Điếm canh đê - 'pháo đài' tuyến đầu chống lũ
Mỗi mùa mưa bão đến, những người dân sống ven sông, ven đê lại nơm nớp lo âu trước hiểm họa lũ lụt. Giữa thiên nhiên khắc nghiệt, điếm canh đê âm thầm đóng vai trò như một 'pháo đài' tuyến đầu, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
'Mắt xích' không thể thiếu trong phòng, chống lũ
Tại miền Bắc, mùa mưa bão thường bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài đến khoảng tháng 10, trong đó cao điểm rơi vào tháng 7 đến tháng 9. Đây là thời kỳ hoạt động mạnh của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, dễ mang theo mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và nguy cơ vỡ đê điều ở các khu vực trọng điểm.
Điếm canh đê là công trình kiên cố được xây dựng tại các điểm xung yếu dọc tuyến đê, nhằm làm nơi trực, quan sát, chỉ huy và ứng phó với các tình huống xảy ra trong mùa mưa lũ. Đây không chỉ là nơi cư trú tạm thời của lực lượng canh đê mà còn là trung tâm thông tin, liên lạc và điều phối ứng cứu tại chỗ khi có sự cố xảy ra.
Trong mùa lũ, điếm canh đê giúp người ứng trực giám sát mực nước, phát hiện sớm các hiện tượng nguy hiểm như rò rỉ, sạt lở, mạch đùn, vỡ bờ… và thông báo để cấp ngành chức năng kịp thời có phương án xử lý. Nhờ đó, nhiều nguy cơ mất an toàn đê điều đã được ngăn chặn ngay từ đầu, hạn chế thiệt hại và đảm bảo an toàn cho các vùng hạ lưu.
Việc quản lý, vận hành hiệu quả điếm canh đê, theo đó, giúp chủ động chống thiên tai và sự cố liên quan, góp phần giảm thiểu thiệt hại và bảo đảm an toàn cho người dân trong vùng chịu ảnh hưởng.

Ông Khiển mong các cấp có thẩm quyền bố trí kịp thời một số vật dụng, trang bị vật tư mới để sẵn sàng ứng phó trong mùa mưa lũ.
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Trần Văn Khiển (sinh năm - SN 1957), Điếm phó Điếm canh đê Thịnh Liên, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, đã làm “người gác điếm” được gần 30 năm.
Theo ông thì điếm canh đê là mắt xích không thể thiếu trong công tác phòng, chống lũ. Mỗi khi mùa mưa bão tới, phía UBND cấp xã sẽ bố trí lực lượng canh gác chặt chẽ, đồng thời huy động bà con nhân dân cùng tham gia bảo vệ đê điều. Mọi diễn biến bất thường đều được báo cáo kịp thời về Ban chỉ huy phòng chống thiên tai xã để xử lý sớm.
Là người dân của thôn Thịnh Liên, ông Khiển cho rằng, để điếm canh đê phát huy hiệu quả trong mùa nước lũ, cả cộng đồng cần "chung tay" với chính quyền.
Ông Nguyễn Như Hanh (SN 1957, trú tại xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ: “Nhà tôi nằm ngay cạnh chân đê nên ngay từ nhỏ tôi hiểu rõ mỗi khi lũ về là nguy hiểm thế nào. Mỗi lần điếm canh có người trực, bà con yên tâm hơn nhiều. Khi được xã huy động đi kiểm tra đê, tôi luôn sẵn sàng tham gia.”
UBND cấp xã đóng vai trò trung tâm
Lãnh đạo UBND cấp xã là lực lượng chỉ đạo trực tiếp trong công tác quản lý và vận hành điếm canh đê. UBND xã có trách nhiệm quản lý, bảo vệ và duy tu thường xuyên điếm canh đê, đảm bảo cơ sở vật chất đủ điều kiện phục vụ nhiệm vụ phòng, chống lũ. Đồng thời, chính quyền xã thành lập và huy động lực lượng canh đê tại chỗ, như dân quân tự vệ, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, bố trí trực 24/24h trong những ngày cao điểm.
UBND xã cũng chủ trì tổ chức các buổi kiểm tra, tuần tra tuyến đê, phát hiện sớm các sự cố, tổ chức diễn tập phòng chống lụt bão, đồng thời nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ công trình đê điều.
Bà Đặng thị Mơ – Phó Chủ tịch UBND xã Tri Phương, huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) cho biết, UBND cấp xã đóng vai trò trung tâm trong việc điều hành hoạt động của điếm canh đê. Mỗi khi mùa mưa bão đến, UBND xã trước đó đã phải lập phương án cụ thể cho từng tình huống và huy động đầy đủ nhân lực, vật lực sẵn sàng ứng phó khi cần thiết.
“Trong mùa mưa bão sắp tới, chính quyền xã cần phát huy vai trò chủ động, kiên quyết và linh hoạt để đảm bảo điếm canh đê phát huy đúng chức năng và hiệu quả”, bà Mơ cho hay.
Chia sẻ thêm với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Điếm phó Điếm canh đê Thịnh Liên Trần Văn Khiển cho biết, điều ông đau đáu nhiều năm nay là cơ sở vật chất tại một số điếm canh đê bị xuống cấp nghiêm trọng (như điếm canh đê Đổng Viên, điếm canh đê Phù Đổng...) chưa được cải tạo và nâng cấp. Một số dụng cụ, vật tư trang bị tại các điếm đã cũ, hỏng, vẫn chưa được bố trí kịp thời; tiền điện sinh hoạt, tiền nước đều do những người “trực điếm” chi trả mà không được các cấp hỗ trợ...
Hình ảnh phóng viên ghi nhận tại một số Điếm canh đê trên địa bàn huyện Gia Lâm (TP Hà Nội) bên sông Đuống chảy qua:

Điếm canh đê Thị trấn Yên Viên trong tình trạng cửa đóng then cài, cửa đã bị bong tróc các lớp do thời tiết khắc nghiệt.

Điếm canh đê Cống Thôn, xã Yên Viên.

Điếm Phù Đổng cũng bị xuống cấp, cửa kính bị vỡ, trần nhà bị lở.

Điếm canh để Đổng Viên xập xệ.


Tại xã Phù Đổng, điếm canh đê thôn 01 (xã Trung Mầu cũ) là nơi để đồ cho người dân bán hàng nước, bên trong có bàn ghế và cốc chén nhựa.

Điếm phó Điếm canh đê Thịnh Liên, xã Phù Đổng, cho biết, luôn ghi chép đầy đủ diễn biến mực nước để các cấp ban ngành theo dõi.