Điểm nghẽn trong tuyển dụng giáo viên đối với các môn còn thiếu
Có những môn học thiếu giáo viên nhưng không thể tuyển được vì môn khác thừa. Giáo viên thừa thì không dễ để tinh giản, hoặc biệt phái sang trường khác.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 4 vừa qua, cả nước vẫn thiếu hơn 113.000 giáo viên ở các cấp học. Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ một số môn học ở hầu hết các địa phương... đang gây khó khăn cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông và kế hoạch dạy học của các trường.
Khi đọc thông tin cả nước còn thiếu hơn 113.000 giáo viên, có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy băn khoăn về việc thiếu giáo viên như vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy ở các nhà trường, nhất là khi ngành giáo dục đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tuy nhiên, việc thiếu giáo viên chỉ xảy ra đối với những môn đặc thù còn phần lớn các môn học hiện nay không khan hiếm nguồn tuyển- nếu không muốn nói là nhiều nơi đang có nhiều lựa chọn để tuyển dụng được những viên chức tốt nhất.
Trong khi đó, giáo viên hiện có ở các nhà trường phần lớn là không thiếu. Nhiều trường học ở khu vực có điều kiện còn xảy ra tình trạng thừa cục bộ khi một số môn học ở chương trình 2018 giảm số tiết so với chương trình 2006.
Nguồn tuyển giáo viên hiện nay có thiếu?
Khi Bộ triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc thiếu giáo viên nhiều nhất hiện nay đối với các cấp học phổ thông có lẽ chỉ đối với môn Âm nhạc; Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông vì đây là 2 môn học mới hoàn toàn ở cấp học này.
Tuy nhiên, nếu tuyển mỗi trường 1 giáo viên Âm nhạc; 1 giáo viên Mĩ thuật thì cả nước cũng chỉ cần tuyển mới hơn 5000 ngàn giáo viên cho 2 môn học này là đủ vì cả nước có chưa đến 2.700 trường trung học phổ thông.
Ngoài ra, một số trường vùng sâu, vùng xa, những nơi đặc biệt khó khăn thiếu giáo viên tiếng Anh vì môn học này có nhiều cơ hội việc làm, giáo viên họ có thể dễ dàng tìm một công việc phù hợp ở những vùng có điều kiện.
Còn lại, cơ bản các môn học khác không thiếu nguồn tuyển. Ngay cả những môn học mới, như: Môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lý là 2 môn học mới ở cấp trung học cơ sở nhưng lại là 5 môn học cũ ở cấp học này. Vì thế, các địa phương, nhà trường vẫn đang tận dụng nguồn nhân lực tại chỗ để sắp xếp giảng dạy và cử đi học bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp.
Thực ra, để tìm số liệu các sinh viên sư phạm tham gia dự thi hoặc xét tuyển vào các vị trí viên chức của ngành giáo dục ở các địa phương hiện nay không khó.
Thông thường, sau khi thông báo tuyển dụng, sở giáo dục (tuyển giáo viên trung học phổ thông; Trung tâm giáo dục thường xuyên), phòng giáo dục (tuyển giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở sẽ công bố danh sách số lượng đăng ký dự thi. Khi qua từng vòng thi (xét), và trúng tuyển thì đều được công bố danh sách trên website của sở, phòng giáo dục.
Vì thế, mọi người dễ dàng thấy số người đăng ký dự thi, chỉ tiêu tuyển dụng và phần lớn các địa phương đều có số người dự thi cao hơn số chỉ tiêu cần tuyển rất nhiều.
Hơn nữa, nếu nhìn vào con số hiện nay cả nước còn thiếu hơn 113.000 giáo viên theo số liệu của Bộ thì thấy rất lớn nhưng nếu chia bình quân ra 63 tỉnh thành thì mỗi địa phương chưa đến 1,8 ngàn chỉ tiêu. Trong khi, mỗi năm số sinh viên sư phạm ra trường nhiều hơn rất nhiều con số này.
Điểm nghẽn trong tuyển dụng giáo viên đối với các môn còn thiếu
Tình trạng thừa- thiếu giáo viên sẽ còn tiếp tục xảy ra ở những năm học tới đây bởi nó có nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là hiện nay tuyển dụng giáo viên theo quy định về định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập.
Cụ thể, tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT (trước đây) và Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT (hiện nay) hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập như sau:
Trường tiểu học được bố trí tối đa 1,5 giáo viên/lớp đối với lớp học 2 buổi/ngày, bố trí tối đa 1,2 giáo viên/lớp đối với lớp học 01 buổi/ngày.
Trường trung học cơ sở được bố trí tối đa 1,9 giáo viên/lớp; Trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở và trường dành cho người khuyết tật cấp trung học cơ sở được bố trí tối đa 2,20 giáo viên/lớp;
Trường trung học phổ thông được bố trí tối đa 2,25 giáo viên/lớp; Trường phổ thông dân tộc nội trú được bố trí tối đa 2,4 giáo viên/lớp; Trường trung học phổ thông chuyên: Lớp chuyên được bố trí tối đa 3,1 giáo viên/lớp.
Chính vì thế, hàng năm khi báo cáo số lượng nhân lực cho cấp trên, hiệu trưởng phải tính số lớp hiện có, dự kiến trong năm học tới và nhân với số giáo viên hiện có trong trường. Khi đã đủ số lượng giáo viên/ lớp thì cũng đồng nghĩa cấp trên không thể giao thêm biên chế.
Ví dụ, 1 trường trung học cơ sở có 30 lớp học x1,9 giáo viên/lớp =57 giáo viên dạy lớp. Nếu trường thấp hơn 57 giáo viên đang dạy lớp thì mới thiếu, nếu vượt thì thừa giáo viên. Một khi đã thừa thì cũng đồng nghĩa không được tuyển mới.
Vậy nên, có những môn học thiếu giáo viên nhưng không thể tuyển được vì môn khác thừa. Giáo viên thừa thì không dễ để tinh giản, hoặc biệt phái sang trường khác vì rất nhiều lý do khác nhau.
Trong khi, việc tuyển dụng còn phải căn cứ vào chỉ tiêu của các cơ quan chức năng chứ không phải cứ thiếu bao nhiêu là tuyển bấy nhiêu. Vì thế, số lượng tuyển dụng hằng năm của các địa phương không nhiều. Nếu không nói là rất ít.
Ngay cả môn Âm nhạc và Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông dù thiếu nhưng nhiều trường vẫn không tuyển dụng mới vì thừa thiếu cục bộ giữa các môn học.
Việc thiếu giáo viên hiện nay thực ra có nhiều nguyên nhân. Đó là tình trạng có thêm một số môn học mới ở chương trình giáo dục phổ thông 2018; thiếu do một bộ phận giáo viên ở những thành phố lớn bỏ việc; thiếu vì một số vùng đặc biệt khó khăn khó tuyển một số môn học đặc thù, hoặc khi giáo viên hết thời gian tập sự thì họ chuyển về vùng có điều kiện.
Thế nhưng, những môn học truyền thống, thậm chí là giáo viên mầm non, tiểu học hiện nay ở những khu vực có điều kiện, đồng bằng không thiếu nguồn tuyển vì số lượng sinh viên sư phạm ra trường trong những năm gần khá nhiều.
Bởi vậy, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước còn thiếu hơn 113.000 giáo viên không phải là điều đáng lo ngại vì nguồn tuyển của đa phần các địa phương hiện nay không hiếm- nếu không nói là cơ quan tuyển dụng có quyền được chọn lọc nguồn tuyển.