Điểm nóng xung đột ngày 13-2: Hệ thống tên lửa 'hàng hiếm' của Ukraine thực chiến

Ukraine vừa công bố một số video về hệ thống tên lửa đất đối không mang tên S-300V1 đang phóng tên lửa đánh chặn 9M83 dài gần 8 m.

Xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2-2022, tiếp diễn cho tới thời điểm này và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

The War Zone mô tả vào giai đoạn đầu cuộc xung đột, S-300V1 với các tên lửa đánh chặn cỡ lớn là một trong số ít hệ thống phòng không mà Ukraine sở hữu có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo.

Hệ thống S-300V1 ra đời từ thời Liên Xô, sử dụng 2 loại tên lửa đánh chặn là 9M82 dài gần 10 m, tầm bắn tối đa 96 km và 9M83 với tầm bắn tối đa 75 km (NATO lần lượt gọi tên là SA-12B Giant và SA-12A Gladiator).

Không quân Ukraine mới đây đã cung cấp 2 đoạn clip khác nhau ghi lại cảnh hiếm hoi về hệ thống S-300V1 đang khai hỏa trong thực chiến.

Hệ thống tên lửa S-300V1 của Ukraine khai hỏa trong xung đột với Ukraine. Ảnh: Không quân Ukraine

Hệ thống tên lửa S-300V1 của Ukraine khai hỏa trong xung đột với Ukraine. Ảnh: Không quân Ukraine

Các bệ phóng TELAR và TEL của S-300V1 có thể mang theo tối đa 2 tên lửa 9M82 hoặc tối đa 4 tên lửa 9M83. Cả 2 loại tên lửa này đều có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo trong giai đoạn cuối của quỹ đạo bay nhưng chỉ trong những điều kiện nhất định.

Hệ thống S-300V1 sử dụng cơ chế phóng lạnh, nghĩa là tên lửa được đẩy ra khỏi ống phóng theo phương thẳng đứng trước khi động cơ chính kích hoạt. Điều này tạo nên những cảnh khai hỏa cực kỳ ngoạn mục như có thể thấy trong các đoạn video vừa được Ukraine công bố.

Mặc dù cùng có chữ "S-300" trong tên gọi, song dòng S-300V lại hoàn toàn khác với các biến thể S-300P do Liên Xô phát triển trước đây và Liên bang Nga đang sử dụng.

Các phiên bản S-300V bao gồm phương tiện phóng, xe chở tên lửa và radar tự hành trên khung gầm bánh xích (TELAR). Ngoài ra, còn có các xe TEL không có radar nhưng được trang bị cần cẩu để nạp lại đạn cho các bệ phóng khác. Hệ thống này cũng có thể tích hợp các radar ngoài để hỗ trợ việc theo dõi mục tiêu.

S-300V1 đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng không của Ukraine nhờ tính cơ động cao của các bệ phóng bánh xích - có thể được triển khai gần tiền tuyến và di chuyển nhanh chóng khi cần thiết.

Sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, Ukraine đã rút S-300V1 khỏi kho dự trữ để nâng cấp. Tuy nhiên, số lượng hệ thống này rất hạn chế trên toàn cầu và nguồn cung tên lửa đánh chặn chỉ có thể đến từ Nga.

"Ngay cả khi Ukraine vẫn còn nhiều hệ thống S-300V1 hoạt động, kho dự trữ tên lửa 9M82 và 9M83 chắc chắn đã giảm dần trong 3 năm qua" – trang The War Zone nhận định nhưng không rõ Ukraine còn bao nhiêu hệ thống S-300V1 đang hoạt động.

Hình ảnh hệ thống tên lửa S-300V1 của Ukraine. Ảnh: Wikicommons

Hình ảnh hệ thống tên lửa S-300V1 của Ukraine. Ảnh: Wikicommons

Ukraine hiện về cơ bản đã thế S-300V1 bằng hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến NASAMS và hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất.

Hệ thống NASAMS do Mỹ và Na Uy phát triển có khả năng bắn nhiều loại tên lửa và đã trở thành lợi thế lớn đối với Ukraine nhờ vào nguồn cung tên lửa dồi dào từ nhiều quốc gia.

Có điều, hệ thống NASAMS không được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo. Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó đã quyết định viện trợ hệ thống Patriot có thể đánh chặn cả mục tiêu thông thường lẫn tên lửa đạn đạo cho Ukraine.

Tháng trước, Israel đã gửi thêm tên lửa đánh chặn PAC-2 cho Ukraine sau khi nước này ngừng sử dụng Patriot.

Kho tên lửa đạn đạo của Nga vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Ukraine. Mặc dù hệ thống S-300V1 lạc hậu, cũ kĩ và ngày càng khó bảo trì nhưng bất kỳ hệ thống nào còn hoạt động ở Ukraine đều vẫn là tài sản giá trị của họ trong cuộc chiến bảo vệ bầu trời.

Hải Hưng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/diem-nong-xung-dot-ngay-13-2-he-thong-ten-lua-hang-hiem-cua-ukraine-thuc-chien-196250212165527459.htm
Zalo