Điểm nóng xung đột ngày 28-6: NATO gặp khó vì Ukraine

Một số thành viên NATO đang phản đối cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine bằng số tiền cụ thể trong dài hạn.

Thông tin trên được Bloomberg đăng tải hôm 27-6, dẫn nguồn giấu tên hiểu rõ về các cuộc thảo luận của NATO trong việc viện trợ quân sự cho Kiev.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng đề xuất với các thành viên khối rằng sẽ chi ít nhất 40 tỉ euro/năm để viện trợ vũ khí sát thương và không sát thương cho Ukraine. "Các quốc gia đang bất đồng quan điểm về cách thức thực hiện cam kết này trong những năm tới" – nguồn tin tiết lộ.

Nguồn tin giải thích rằng số tiền 40 tỉ euro không phải vấn đề đối với liên minh trong năm 2024. Thực tế, chỉ riêng Mỹ đã thông qua khoản viện trợ trị giá 60 tỉ USD.

Các thành viên NATO đang bất đồng về cách thực hiện cam kết viện trợ cho Ukraine trong những năm tới. Ảnh: REUTERS

Các thành viên NATO đang bất đồng về cách thực hiện cam kết viện trợ cho Ukraine trong những năm tới. Ảnh: REUTERS

Vấn đề nằm ở rào cản chính trị và pháp lý ở một số quốc gia thành viên NATO. Do đó, các chính phủ đó có thể phải đánh giá lại mục tiêu hàng năm để xem liệu cam kết 40 tỉ euro nên tăng hay giảm, tùy thuộc vào tình hình xung đột.

"Một số đồng minh thận trọng trong việc chính thức hóa các cam kết với một con số cụ thể và chỉ muốn cam kết tiếp tục cung cấp hỗ trợ. Số khác lo ngại cam kết đã để lộ những thông tin viện trợ quá cụ thể"– nguồn tin nói thêm.

Đề xuất viện trợ dài hạn Kiev được đưa ra vào cuối tháng 5 và dự kiến được thảo luận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington – Mỹ vào đầu tháng 7.

Sau khi loại bỏ ý tưởng ban đầu về việc các đồng minh cam kết chi 100 tỉ USD trong 5 năm, ông Stoltenberg đã đề xuất cam kết 40 tỉ euro hàng năm.

Cam kết này còn có thể gây áp lực buộc một số quốc gia thành viên NATO phải chi nhiều hơn để giúp đỡ Ukraine.

Dù nhiều chi tiết chưa được thống nhất nhưng các đồng minh có thể đạt được thỏa thuận nếu khoản viện trợ 40 tỉ euro cho Ukraine được khấu trừ vào cam kết hiện tại của NATO là chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng. Tuy nhiên, điều đó có thể dẫn đến việc giảm chi tiêu quốc phòng thực tế của các thành viên.

Ngoài ra, các đồng minh NATO vẫn đang thống nhất về cách diễn đạt trong tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 về tiến trình Ukraine gia nhập liên minh.

Mỹ và Đức phản đối việc gọi con đường trở thành thành viên NATO của Ukraine là "không thể đảo ngược". Thay vào đó, họ muốn coi toàn bộ quá trình này như một "cầu nối" để giúp Ukraine gia nhập liên minh.

Vì thế, lời mời Ukraine gia nhập khối đang có 32 thành viên và do Mỹ dẫn dắt sẽ khó xảy ra trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Bằng Hưng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/diem-nong-xung-dot-ngay-28-6-nato-gap-kho-vi-ukraine-196240627222445399.htm
Zalo