'Điểm cộng' cho công nghiệp văn hóa Việt vươn xa
Công nghiệp văn hóa tại Việt Nam chứng kiến sự thay đổi đáng kể những năm gần đây: từ chủ yếu dựa vào sản phẩm truyền thống, tới sự chuyển dịch mạnh mẽ nhờ tích hợp công nghệ số và sáng tạo, làm nên những sản phẩm văn hóa đa dạng và hấp dẫn.
Sự phát triển tích cực từ nhiều lĩnh vực
Đầu năm 2024, một số phim Việt đã gây sức hút với khán giả, lập kỷ lục ấn tượng về doanh thu như: “Mai”, “Lật mặt 7: Một điều ước”, “Gặp lại chị bầu”… Danh sách phim Việt đạt mốc trăm tỷ đồng ngày càng được nối dài.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, điện ảnh là lĩnh vực có xu hướng phát triển nhanh, giai đoạn 2018 - 2022, giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm, giá trị gia tăng bình quân tăng 7,94%/năm. Tại Việt Nam, khán giả trẻ chiếm đến 80 - 90% thị phần khán giả, đây là tiềm năng lớn để phát triển điện ảnh nội địa. Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng giám đốc BHD nhận định, với dân số hơn 100 triệu dân, doanh thu phòng vé sẽ tăng trưởng rất mạnh. Việt Nam đang là nước có tỷ lệ doanh thu phòng vé phát triển nhất thế giới (25 - 40%/năm).
Bên cạnh điện ảnh, TS. Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, thời gian qua, nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật khác cũng có sự phát triển tích cực, như có nhiều chương trình ca nhạc, video âm nhạc thu hút hàng triệu lượt xem trên Youtube. Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà thơ Nguyễn Phong Việt được tái bản nhiều lần. Không ít tác phẩm văn học được chuyển ngữ, xuất bản ở nước ngoài được tiêu thụ khá tốt, được chuyển thể kịch bản thành phim ăn khách.
Kiến trúc, nhiếp ảnh, sân khấu, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số… cũng có những thành tựu xuất sắc, đóng góp đáng kể vào quá trình công nghiệp văn hóa ở nước ta. Việt Nam cũng trở thành điểm đến của nhiều nghệ sĩ, ban nhạc nổi tiếng thế giới mở ra nhiều cơ hội mới về giao lưu văn hóa, nâng cao hình ảnh quốc gia và truyền cảm hứng sáng tạo…
Khi văn hóa chạm đến trái tim giới trẻ
Thị trường văn hóa Việt Nam dần trở nên phong phú với nhiều loại hình sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả, đặc biệt ngày càng nhiều khán giả trẻ quan tâm đến các sản phẩm văn hóa có sử dụng chất liệu truyền thống.
Giám đốc điều hành Trung tâm Xúc tiến, Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH) Nguyễn Thị Lệ Quyên cho biết, Trung tâm giới thiệu tới công chúng nhiều loại hình kịch hát của dân tộc như chèo, tuồng, xẩm…; xây dựng các không gian văn hóa phù hợp với loại hình di sản muốn quảng bá. Hiện nay các chương trình của VICH diễn ra hàng tuần, thu hút đông đảo khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
Số lượng không gian văn hóa sáng tạo gia tăng cả về chất lượng và số lượng qua từng năm. Bà Trương Uyên Ly, nhà nghiên cứu độc lập về không gian văn hóa sáng tạo thống kê, từ 40 không gian (năm 2014) cho đến trên 200 không gian (ước tính 2023) cho thấy một hiện tượng phát triển mới đang ngày càng gia tăng sức mạnh và tầm ảnh hưởng đến hàng triệu người. Mối quan tâm đến các không gian sáng tạo từ các tập đoàn hay công ty lớn cũng có chiều hướng càng gia tăng. Họ đã và đang xây dựng những dự án không gian sáng tạo quy mô. Các bảo tàng nghệ thuật tư nhân và nhà sưu tập nghệ thuật cá nhân cũng phát triển mạnh mẽ.
Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm, năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm 4,42% tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Trong đó, có nhiều nhân lực trẻ, sáng tạo, tập trung khai thác kho báu nghệ thuật thủ công, truyền thống, kết hợp với công nghệ, góc nhìn, thiết kế mới tạo ra các sản phẩm đặc sắc. Sử dụng chất liệu truyền thống trong sáng tạo đang được coi là “điểm cộng” để nghệ sĩ trẻ đến với khán giả, thu hút công chúng dễ dàng hơn…
Chia sẻ trách nhiệm và lợi ích tương lai
Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa, cùng với đó là sự xuất hiện của internet và các nền tảng số đã tạo điều kiện thuận lợi cho sáng tạo, sản xuất và phân phối các sản phẩm văn hóa. Tuy vậy, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận định, sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam chưa thể hiện được năng lực cạnh tranh, sức hút trên thị trường nội địa và quốc tế chưa lớn, chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa ngày càng cao và đa dạng của người dân trong nước.
Việc thiếu thông tin thị trường khiến các doanh nghiệp khó xác định được nhu cầu của khán giả và đưa ra sản phẩm phù hợp. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm thiếu sáng tạo, nội dung chưa sâu sắc, kỹ thuật sản xuất chưa cao, thiếu đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa chưa đồng bộ, nhiều bất cập, chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp…
Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, để công nghiệp văn hóa phát triển và đuổi kịp những nước tiên tiến thì cần sự đồng hành của mọi thành phần tham gia, chia sẻ trách nhiệm và cả lợi ích tương lai. Theo đó, xây dựng chính sách thúc đẩy hình thức hợp tác công tư, hỗ trợ những thể nghiệm, nghệ sĩ trẻ, tiềm năng hay tài năng để có thể phát triển, giới thiệu sản phẩm tới công chúng. Thiết lập quỹ văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới, giản lược thủ tục pháp lý chồng chéo và vướng mắc…
“Công nghiệp Văn hóa Việt Nam chỉ có thể thành công nếu các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này tạo được sự khác biệt dựa trên những đặc trưng riêng về truyền thống văn hóa, bản sắc văn hóa” - nhà thiết kế Lê Sỹ Hoàng nói. Để làm được điều đó, cần thay đổi nhận thức ngay trong yếu tố đầu vào của văn hóa (sự sáng tạo), phải có tư duy thị trường (đáp ứng nhu cầu, giá cả đi đôi với chất lượng, quản lý hiệu quả, có sự đánh giá từ thị trường...). Phải coi công nghiệp văn hóa là một ngành sản xuất, có khả năng tạo ra các sản phẩm tinh thần cao đẹp, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm, sản phẩm sáng tạo.
Công nghiệp văn hóa Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, hứa hẹn mang lại những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để hiện thực hóa giấc mơ đó trong tương lai gần, việc xây dựng hệ sinh thái công nghiệp văn hóa phát triển bền vững sẽ góp phần quan trọng làm nên các sản phẩm sáng tạo, đưa văn hóa Việt chinh phục công chúng trong nước và vươn ra thế giới.