Điểm mặt 5 khí tài quân sự hàng đầu của Nga
Trong những năm gần đây, Nga không ngừng hiện đại hóa lực lượng vũ trang, đặc biệt là các hệ thống vũ khí có khả năng tạo ưu thế chiến lược.
Dưới đây là 5 khí tài quân sự nổi bật, thể hiện tham vọng duy trì vị thế cường quốc quân sự toàn cầu của Nga.
Máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 Felon
Đứng đầu danh sách là máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 Felon, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 đầu tiên của Nga, do hãng Sukhoi phát triển. Với tốc độ tối đa đạt Mach 2.45 (tương đương khoảng 2.600 km/h), Su-57 có khả năng bay xa 4.000–5.500 km và đạt trần bay tới 20.000 m. Su-57 Felon được trang bị một pháo GSh-30-1 cỡ 30mm và nhiều loại tên lửa không đối không, không đối đất và vũ khí dẫn đường chính xác, tích hợp trong khoang nội bộ hoặc gắn ngoài cánh.
Máy bay sử dụng hai động cơ Saturn AL-41F1 và đang được nâng cấp lên loại động cơ mạnh hơn là Izdeliye 30. Tuy nhiên, quá trình sản xuất Su-57 gặp nhiều khó khăn, khi đến cuối năm 2022 mới chỉ có khoảng 10 chiếc được bàn giao trong tổng số 76 chiếc dự kiến đặt hàng.

Máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 Felon. (Ảnh: Flyajetfighter.com)
Tên lửa siêu thanh Avangard
Đứng thứ hai trong danh sách là vũ khí siêu thanh Avangard, được Tổng thống Vladimir Putin giới thiệu năm 2018. Đây là phương tiện lượn siêu thanh (HGV) gắn trên tên lửa đạn đạo liên lục địa, có tốc độ bay lên đến Mach 27 (hơn 33.000 km/h) và tầm bắn vượt 6.000 km.
Avangard có thể mang đầu đạn hạt nhân với sức công phá hơn 2 megaton TNT và đặc biệt có khả năng thay đổi quỹ đạo khi bay, khiến các hệ thống phòng thủ hiện nay gần như không thể đánh chặn. Đây là một trong những khí tài chiến lược được xem là đòn răn đe hạt nhân mới trong học thuyết quân sự Nga.

Tên lửa siêu thanh Avangard. (Ảnh: Researchgate)
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata
Thứ ba là xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata – biểu tượng của thế hệ xe tăng hiện đại. Xe có trọng lượng khoảng 55 tấn, được điều khiển bởi kíp lái 3 người ngồi trong khoang bọc thép tách biệt. Vũ khí chính là pháo nòng trơn 125mm 2A82-1M, kết hợp hệ thống nạp đạn tự động và giáp phản ứng nổ. Xe đạt tốc độ tối đa 75–80 km/h, với tầm hoạt động hơn 500 km. T-14 được kỳ vọng sẽ thay thế các mẫu xe tăng cũ như T-72 và T-90, dù hiện tại số lượng sản xuất còn hạn chế do chi phí cao và khó khăn kỹ thuật.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata. (Ảnh: Getty)
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf
Một khí tài không thể không nhắc đến là hệ thống phòng không S-400 Triumf – "lá chắn bầu trời" của Nga. S-400 có thể theo dõi cùng lúc 80 mục tiêu, tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo ở khoảng cách lên tới 400 km và độ cao 30 km. Hệ thống có thể triển khai chỉ trong 5 phút, giúp Nga kiểm soát không phận hiệu quả và tạo ưu thế chiến lược ở nhiều khu vực. S-400 đã được xuất khẩu sang nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, khẳng định vị thế của Nga trên thị trường vũ khí phòng không toàn cầu.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf. (Ảnh: Getty)
Ngư lôi hạt nhân tự hành Poseidon
Cuối cùng là Poseidon – ngư lôi hạt nhân không người lái, còn được gọi là Status-6. Đây là một loại vũ khí mang tính đột phá, có thể di chuyển ở độ sâu lớn và tốc độ cao dưới nước, được thiết kế để tấn công các mục tiêu ven biển, bao gồm căn cứ hải quân và nhóm tác chiến tàu sân bay.
Poseidon có tầm hoạt động hàng ngàn km và được trang bị đầu đạn hạt nhân với công suất ước tính từ 2 đến 100 megaton, đủ sức tạo ra sóng thần phóng xạ nếu phát nổ gần bờ biển. Dù chưa được triển khai rộng rãi, đây được xem là một trong những vũ khí chiến lược răn đe phi đối xứng hiệu quả nhất trong kho vũ khí Nga.

Mô hình mô phỏng ngư lôi hạt nhân tự hành Poseidon. (Ảnh: Navalnews)
Sự kết hợp giữa Su-57, Avangard, T-14 Armata, S-400 và Poseidon cho thấy nỗ lực của Nga trong việc duy trì và mở rộng khả năng quân sự chiến lược giữa bối cảnh thế giới nhiều biến động. Dù còn đối mặt với những thách thức về công nghệ, tài chính và trừng phạt, Moscow vẫn chứng minh năng lực phát triển khí tài tiên tiến ở cấp độ toàn cầu.