Điểm danh các 'hot trend' kinh tế thế giới năm 2024

Năm 2024, dù tăng trưởng ở nhiều quốc gia vẫn chậm lại so với mức trước năm 2020, nhưng nền kinh tế thế giới đã dần ổn định trở lại sau đại dịch Covid-19. Dưới đây là bảy sự kiện lớn nhất, góp phần định hình nền kinh tế toàn cầu năm 2024.

Nền kinh tế thế giới đã dần ổn định trở lại sau đại dịch Covid-19. (Nguồn: The Saigon Times)

Nền kinh tế thế giới đã dần ổn định trở lại sau đại dịch Covid-19. (Nguồn: The Saigon Times)

Ông Trump báo hiệu cuộc chiến thương mại mới

Trong năm qua, Tổng thống Mỹ thứ 47 Donald Trump đã ám chỉ rằng, ông sẽ theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ “Nước Mỹ trên hết”, thậm chí còn quyết liệt hơn. Chính sách này đã giúp ông nắm quyền trong nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã cam kết áp thuế 60% trở lên đối với hàng hóa Trung Quốc và thuế toàn phần 20% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu khác vào Mỹ.

Ông Trump cũng đưa các quốc gia khác vào tầm ngắm. Gần đây, ông đã đe dọa sẽ áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico.

Các nhà kinh tế cho biết, đề xuất áp thuế toàn diện của vị Tổng thống thứ 47 sẽ làm tăng chi phí cho các mặt hàng thiết yếu hàng ngày tại chính nền kinh tế lớn nhất thế giới và làm đảo lộn chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Gần đây nhất, đầu tháng này, ông Trump đã đe dọa sẽ áp thuế 100% đối với các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) vì liên quan đến vấn đề đồng tiền chung của nhóm.

Những "gã khổng lồ" công nghệ lớn "chuyển mình"

Các chính phủ trên khắp thế giới đã dành năm 2024 để cố gắng quản lý những "gã khổng lồ" công nghệ lớn trên thế giới.

Vào đầu năm, Đạo luật Thị trường số (DMA) của Liên minh châu Âu (EU) đã có hiệu lực. Đạo luật đưa ra các quy tắc mới về cách thức hoạt động của phương tiện truyền thông xã hội và các nền tảng trực tuyến khác, đồng thời, trao cho người dùng quyền kiểm soát dữ liệu cá nhân của họ nhiều hơn.

Vào tháng 3, Nghị viện châu Âu đã thông qua Đạo luật Trí tuệ nhân tạo (AI) mang tính đột phá, điều chỉnh việc sử dụng AI dựa trên mức độ rủi ro được nhận thức.

Cũng trong năm qua, Brazil đã đối đầu trực tiếp với "ông trùm" công nghệ Elon Musk - Giám đốc điều hành của SpaceX, Tesla, chủ sở hữu của X - và đã giành chiến thắng, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.

Vào tháng 8, Tòa án Tối cao Brazil đã đình chỉ X và đóng băng các tài khoản ngân hàng thuộc về nền tảng truyền thông xã hội này. Tỷ phú Musk đã tuân thủ yêu cầu của tòa án và phải nộp 2 triệu đô la tiền phạt.

Tháng 11, Australia đã ban hành lệnh cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội vì lo ngại tác động tiêu cực của nó đến sức khỏe tâm thần của giới trẻ.

Trong khi đó, các nền tảng như TikTok, Snapchat, Facebook và Instagram cũng có một năm để tìm ra cách tuân thủ luật pháp.

Mạng xã hội "nổi sóng"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 có thể mang lại tin vui cho ứng dụng chia sẻ video phổ biến TikTok, vốn đang phải đối mặt với lệnh cấm của Mỹ.

Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống đắc cử đã hứa sẽ "cứu" ứng dụng này, mặc dù ông không cung cấp thông tin chi tiết về cách ông sẽ làm.

ByteDance đã từ chối bán nền tảng này mà thay vào đó là tiến hành một cuộc chiến pháp lý có thể mất nhiều năm để giải quyết.

Trong khi đó, mạng xã hội Mỹ ngày càng trở nên tách biệt hơn về mặt xã hội và chính trị.

Kể từ khi tỷ phú Musk mua lại nền tảng trước đây có tên là Twitter vào năm 2022 và đổi tên là X, mạng xã hội này đã dịch chuyển mạnh.

Theo một nghiên cứu gần đây của Đại học Công nghệ Queensland của Australia, thuật toán của nền tảng này dường như tăng cường các bài đăng của đảng Cộng hòa và chính ông Musk để tăng sự nổi bật của quan điểm của đảng này.

Bên cạnh đó, kênh Truth Social của ông Trump cũng trở nên nổi bật hơn khi trở thành kênh truyền thông được Tổng thống đắc cử ưa chuộng để bày tỏ quan điểm của mình.

Các nền tảng thay thế như Threads của Instagram tiếp tục tăng lượng người dùng ở nhiều mức độ thành công khác nhau. Và người dùng mạng xã hội theo chủ nghĩa tự do đã bỏ X để chuyển sang Blue Sky. Trong tuần sau chiến thắng bầu cử của ông Trump, nền tảng Blue Sky báo cáo đã có thêm hơn 1 triệu người dùng.

Tỷ phú Elon Musk xuất hiện tại một cuộc vận động tranh cử của ông Donald Trump tại Butler, Pennsylvania. (Nguồn: Reuters).

Tỷ phú Elon Musk xuất hiện tại một cuộc vận động tranh cử của ông Donald Trump tại Butler, Pennsylvania. (Nguồn: Reuters).

Lạm phát ảnh hưởng đến bầu cử

Bầu cử là một sự kiện gây khó khăn cho những lãnh đạo đương nhiệm, ở hầu hết mọi nơi trên thế giới.

Các vấn đề kinh tế và đặc biệt là chi phí sinh hoạt luôn được quan tâm hàng đầu với cử tri ở các quốc gia từ Bắc Mỹ đến châu Âu và châu Phi.

Trong năm qua, tại Mỹ, chiến thắng quyết định của ông Trump được cho là có yếu tố liên quan đến tình trạng lạm phát tăng đột biến.

Tâm lý chống đối chính quyền đương nhiệm do lạm phát thúc đẩy cũng dẫn đến chuyển giao quyền lực ở Anh, Botswana, Bồ Đào Nha, Panama...

Bầu cử còn làm rung chuyển Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ. Chỉ có một nơi không thay đổi: Tổng thống Nga Vladimir Putin tái đắc cử với 88% số phiếu bầu.

Sức ảnh hưởng của các nhà tài phiệt gia tăng

Sự trở lại Nhà Trắng của ông Trump sẽ làm gia tăng đáng kể ảnh hưởng của một số "ông trùm" quyền lực nhất nước Mỹ.

Người đứng đầu trong số đó là tỷ phú Musk - một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất của ông Trump trong suốt cuộc bầu cử. Vị tỷ phú này đã được chọn làm người đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ mới thành lập cùng với doanh nhân Vivek Ramaswamy.

Những lựa chọn hàng đầu khác của ông Trump bao gồm: Nhà sáng lập quỹ đầu cơ tỷ phú Scott Bessent; ông Howard Lutnick, Giám đốc điều hành của công ty dịch vụ tài chính Cantor Fitzgerald; Giám đốc quỹ đầu cơ Doug Burgum; ông Chris Wright, Giám đốc điều hành của một công ty dịch vụ mỏ dầu...

Bên ngoài nước Mỹ, ảnh hưởng của các nhà tài phiệt cũng được thể hiện qua bản cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ đối với tỷ phú người Ấn Độ Gautam Adani - người sáng lập và chủ tịch của Adani Group - về tội hối lộ và gian lận.

Ông Adani được coi rộng rãi là đồng minh thân cận của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Bitcoin tăng mạnh

Giá Bitcoin đã tăng mạnh trong những tuần sau chiến thắng của ông Trump, tăng vọt từ khoảng 68.000 USD vào ngày bầu cử lên trên 100.000 USD hồi đầu tháng 12.

Trong khi ông Trump chỉ trích Bitcoin và các loại tiền điện tử khác trong nhiệm kỳ đầu tiên tại Nhà Trắng thì nay, "vật đổi sao dời". Năm qua, vị Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ lại nổi lên là người ủng hộ mạnh mẽ tiền kỹ thuật số trong chiến dịch tranh cử. Ông cam kết biến nền kinh tế lớn nhất thế giới thành "thủ đô tiền điện tử của hành tinh".

Tổng thống đắc cử đã hứa sẽ tạo ra một kho dự trữ Bitcoin chiến lược và đã chọn một số người đam mê tiền điện tử nổi tiếng tham gia vào chính quyền sắp tới của mình, bao gồm cựu Giám đốc điều hành PayPal David Sacks và ông Paul Atkins với tư cách là chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ.

Cú ‘quay xe’ bất ngờ của ông Donald Trump khiến Bitcoin ‘nóng hầm hập’. (Nguồn: Cryptoslate)

Cú ‘quay xe’ bất ngờ của ông Donald Trump khiến Bitcoin ‘nóng hầm hập’. (Nguồn: Cryptoslate)

Trung Quốc mạnh tay kích thích kinh tế

Những người theo dõi Trung Quốc đã chờ đợi cả năm để xem Bắc Kinh sẽ thực hiện những bước đi nào để giúp phục hồi nền kinh tế.

Năm 2024, Bắc Kinh đã công bố một loạt các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, chủ yếu là về chính sách tiền tệ, bao gồm hạ lãi suất và giảm yêu cầu về số tiền dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, giải phóng 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ tín dụng.

Nhưng nhiều nhà phân tích kinh tế cho rằng, các biện pháp này là chưa đủ để duy trì nền kinh tế đi đúng hướng, đặc biệt là nếu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới muốn đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2024.

(theo Al Jazeera)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/diem-danh-cac-hot-trend-kinh-te-the-gioi-nam-2024-298675.html
Zalo