Điểm danh loạt thương hiệu lớn 'rơi rụng' khỏi sàn chứng khoán năm nay

Âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế tăng cao... là những chỉ báo về khả năng sinh tồn của mọi doanh nghiệp, đồng thời là tiêu chí cần khắc phục nếu họ muốn ở lại sàn.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) vừa quyết định hủy niêm yết hơn 60,3 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (DAG), có hiệu lực từ ngày 22/10.

Lý do được đưa ra là doanh nghiệp này đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, thuộc trường hợp bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Việc hủy niêm yết hơn 60,3 triệu cổ phiếu với giá trị tính theo mệnh giá là 603,1 tỷ đồng của DAG không chỉ gây ra thiệt hại lớn cho nhà đầu tư, còn đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng quản trị doanh nghiệp và tính minh bạch của thị trường chứng khoán. Điều này cho thấy, việc tuân thủ pháp luật và các quy định của thị trường là vô cùng quan trọng đối với mọi doanh nghiệp niêm yết.

Tập đoàn Nhựa Đông Á là cái tên quen thuộc trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam. Được thành lập từ năm 2001 có tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Nhựa Đông Á, trải qua quá trình chuyển đổi và phát triển, DAG đã trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất nhựa hàng đầu tại Việt Nam. Năm 2010, cổ phiếu DAG chính thức được niêm yết trên sàn HOSE với khối lượng ban đầu 10 triệu cổ phiếu, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của công ty.

Trong những năm gần đây, bức tranh kinh doanh của DAG đã trở nên vô cùng ảm đạm. Kết quả kinh doanh liên tục đi xuống đã đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng cạnh tranh và sự bền vững của doanh nghiệp này. Năm 2023, DAG ghi nhận mức lỗ lên tới 606 tỷ đồng và tình hình tiếp tục tồi tệ khi doanh nghiệp báo lỗ gần 67 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2024.

Trước DAG, hai thương hiệu lớn khác là Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) cũng bị HOSE mời xuống khỏi sàn giao dịch này với một quyết định hủy niêm yết bắt buộc.

Kinh doanh thua lỗ, hai doanh nghiệp HAGL Agrico và Xây dựng Hòa Bình cùng chịu chung số phận hủy niêm yết cổ phiếu trên HOSE (Ảnh minh họa)

Kinh doanh thua lỗ, hai doanh nghiệp HAGL Agrico và Xây dựng Hòa Bình cùng chịu chung số phận hủy niêm yết cổ phiếu trên HOSE (Ảnh minh họa)

Cụ thể, HAGL Agrico bị hủy niêm yết với hơn 1,1 tỷ cổ phiếu HNG với lý do ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp (2021, 2022, 2023), lần lượt là 1.119 tỷ đồng, 3.576 tỷ đồng và 1.098 tỷ đồng.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng bị hủy niêm yết bắt buộc hơn 347,2 triệu cổ phiếu với lý do thua lỗ nghiêm trọng. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Hòa Bình âm tới 3.240 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp của công ty là 2.741 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc Xây dựng Hòa Bình đã không còn khả năng duy trì hoạt động kinh doanh một cách bền vững.

Nhìn chung, danh sách các doanh nghiệp niêm yết rời sàn từ đầu năm 2024 tới nay là khá dài, bao gồm các cái tên từng một thời vang bóng cho đến các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn. Chẳng hạn như trường hợp như Công ty Cổ phần Sông Đà 10 (SDT), bị hủy niêm yết trên HNX từ ngày 24/1 và hiện đang giao dịch trên UPCoM. Thua lỗ là nguyên nhân cổ phiếu SDT phải chịu cảnh "xuống hạng".

Công ty Cổ phần Chiếu xạ An Phú cũng vậy, bị hủy niêm yết cổ phiếu APC trên HOSE từ 29/4 và đang giao dịch trên UPCoM từ ngày 15/5 tới nay. Cổ phiếu của Công ty Cổ phần Nhựa Đà Nẵng (DPC) bị hủy niêm yết từ ngày 14/5, do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp.

Ngoài ra, góp mặt trong danh sách này còn rất nhiều cái khác cũng đối mặt với tình trạng tương tự như: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình (QBS), Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR), Công ty Cổ phần Lilama 69-1 (L61)...

Có thể nói, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đang chứng kiến một cuộc "đại thanh trừng" khi hàng loạt doanh nghiệp bị hủy niêm yết. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này nằm ở chỗ, nhiều doanh nghiệp đã không thể thích ứng với những biến động của thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Thêm vào đó, những lỗ hổng trong hệ thống quản trị doanh nghiệp, cùng với việc không tuân thủ các quy định của pháp luật, đã đẩy nhiều doanh nghiệp đến bờ vực phá sản.

Dù đau lòng khi chứng kiến nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi sàn giao dịch, hoặc xuống giao dịch ở UPCoM, nhưng cũng là cơ hội để thị trường chứng khoán Việt Nam tái cấu trúc và phát triển bền vững hơn. Việc siết chặt quản lý, nâng cao tính minh bạch và yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm ngặt các quy định là điều cấp thiết. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần nâng cao kiến thức và kỹ năng để đưa ra những quyết định đầu tư sáng suốt, tránh rủi ro.

Thanh Phong

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/diem-danh-loat-thuong-hieu-lon-roi-rung-khoi-san-chung-khoan-nam-nay-353220.html
Zalo