Rừng già Đà Nẵng vào mùa săn ươi bay
Săn ươi bay (còn gọi trái đười ươi), là hành trình nhọc nhằn nhưng nhận được nhiều thành quả. Khi rừng già miền núi TP Đà Nẵng (Quảng Nam cũ) vào mùa, từng đợt người dân lại 'di cư' tạm thời vào rừng sâu chờ 'lộc trời' rơi xuống.
“Lộc trời” cứ 4 năm mới trở lại 1 lần
Từ giữa tháng 7/2025, những cánh rừng già vùng núi phía tây TP Đà Nẵng (thuộc địa phận các huyện Nam Giang, Thạch Mỹ, Phước Sơn, Nam Trà My, Quảng Nam cũ) rộn ràng vào mùa ươi bay. Cứ mỗi 4 năm, những cây ươi cổ thụ đồng loạt trổ trái, để người dân đếm từng cơn gió, từng đốm nâu đỏ trên những cây cổ thụ thẳng tắp giữa rừng xanh chờ mùa vàng rơi xuống từ trời.
Ngay từ rạng sáng, trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua các xã miền núi, hàng trăm xe máy chở đầy bao tải, nồi niêu, võng bạt nối đuôi nhau tiến về rừng sâu. Họ là những người dân vào rừng ăn ngủ lại dưới những tán cây cổ thụ chờ trái rụng.

Năm nay, giá ươi bay loại 1 có thời điểm lên đến 700.000 đồng/kg. (Ảnh trong bài: C.Huy)
“Rời rẫy tạm thôi để kiếm được ít ký ươi”, chị Hồ Thị Mít (37 tuổi, ngụ xã Phước Chánh) vừa nói, vừa cặm cụi lật tung lớp lá mục tìm trái ươi. Với giá dao động 500.000 - 700.000 đồng/kg, chỉ cần may mắn một ngày lượm được 3 - 4kg, coi như có thu nhập bằng làm rẫy cả tháng.
Chị Mít không đơn độc trong những chuyến săn ươi. Có khi cả làng cùng đi rừng, từ những thanh niên trai tráng đến phụ nữ, trẻ nhỏ. Có người đi theo nhóm, có người đi theo gia đình. Một số mang cả trẻ em theo, vừa để trông nom, vừa xem như “cho tụi nhỏ học nghề rừng”. Như nhóm chị Mít có 10 người, đi cả trăm cây số để vào được khu vực nhặt ươi. Mỗi chuyến 3 ngày, mỗi người có thể thu được gần 2 triệu đồng. Vất vả, nhưng ai cũng vui.
Tại khu vực rừng già giáp ranh giữa Thạnh Mỹ và Phước Chánh, hàng chục lán trại tạm mọc lên ven các lối mòn. Lán trại được dựng bằng bạt, ni lông, cột vào thân cây. Trong lán, bếp củi đỏ lửa, cơm lam, cá khô, rau rừng… phục vụ những người chờ nhặt trái ươi.

Tiếp cận được “lộc trời” không dễ. Cây ươi thường mọc sâu trong rừng già, trên những triền núi hiểm trở. Hành trình có khi kéo dài vài giờ đồng hồ, băng suối, trèo đèo, len lỏi qua những bụi rậm rạp. Càng vào sâu, càng yên tĩnh, người ta càng trông mong một cơn gió mạnh bất ngờ sẽ khiến trái ươi rơi rụng từng đợt, khoảnh khắc mà ai cũng mong chờ.
Việc tiếp cận được những cây ươi cổ thụ đã khó, nhưng để “giữ chỗ” nhặt lộc rừng mà không xảy ra xung đột; có những “luật bất thành văn” mà ai cũng phải tuân theo.
Vợ chồng anh Hồ Văn Hà (32 tuổi, ngụ xã Khâm Đức) cùng 4 con đã ở trong rừng hơn một tuần. Mỗi người được phân công một cây ươi. Họ đánh dấu cây từ trước, rồi luân phiên trông giữ. Ai đến sau sẽ đi cây khác, không có chuyện tranh giành. “Ai cũng biết, cũng tuân theo nguyên tắc này”, anh Hà nói.
“Bảo vệ cây ươi cũng chính là giữ miếng cơm của con cháu sau này”
Ươi hay còn gọi đười ươi, là một loại hạt quý, được ví như “yến sào của đại ngàn”. Vị của ươi ngọt thanh, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, nhuận tràng, hạ huyết áp… nên được ưa chuộng tại nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ. Ươi bay tức quả tự rụng từ cây có chất lượng cao nhất, được các thương lái săn đón tận rừng.
Chị Huỳnh Thị Tuyên - chủ một vựa thu mua ươi tiết lộ: “Năm nay, giá ươi bay loại 1 có lúc lên đến 700.000 đồng/kg. Hàng ít mà nhu cầu cao, chúng tôi chờ sẵn ở đầu rừng, gom hàng để đóng gói xuất khẩu. Mỗi mùa ươi chỉ kéo dài 1 - 2 tháng. Cả chu kỳ sinh trưởng của trái cần 4 năm. Do đó, giá trị kinh tế từ ươi bay không chỉ nằm ở mức giá, mà còn ở sự hiếm có và kỳ công”.
Ý thức giữ rừng cũng dần được nâng lên qua những mùa săn ươi. Người dân trước đây từng dùng rựa, cưa để chặt cành, đốn gốc cây ươi với ý định thu trái nhanh hơn. Nhưng rồi rừng bị tổn hại, cây chết dần và 4 năm sau không còn quả để nhặt. “Chặt cây hôm nay, mùa sau lấy gì mà sống? Bảo vệ cây ươi cũng chính là giữ miếng cơm của con cháu sau này”, người dân tự nói với nhau. Vì thế, theo anh Hà, bây giờ người ta chỉ nhặt quả rụng. Những đợt gió mạnh có thể làm trái rơi dày đặc, trải kín cả khoảng rừng. Người nhặt đi theo hướng gió, có khi phải chạy để bắt kịp từng trái quý giá.

Tất cả người dân vào rừng đều phải khai báo, không được mang theo rựa, cưa hay các vật dụng dễ gây hủy hoại cây rừng.
Từ khi mùa ươi bắt đầu, lực lượng kiểm lâm Phước Sơn và các trạm bảo vệ rừng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các điểm vào rừng. Tất cả người dân đều phải khai báo, không được mang theo rựa, cưa hay các vật dụng dễ gây hủy hoại cây rừng. Nếu phát hiện hành vi chặt phá, sẽ bị xử lý nghiêm.
“Chúng tôi đặt nhiều biển cảnh báo tại các tuyến rừng có ươi. Ngoài kiểm lâm, còn có lực lượng dân quân tự vệ, cán bộ xã luân phiên tuần tra”, ông Lê Quang Tính, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn nói.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và sự thay đổi nhận thức từ người dân mà theo ông Tính, thời gian qua đã từng bước những cánh rừng ươi được phục hồi. Người dân hiểu rằng giữ cây là giữ sinh kế, giữ ươi là giữ lấy hi vọng cho mai sau. Mỗi mùa ươi là một lần rừng cho con người sự hào phóng và khắt khe cùng lúc. “Người giữ rừng, rừng tặng quà cho người. Mỗi mùa ươi không chỉ mùa thu hoạch, còn là mùa nhắc nhở thiên nhiên chỉ trao quà cho những ai biết trân trọng, gìn giữ thiên nhiên”, ông Tính nói.