Điểm mới 10 Luật bắt đầu có hiệu lực từ 1-1-2025 (Tiếp)

Từ 1-1-2025, 10 luật mới đã được Quốc hội thông qua tại các kỳ họp trước sẽ chính thức có hiệu lực.

Sau Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, Luật Thủ đô 2024, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024, Luật số 56/2024/QH15, PLO tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc điểm mới 10 Luật bắt đầu có hiệu từ 1-1-2025:

6. Luật Tổ chức TAND 2024

So với Luật Tổ chức TAND 2014 thì Luật Tổ chức TAND 2024 có nhiều điểm mới về cơ cấu tổ chức, nhân sự và chức năng nhiệm vụ.

.Thành lập tòa sơ thẩm chuyên biệt

Nếu như mô hình tổ chức TAND hiện nay gồm: TAND Tối cao, TAND Cấp cao, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh và tương đương và Tòa án quân sự, thì Luật Tổ chức TAND 2014 bổ sung thêm TAND sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, TAND sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ và TAND chuyên biệt Phá sản.

Cơ cấu ngạch thẩm phán cũng có sự thay đổi từ bốn ngạch (Thẩm phán TAND Tối cao, thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp, thẩm phán sơ cấp) thành hai ngạch (Thẩm phán TAND Tối cao và Thẩm phán TAND).

Nhiệm kỳ của Thẩm phán TAND Tối cao được tính từ khi được bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. Thẩm phán TAND được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ là 5 năm kể từ ngày được bổ nhiệm. Thẩm phán TAND được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Trong khi đó hiện nay, nhiệm kỳ đầu của các thẩm phán được quy định là 5 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.

 Nhiệm kỳ của Thẩm phán theo Luật Tổ chức TAND 2024 sẽ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác (ảnh HĐXX vụ án Vạn Thịnh Phát). Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhiệm kỳ của Thẩm phán theo Luật Tổ chức TAND 2024 sẽ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác (ảnh HĐXX vụ án Vạn Thịnh Phát). Ảnh: HOÀNG GIANG

.Tòa chỉ hỗ trợ thu thập chứng cứ

Luật Tổ chức TAND 2014 không quy định phạm vi thu thập chứng cứ của tòa án mà trong luật tố tụng dân sự và tố tụng hành chính quy định nếu đương sự không thu thập được thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ. Việc này dẫn đến nhiều đương sự dựa vào quy định này để yêu cầu tòa thu thập chứng cứ, tăng khối lượng công việc của tòa án.

Điều này được Luật Tổ chức TAND 2024 giải quyết theo hướng trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác, các bên thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án theo quy định.

Tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ bằng việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác theo quy định của pháp luật trong trường hợp các bên đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ và đề nghị Tòa án hỗ trợ.

Như vậy, có thể thấy quy định mới một lần nữa khẳng định việc thu thập chứng cứ trong vụ án không phải nghĩa vụ của Tòa mà các đương sự trong vụ án chủ động thu thập chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình.

7. Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cảnh vệ

Luật Cảnh vệ 2017 được sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung; trong đó, đáng chú ý nhất là quy định về đối tượng cảnh vệ.

Cụ thể, theo quy định mới đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu; sự kiện đặc biệt quan trọng và đối tượng khác được áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ theo quy định của Luật này.

 Luật mới bổ sung thêm đối tượng cảnh vệ. Ảnh: VGP

Luật mới bổ sung thêm đối tượng cảnh vệ. Ảnh: VGP

Trên cơ sở đó, luật sửa đổi năm 2024 quy định đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm:

- Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;

- Chủ tịch nước;

- Chủ tịch Quốc hội;

- Thủ tướng Chính phủ;

- Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ;

- Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị.

- Ủy viên Ban Bí thư

- Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, có thêm nhiều đối tượng cảnh vệ mới so với quy định hiện nay như Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao...

8. Luật Đường bộ 2024

Luật Đường bộ 2024 được Quốc hội thông qua ngày 27-6-2024 gồm 6 chương, 86 điều.

So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật mới đã quy định việc phân loại đường bộ theo cấp quản lý và phân loại đường bộ theo chức năng phục vụ. Trong đó, bổ sung mới loại “đường thôn” thuộc đường giao thông nông thôn vào hệ thống đường bộ, do địa phương quản lý.

Đáng chú ý, Luật Đường bộ 2024 quy định về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ.

Tỷ lệ đất dành cho giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt từ 11% đến 26%, phù hợp với tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan khu vực nội thành, nội thị của từng loại đô thị theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và quy định khác của pháp luật có liên quan. Đô thị có yếu tố đặc thù theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị tối thiểu đạt 50% tỷ lệ đất nói trên.

Trong khi đó hiện nay, tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phải bảo đảm từ 16% đến 26%.

9. Luật Quản lý, bảo vệ công trình Quốc phòng và khu quân sự 2023

Luật Quản lý, bảo vệ công trình Quốc phòng và khu quân sự 2023 gồm 6 chương, 34 Điều.

Luật này được đánh giá đã khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994.

Một số điểm mới nổi bật của Luật Quản lý, bảo vệ công trình Quốc phòng và khu quân sự 2023 đó là hoàn thiện quy định về công trình lưỡng dụng; quy định rõ thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng, khu quân sự và quy định tiêu chuẩn người làm công tác bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Đơn cử, luật này quy định việc chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự phải không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo đảm bí mật nhà nước; phù hợp với quy hoạch hệ thống công trình quốc phòng, khu quân sự được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Luật cũng quy định theo hướng liệt kê các trường hợp công trình quốc phòng và khu quân sự được chuyển mục đích sử dụng.

10. Luật Đầu tư công 2024

Luật Đầu tư công 2024 gồm 7 Chương, 103 Điều quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.

Luật này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Một trong những điểm đáng chú ý của Luật Đầu tư công 2024 là thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C. Luật phân cấp cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý thay vì giao cho thẩm quyền của HĐND các cấp như trước đây. Đi kèm với thẩm quyền “quyết định chủ trương đầu tư dự án” là trách nhiệm “báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất”.

Luật cũng giao Thủ tướng quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong hai trường hợp:

- Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong trường hợp không vượt tổng mức vốn trung hạn đã được Quốc hội quyết định, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất;

- Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương trong nội bộ và giữa các ngành, lĩnh vực, chương trình của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn trung hạn của từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được Quốc hội quyết định.

Quy định này được đánh giá là giúp tăng cường tính linh hoạt trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.

QUỲNH LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/diem-moi-10-luat-bat-dau-co-hieu-luc-tu-1-1-2025-tiep-post827370.html
Zalo