Điểm báo ngày 26/8: Phương án tăng thuế rượu, bia cần được tính toán nhiều chiều

Phương án tăng thuế rượu, bia cần được tính toán nhiều chiều; Lạm phát điểm chuẩn; Khó xác định hành vi đầu cơ trong đấu giá đất; Chênh lệch cán cân lao động trong và ngoài nước;...Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 26/8.

PHƯƠNG ÁN TĂNG THUẾ RƯỢU, BIA CẦN ĐƯỢC TÍNH TOÁN NHIỀU CHIỀU

Liên quan đến đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia, theo báo Kinh tế và đô thị, nguyên tắc chung khi xây dựng chính sách thuế là cần phân tích trên nhiều góc độ, cân bằng tổng thể lợi ích của nhiều bên.

Dự thảo luật thuế tiêu thụ đặc biệt do Bộ tài chính trình lên Chính Phủ. Trong đó, việc tăng thuế đối với đồ uống có cồn có 2 phương án. Cụ thể, đến năm 2030, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu trên 20 độ tăng lên mức 90 - 100%, còn dưới 20 độ ở mức 60 - 70%. Theo một số chuyên gia, Tăng thuế là tốt, nhưng ngược lại phải đặt ra câu hỏi, nếu như tăng thuế ngay bây giờ thì có đảm bảo được phát triển cho doanh nghiệp hay không? Điều này cần nghiên cứu thêm dựa trên các cơ sở nghiên cứu khoa học, mô hình kinh tế toàn diện. Các cơ quan cần cân nhắc về lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, tránh tạo ra những rủi ro từ “sốc” chính sách khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực.

LẠM PHÁT ĐIỂM CHUẨN

Hiếm có năm nào, điểm chuẩn khối C00 của hầu hết các trường đều tăng và tăng cao như năm nay. Thí sinh đạt 29 điểm vẫn có nguy cơ trượt nguyện vọng 1 vào nhiều ngành hot. Nguyên nhân của cuộc cạnh tranh căng thẳng này là gì?

Theo báo Đại đoàn kết, Thống kê chung, năm 2023 chỉ có 27 ngành học của các trường ĐH có điểm chuẩn từ 28 điểm trở lên nhưng năm nay có tới 117 ngành/chuyên ngành đạt mức này, tăng hơn 4 lần. Trong đó, chỉ có một số ít ngành/chuyên ngành có mức điểm cao thuộc các tổ hợp xét tuyển khác như A00, D01... còn lại phần lớn là tổ hợp C00. Theo các chuyên gia, điểm tuyệt đối ở môn lịch sử và địa lý năm nay tăng cao so với mọi năm nhưng là môn trắc nghiệm nên cũng có thể lý giải. Song ở môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, việc gia tăng mạnh số điểm từ 9 trở lên ở môn thi này đặt ra câu hỏi về mức độ phân hóa của đề thi đã phù hợp hay chưa?

KHÓ XÁC ĐỊNH HÀNH VI ĐẦU CƠ TRONG ĐẤU GIÁ ĐẤT

Theo Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, rất khó xác định hành vi thổi giá, đầu cơ đất nền đấu giá dù người mua bỏ cọc hay không. Quan điểm này được đưa ra sau các phiên đấu giá đất nền ở hai huyện Thanh Oai, Hoài Đức gây xôn xao thị trường vài tuần qua.

Theo bài viết trên báo điện tử Vnxpress, Giá lô đất tại vùng ven, hạ tầng, tiện ích không nổi bật lại có giá hơn 100 triệu đồng một m2 - bằng đất nền tại các khu đô thị, khu vực đông dân cư - là bất bình thường, có thể xuất phát từ động cơ không lành mạnh. Tuy nhiên, theo Hội môi giới Bất động sản, ngay cả khi nhà đầu tư bỏ cọc, vẫn khó có thể xác định và xử lý hành vi đầu cơ, thổi giá. Việc này cũng giống với diễn biến của tình trạng sốt giá chung cư ở Hà Nội thời gian qua. Đơn vị này lập luận, quyền xác định giá bán là của chủ sở hữu tài sản, các bên tham gia giao dịch theo nguyên tắc thuận mua vừa bán. Họ hoàn toàn có thể bỏ cọc mà không cần chứng minh. Và việc họ đẩy giá khi bất kỳ hàng hóa nào khan hiếm trên thị trường là điều không thể tránh khỏi.

CHÊNH LỆCH CÁN CÂN LAO ĐỘNG TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC

Trong bối cảnh thị trường lao động trong nước đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt cục bộ, số lượng lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài lại gia tăng. Điều này đặt ra hai câu hỏi quan trọng: liệu có cần quản lý tình trạng này, và nếu có thì nên kiểm soát ra sao? Đây là vấn đề đang được nhiều chuyên gia quan tâm.

Theo bài viết trên báo Nông thôn ngày nay, trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là khoảng 65.800 người. Đại diện Cục việc làm, Bộ Lao động Thương binh và xã hội cho rằng, Hiện tại, bắt đầu xuất hiện tình trạng khan hiếm lao động phổ thông, khiến các doanh nghiệp gặp khó khi tuyển dụng. Nguyên nhân một phần là do các doanh nghiệp chủ động sắp xếp lại tổ chức, sa thải lao động lớn tuổi, phần khác là do lao động thấy thu nhập ở các khu công nghiệp thấp không đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt nên chủ động nghỉ việc tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn. Để cân đối được cán cân lao động trong và ngoài nước, các doanh nghiệp cần có chính sách thu hút tốt hơn với lao động xét cả góc độ tiền lương, phúc lợi và môi trường làm việc.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/diem-bao-ngay-26-8-phuong-an-tang-thue-ruou-bia-can-duoc-tinh-toan-nhieu-chieu-233751.htm
Zalo