Điếm canh đê
Giữa tháng 7, lũ sông Hồng lên nhanh. Dòng nước đỏ ngầu phù sa, chỉ qua một đêm đã mấp mé triền đê xanh ngắt, uốn lượn quanh co. Những ruộng ngô, đỗ đang cho thu hoạch ngập chìm trong nước. Gần trưa, dân làng đi làm đồng lác đác trở về nhà. Nhìn mấy bà, mấy chị ngồi chuyện trò bên điếm canh đê trong nắng hè oi ả, lòng rưng rưng nhớ bao kỷ niệm về điếm canh đê ngày trước.

Ảnh minh họa
Làng tôi nằm ven đê sông Hồng. Dọc đê có những chiếc điếm canh được xây dựng làm nơi trực, canh gác nước và ứng phó với các tình huống xảy ra trong mùa mưa lũ, đồng thời là nơi tập kết vật liệu hộ đê. Từ điếm canh đê nhìn xuống bờ bãi xanh ngút ngàn, làng quê thật tươi đẹp, trù phú. Dòng sông lững lờ trôi chở nặng phù sa bồi đắp sự sống, đất đai màu mỡ, sinh sôi. Điếm canh đê làng tôi được xây đã từ lâu nên xuống cấp, tường bong tróc, loang lổ. Mỗi mùa mưa bão đến, người dân sinh sống ven sông, ven đê lại nơm nớp lo âu trước hiểm họa lũ lụt. Giữa thiên nhiên khắc nghiệt, điếm canh đê như một “pháo đài” tuyến đầu, góp phần bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân. Không chỉ góp phần chống lũ, điếm canh đê còn là chứng nhân, chứng kiến bao đổi thay của xóm làng, quê hương, là nơi gắn bó, gần gũi với dân làng.
Hằng ngày, điếm canh đê im lìm, vắng lặng, chỉ có bọn trẻ chăn bò ngồi trong trú mưa, tránh nắng. Tối sáng trăng, nơi đây là điểm hẹn hò, tự tình, chứng kiến bao lời thề non hẹn biển của những đôi trai gái. Mỗi khi có nước lũ, điếm canh đê trở nên sôi động, ngổn ngang đất, đá, tre, nứa, cuốc, xẻng, bao tải để hộ đê những nơi xung yếu. Dân làng kéo ra xem nước lên, thu hoạch nông sản, hoa màu ngoài bãi chạy lũ. Trai tráng tập trung trên đê tuần tra, gác nước. Mỗi điếm có một đội canh gác nước gồm thanh niên nam nữ khỏe mạnh, trực gác nước theo cấp báo động; tham gia giúp người dân thu hoạch rau màu, di chuyển vật nuôi, tài sản đến nơi an toàn, sẵn sàng ứng cứu chống bão, lũ. Tôi còn nhớ trong đội gác nước có anh Ngật, nhà ở cuối làng. Anh Ngật béo lùn, mũi sư tử, mắt lồi, răng vổ, hay kể chuyện tiếu lâm. Nào là chuyện bà Thậm bán quán nước bị gã du côn trêu ghẹo; chuyện lão Bất, Đội trưởng sản xuất ngủ với chị Thơm góa chồng, bị vợ bắt tại trận; rồi chuyện nhà ông Mùi có thằng con đua đòi, hư hỏng, hay trộm vặt... Kể xong, anh Ngật cười nham nhở, nhe hàm răng bàn cuốc vàng khè. Anh đi gác đê mà diện quần loe, áo đuôi tôm, đội mũ cối, tay đeo đồng hồ trông rất oách. Anh Ngật bảo với tụi trẻ chăn bò: Ngày trước, tao ra bắc vào nam, từng lên biên giới buôn hàng, ăn cơm hớt thiên hạ đã nhiều nên chẳng ngán bố con thằng nào. Ở đất này, tao chấp hết... Trong mắt bọn trẻ chúng tôi, anh Ngật là người trải đời, đã từng đi đây đi đó nên hiểu nhiều biết rộng.
Những đêm trăng thanh gió mát, ngoài lực lượng gác nước túc trực trên đê, còn có mấy người già trong làng khó ngủ thường lững thững đi bộ ra bờ đê hóng gió, ngồi kể chuyện ngày xưa, nhìn trời mây, đoán thời tiết, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu.
Ngày bé, chúng tôi đi chăn bò thường vào trong điếm canh đê tránh mưa, tránh nắng, chơi tú lơ khơ. Chiều tà, khi mặt trời ngả dần về tây, gió mát thổi lồng lộng từ lòng sông lên bờ bãi, chúng tôi nô đùa, chạy nhảy, thả diều trên đê, dưới bãi bồi. Đến lúc đói, mấy đứa đi dọc cánh bãi tìm quả dưa dại mọc trong những bụi cỏ um tùm để ăn. Cỏ mật, cỏ gấu, cỏ may lên xanh tua tủa, đan cài vào nhau. Dòng sông Hồng nhiều lúc yên ả và nên thơ là thế, vậy mà vào mùa mưa lũ trở nên dữ dội. Từ tháng 7 đến tháng 9 là cao điểm mưa lũ. Những lần lũ sông lên, nước mênh mang bể sở. Dòng nước đục ngầu cuốn theo rác rưởi, cành cây, gà, lợn chết. Cóc, nhái, cào cào, châu chấu nhảy loạn xạ; giun, dế, kiến, mối bò lổn nhổn trên mái đê. Đứng trên điếm canh đê nhìn dòng nước hung dữ, cây cối, hoa màu ngập chìm trong nước mà xót xa bao nhiêu công sức, của cải chìm trong dòng nước. Mùa nước lên trùng với vụ thu hoạch đay, ngô, đỗ trồng ngoài bãi. Nước ngập, hoa màu không thu hoạch kịp sẽ thiệt hại, có khi mất trắng. Mỗi khi nghe đài báo lũ, mọi người nhanh tay giúp nhau thu hoạch nông sản, hoa màu chạy lũ. Người chặt đay, người bẻ ngô, người dỡ khoai. Chân lội bì bõm dưới nước, trên đầu nắng gắt, hơi nước phả lên rừng rực mặt. Đã thế, kiến, sâu róm, bọ nẹt chen nhau bám vào đầu tóc, quần áo, chui trong người đốt vào lưng, vào bụng vô cùng khó chịu. Đàn ông, đàn bà khẩn trương vác từng bó đay, bao ngô lên đê, rồi dùng xe bò cải tiến chở về nhà. Anh Ngật khỏe lắm, làm bằng ba, bốn người khác, một mình anh vác 3 bó đay to, đi lên dốc đê phăng phăng. Mấy anh khác khuân vác một lúc là nhọc, thở hồng hộc. Công việc nặng nhọc, vất vả dưới trời nóng bức, mồ hôi nhễ nhại nhưng ai cũng hăng hái, làm giúp nhau một cách vô tư, không nề hà, so đo thiệt hơn. Đến bữa, chỉ có cơm độn ngô, khoai, rau muống luộc, nhà nào khá giả mới có thịt lợn rang đậu. Vậy mà không khí vui vẻ, chan hòa, đầy ắp tình người...
Những chiều hè oi ả, bọn trẻ chúng tôi dắt bò đi chăn. Thường thì một đứa lùa cả đàn bò ra bãi bồi, ở đó cỏ tốt um, rậm rạp. Gần tối, bò ăn no mòng bụng, đủng đỉnh từ bãi bồi đi về. Người và bò thả mình xuống dòng nước mát, bơi qua sông để men theo triền đê về nhà. Con dốc thoai thoải từ điếm canh xuống bãi là điểm tập kết của đàn bò. Có hôm lũ lên nhanh, chúng tôi không lùa kịp đàn bò sang bên sông, có con bị nước cuốn, cả bọn sợ quá đi tìm, mãi đến tối mịt mới thấy.
Nước lũ qua đi để lại phù sa bồi đắp cho đồng bãi thêm màu mỡ, cây cối chỉ sau một thời gian lại tốt tươi. Điếm canh đê lại im lìm, đứng lặng lẽ. Nước rút, cá, tôm trong thùng vũng nhiều vô kể, nào là cá chép, cá nheo, cá ngạnh, cá vược, cá bống, tôm càng. Con nào con ấy tươi roi rói, béo vàng. Tát cạn thùng vũng, bắt một lúc là được đầy chậu. Tôm, cá bắt lên, đem về cửa điếm, mọi người chia nhau đem về. Hôm ấy, cả xóm chộn rộn, háo hức như mở hội, nhà ai cũng được bữa tươi.
Điếm canh đê qua bao năm tháng vẫn đứng đó như một người bạn thủy chung, một chứng nhân đã chứng kiến bao sự đổi thay, ghi dấu biết bao nhiêu kỷ niệm vui, buồn. Bây giờ, điếm canh đê được xây kiên cố, trang bị đầy đủ nhiều vật dụng, phương tiện phục vụ canh gác nước. Từ khi có các hồ thủy điện ở thượng nguồn, dưới hạ du lũ ít hơn nhưng vẫn không thể chủ quan với diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai, thời tiết. Như đợt tháng 9 năm ngoái do ảnh hưởng của bão Yagi gây mưa lớn, lũ sông Hồng dâng cao, nhấn chìm hàng nghìn héc-ta rau màu, hoa, cây cảnh ngoài bãi, làm thiệt hại không nhỏ đến sản xuất, đời sống người dân. Trước hiểm họa thiên tai luôn rình rập, điếm canh đê vẫn vững vàng đứng đó, góp phần phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại từ mưa lũ, bảo vệ an toàn tuyến đê, giữ gìn cuộc sống bình yên cho người dân.