du-bao-diem-chuan-giam-manh-post862054.html
Zalo