'Điểm nóng' về trung tâm dữ liệu toàn cầu

Tạp chí The Straits Times ngày 14/10 có bài viết cho hay, các công ty công nghệ lớn nhất thế giới đang đổ xô đến khu vực Đông Nam Á để xây dựng các trung tâm dữ liệu, vào thời điểm mà nhu cầu về cơ sở hạ tầng và sức mạnh tính toán để hỗ trợ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang gia tăng nhanh chóng.

 Các máy chủ được đặt trong một trung tâm dữ liệu. Ảnh minh họa: Getty Images/TTXVN

Các máy chủ được đặt trong một trung tâm dữ liệu. Ảnh minh họa: Getty Images/TTXVN

Các khoản đầu tư mới dự kiến sẽ đóng góp vào nền kinh tế của khu vực bằng cách tạo ra những công việc có tay nghề cao trong lĩnh vực xây dựng, kỹ thuật và bảo trì trung tâm dữ liệu, đồng thời phát triển nhân tài chuyên môn về AI, an ninh mạng, khoa học dữ liệu và quản lý.

Bên cạnh đó, các khoản đầu tư này cũng sẽ cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của khu vực, cho phép các doanh nghiệp nhỏ và các tổ chức lớn lưu trữ dữ liệu của họ tại địa phương.

Theo lưu ý của các nhà phân tích tại Tập đoàn Maybank, với các cải tiến được hỗ trợ bởi AI như tìm kiếm trên ChatGPT hiện yêu cầu công suất xử lý cao hơn ít nhất 4 - 5 lần so với tìm kiếm trên internet truyền thống, nhu cầu về trung tâm dữ liệu dự kiến sẽ tăng khoảng 20%/năm trong thời gian từ 5 - 7 năm tới.

Trung tâm dữ liệu là những cơ sở lớn được xây dựng để chứa các máy chủ, hệ thống lưu trữ dữ liệu và thiết bị mạng hỗ trợ dịch vụ internet và viễn thông tốt hơn. Đổi lại, điều này sẽ cho phép thực hiện các hoạt động trực tuyến phổ biến như phát trực tiếp, đầu tư,… cũng như các công nghệ tiên tiến hơn như điện toán đám mây và AI.

Nhờ chi phí thấp hơn, nguồn điện khả dụng và tính trung lập về địa chính trị, Đông Nam Á đang nổi lên như một khu vực lý tưởng để các nhà khai thác công nghệ thiết lập cơ sở trung tâm dữ liệu, với 5 quốc gia hàng đầu là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.

Trong khi Singapore là điểm đến ưa thích để lưu trữ các trung tâm dữ liệu, do cơ sở hạ tầng vượt trội và cơ chế quản lý ổn định, thì quốc gia này đã áp dụng lệnh dừng xây dựng trung tâm dữ liệu trong 3 năm vào giai đoạn 2019 - 2022 để đánh giá tác động của hoạt động này đối với môi trường.

Trong giai đoạn đó, Malaysia đã nắm bắt phần lớn các khoản đầu tư vào trung tâm dữ liệu mới vào khu vực, và hiện kỳ vọng các cơ sở có công suất điện khoảng 1 gigawatt (GW) sẽ đi vào hoạt động trong 2 năm tới. Con số này gấp đôi công suất trung tâm dữ liệu hiện tại.

Ngoài ra, nằm trong số những công ty chuyển vốn vào Malaysia là những gã khổng lồ công nghệ như Microsoft. Hồi tháng 5 năm nay, công ty này đã tuyên bố sẽ đầu tư 2,2 tỷ USD trong 4 năm tới để xây dựng cơ sở hạ tầng đám mây và AI tại quốc gia này.

Tiếp đó vào tháng 8 năm nay, Amazon Web Services (AWS) đã công bố kế hoạch đầu tư ước tính 6,2 tỷ USD, để thành lập một trung tâm dữ liệu và khu vực đám mây tại Malaysia.

Nhà cung cấp dịch vụ đám mây này cũng đang phát triển một khu vực tương tự tại Thái Lan. Họ đã công bố các kế hoạch trong năm 2024 sẽ đầu tư 5 tỷ USD vào các trung tâm dữ liệu tại quốc gia này trong vài năm tới, đưa Thái Lan trở thành khu vực AWS thứ tư tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau Singapore, Indonesia và Malaysia.

Trong tháng 9 vừa qua, Google cho biết sẽ đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng một trung tâm dữ liệu và khu vực đám mây tại Thái Lan, quốc gia này cho đến nay đã ghi nhận khoảng 9 tỷ USD được các nhà khai thác cam kết, các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho hay.

Đến năm 2028, Ngân hàng RHB dự báo Malaysia sẽ chiếm hơn một nửa công suất xử lý trung tâm dữ liệu trên 5 thị trường hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á, trong đó các trung tâm dữ liệu ở Johor chiếm phần lớn, với hơn 2,3 GW.

THANH NGÂN (Lược dịch từ The Straits Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/diem-nong-ve-trung-tam-du-lieu-toan-cau-146969.html
Zalo