Điểm lại những vụ cháy lớn ở Hà Nội: Lời cảnh báo từ 'bà hỏa'
Thời gian qua, mặc dù các cấp chính quyền TP.Hà Nội đã nỗ lực triển khai, đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng cháy nổ.Tuy nhiên, tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Cháy chung cư mini tại Khương Hạ
Theo thông tin ban đầu, đám cháy bắt đầu bùng phát vào khoảng 23h đêm 12/9, tại một chung cư mini cao 9 tầng nằm sâu trong ngõ 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội).
Do vụ cháy xảy ra bất ngờ, lại vào ban đêm nên có rất nhiều người bị mắc kẹt trong chung cư không thoát kịp ra ngoài.
Chung cư bị cháy được xây kiểu nhà ống với một mặt tiền, 3 mặt giáp nhà dân, chia được gần 50 căn hộ cho thuê, chủ yếu là các hộ gia đình và sinh viên, trong đó 1 tầng hầm để xe, 8 tầng căn hộ và 1 tầng tum.
Nhận được tin báo, Công an thành phố Hà Nội và Đại học phòng cháy chữa cháy đã huy động hàng chục xe chữa cháy cùng lực lượng cán bộ chiến sỹ đến hiện trường dập lửa, nỗ lực cứu nạn.
Theo thông tin từ báo chí, chung cư mini trên có diện tích hơn 200 m2 với khoảng 150 người dân sinh sống. Lực lượng chức năng đã cứu được 70 người, đưa 54 người đi cấp cứu.
Do hiện trường nằm trong ngõ sâu, nên công tác cứu hỏa gặp rất nhiều khó khăn. Xe chữa cháy chỉ có thể đỗ cách hiện trường 300 - 400m, lực lượng chức năng phải dẫn vòi rồng vào ngõ sâu để dập lửa. Đến khoảng 2h sáng ngày 13/9, đám cháy cơ bản được khống chế. Trong suốt quá trình cứu hỏa, lực lượng chức năng đã kịp thời cứu hộ nhiều người dân mắc kẹt bên trong ra ngoài.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, lãnh đạo và công an thành phố Hà Nội, quận Thanh Xuân đã có mặt tại hiện trường, thực hiện các phương án cứu chữa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi công điện yêu cầu UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Công an và lực lượng chức năng khắc phục hậu quả vụ cháy; điều tra nguyên nhân vụ cháy. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ cháy sẽ được làm rõ và xử lý.
Thủ tướng giao Bộ Công an và các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Các đơn vị rà soát cơ sở nguy cơ cháy cao trên địa bàn, nhất là chung cư mini, cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao để phát hiện và xử lý vi phạm.
Hiện nguyên nhân vụ cháy vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
3 người tử vong trong vụ cháy ở Khâm Thiên
Ngọn lửa bùng lên lúc 5 giờ 20 sáng 8/7, tại ngôi nhà bốn tầng, một tum ở ngõ Thổ Quan, Khâm Thiên, quận Đống Đa.
Sau khi nhận tin báo, 4 đơn vị, 2 xe chữa cháy, xe cứu nạn, cứu hộ, xe chở phương tiện và cán bộ, chiến sĩ thuộc Công an quận Đống Đa, quận Hai Bà Trưng, Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực số 2 (Công an thành phố Hà Nội) được điều động đến hiện trường. Đến khoảng 7h37 cùng ngày, đám cháy cơ bản được dập tắt, tuy nhiên, vụ cháy đã để lại hậu quả lớn, làm 3 người mắc kẹt trong nhà tử vong. Nạn nhân được xác định là cháu N.Q.M (sinh năm 2010); cháu N.P.U (sinh năm 2012) và chị D.T.D (sinh năm 2004) đều là người thân của chủ nhà.
Sau khi vụ cháy xảy ra, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chỉ đạo Công an thành phố tập trung chữa cháy, cứu hộ cứu nạn; điều tra làm rõ nguyên nhân vụ hỏa hoạn.
Đồng thời, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND quận Đống Đa khẩn trương thăm hỏi gia đình các nạn nhân, tổ chức khắc phục hậu quả, ổn định tinh thần đời sống nhân dân trong khu vực.
Vụ cháy ở Hà Đông khiến 4 bà cháu thiệt mạng tại Hà Đông
Vụ cháy này xảy ra vào ngày 13/5/2023 tại số nhà 24, đường Thành Công, phường Quang Trung, quận Hà Đông khiến 4 người chết, 1 người bị thương.
Theo Công an thành phố Hà Nội, các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn được xác định là bà Nguyễn Thị X (sinh năm 1956) và 3 cháu bé là: Nguyễn Minh P (sinh năm 2013), Nguyễn Quang Minh Đ (sinh năm 2015), Nguyễn Quang Minh H (sinh năm 2019). Các nạn nhân đều có quan hệ ruột thịt.
Khi nhận được tin báo cháy, Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP Hà Nội đã điều động nhiều xe chữa cháy cùng cán bộ, chiến sỹ khẩn trương đến hiện trường tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội cũng trực tiếp xuống hiện trường, chỉ đạo công tác chỉ huy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả và khám nghiệm hiện trường vụ cháy. Lãnh đạo cục nghiệp vụ của Bộ Công an cũng có mặt để phối hợp chỉ đạo công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Đến khoảng 7 giờ 50 ngày 13/5, các đơn vị đã tiếp cận, tìm kiếm, cứu người bị nạn, triển khai chữa cháy. Khoảng 8 giờ 15 phút cùng ngày, đám cháy cơ bản được dập tắt.
Về tài sản, hỏa hoạn làm hư hỏng các vật dụng trong nhà như tivi, tủ lạnh, điều hòa, bàn ghế... và một xe máy.
Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân ban đầu vụ cháy có thể là do chập điện. Tuy nhiên các cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục làm rõ các yếu tố liên quan trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Sau khi xảy ra vụ cháy, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có Công điện gửi UBND TP Hà Nội đề nghị tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy; đồng thời, chỉ đạo tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Vụ cháy quán Karaoke khiến 3 cảnh sát cứu hỏa hy sinh
Khoảng 13h ngày 1/8, đám cháy bùng phát tại quán karaoke ISIS, số 231 phố Quan Hoa. Nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy quận Cầu Giấy triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn đến hiện trường. Các chiến sĩ đã đưa 8 người bị nạn thoát ra ngoài an toàn. Sau đó, ba chiến sĩ quay lên các tầng trên của quán karaoke tìm kiếm nạn nhân có khả năng còn mắc kẹt trong đám cháy.
Khi đang rà soát tại tầng 3, vật liệu rơi xuống chặn cầu thang tầng 2 bít lối thoát, khiến 3 chiến sĩ Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an quận Cầu Giấy hy sinh, gồm Thượng tá Đặng Anh Quân - Đội trưởng, Thượng úy Đỗ Đức Việt và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc.
Nơi xảy ra cháy là cơ sở kinh doanh karaoke ISIS, diện tích 1.260 m3, kết cấu chịu lực chính bê tông, cốt thép. Khu vực xuất phát cháy tại tầng 3, lan lên các tầng trên và lan xuống các tầng bên dưới của tòa nhà.
Trước khi xảy ra vụ cháy, quán karaoke ISIS đã dừng hoạt động do chưa cấp đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016.
Vào ngày 7/8 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã đưa Phạm Duy Hùng, chủ quán karaoke ISIS ra xét xử vềi tội danh Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.
Tại phiên tòa, VKS cáo buộc trong khi làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và xin thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, Hùng vẫn tiếp tục cho quán karaoke hoạt động kinh doanh. Thời gian đón khách từ 11h hôm trước đến 2h sáng hôm sau.
Khoảng 13h ngày 1/8/2022, lửa bùng lên ở phòng 702, sau đó lan sang toàn bộ quán. Nguyên nhân do chập mạch điện trên đường dây dẫn bên trong dàn lạnh điều hòa, làm cháy lớp vỏ cách điện.
Sau khi xem xét hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt Phạm Duy 10 năm tù về tội vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy, quy định tại điều 313 bộ luật Hình sự năm 2015.
Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc bị cáo bồi thường mỗi gia đình bị hại 230 triệu đồng, ngoài ra phải cấp dưỡng cho mẹ liệt sĩ Đặng Anh Quân 2 triệu đồng/tháng, cấp dưỡng cho 2 con của anh Quân mỗi tháng 2 triệu đồng đến khi các cháu đủ 18 tuổi.
Hội đồng xét xử đánh giá, hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Duy Hùng là rất nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân; gây ra thảm họa khôn lường cả về người và tài sản, đặc biệt là sự hy sinh của chiến sĩ cảnh sát PCCC.
Vụ cháy 19 ngôi nhà ở đường Đê La Thành
Ngày 1/12/2022, TAND quận Ba Đình, Hà Nội, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thế Hiệp (75 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội, tức Hiệp “khùng”) về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy”.
Bị cáo Hiệp là khu nhà trọ tại khu vực ngách tập thể cơ khí C70, ngõ 879 Đê La Thành, nơi xảy ra vụ cháy khiến 2 người chết, 19 ngôi nhà và 99 ở đường Đê La Thành bị ảnh hưởng.
Theo cáo trạng, bị cáo Hiệp kinh doanh cho thuê 5 phòng trọ tại địa điểm trên, trong quá trình kinh doanh, bị cáo Hiệp tự ý cơi nới, mở rộng nhà trọ bằng cách dựng khung sắt, sau đó làm sàn và vách ngăn phòng bằng các vật liệu: gỗ dán, tôn, xốp… Lắp đặt hệ thống điện không đồng bộ, tự ý câu dẫn điện từ nhà này qua nhà khác để sử dụng, không có thiết kế đảm bảo yêu cầu về phòng cháy.
Trước khi xảy ra vụ hỏa hoạn, ngày 3/4/2018, đoàn kiểm tra liên ngành của phường Ngọc Khánh đã yêu cầu ông Hiệp dừng ngay hoạt động kinh doanh; làm các thủ tục đăng ký kinh doanh, hồ sơ phương án, phương tiện phòng cháy chữa cháy. Bị cáo Hiệp kí cam kết thực hiện nhưng sau đó đã không thực hiện theo yêu cầu.
Đến ngày 17/9/2018, tại khu nhà trọ của ông Hiệp đã xảy ra vụ cháy. Nguyên nhân do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện làm cháy lớp vỏ cách điện, sau đó cháy lan ra xung quanh.
Vụ cháy đã làm chết 2 người là vợ chồng anh Tạ Văn Tính (SN 1976) và chị Hà Thị Lành (SN 1977), cùng ở Phú Thọ, gây thiệt hại gần 1,9 tỷ đồng.
Sau nhiều lần xét xử, đến ngày 1/12/2022, HĐXX TAND quận Ba Đình sau đó đã tuyên phạt, bị cáo Hiệp 8 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy”. Ngoài mức án tù, bị cáo buộc phải bồi thường thiệt hại hơn 2,5 tỷ đồng cho các bị hại của vụ cháy.
Người dân cần phải luôn ý thức và chủ động chuẩn bị các phương án thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra
Trả lời trên báo Kinh tế và Đô thị về công tác đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn TP Hà Nội, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hà Nội cho biết: Tính từ năm 2018 đến nay, đã thành lập 35 đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra an toàn PCCC đối với 425 cơ sở, qua đó phát hiện và kiến nghị 868 tồn tại, thiếu sót về PCCC, lập 160 biên bản xử phạt vi phạm hành chính, ban hành 160 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hàng tỷ đồng...
Đối với loại hình nhà ống, nhà ở kết hợp kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, Đại tá Phạm Trung Hiếu khuyến cáo: Người dân không được bịt kín hoàn toàn ngôi nhà của mình mà nên chủ động mở lối thoát hiểm ở ban công hoặc khu vực tầng thượng. Trong trường hợp lắp “chuồng cọp” thì gia chủ phải thiết kế ô cửa có khóa và để chìa khóa ở nơi dễ lấy. Khóa này cũng phải được mở thường xuyên, phòng trường hợp khi xảy ra sự cố, do mất bình tĩnh nên không tìm thấy chìa khóa hoặc khóa bị gỉ sét, khó mở.
Khi xảy ra hỏa hoạn, người trong nhà có thể thông qua các ô cửa này thoát ra ngoài bằng dây thừng. Nếu trong nhà không có dây thừng, người dân có thể dùng rèm, màn, quần áo nối với nhau để trèo xuống qua ô cửa. Những nhà xây mới, người dân nên bố trí lối thoát nạn đủ kích thước. Các nhà dân liền kề nên cùng nhau xây dựng phương án để tạo ra lối thoát hiểm ở ban công, từ nhà này sang nhà khác, khi xảy ra cháy có thể trợ giúp.
"Người dân cần phải luôn ý thức và chủ động chuẩn bị các phương án thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra, dự kiến các lối thoát nạn khác ngoài cửa chính như: ban công, sân thượng...; không lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt, lưới sắt tại ban công của nhà; không khóa cửa lên mái, trường hợp cửa có khóa cần quy định vị trí để chìa khóa...", Đại tá Phạm Trung Hiếu cho hay.