Điểm báo 4/12: Làm gì để thị trường hóa hoàn toàn giá bán xăng dầu?

Tăng trưởng giá bất động sản Việt Nam đạt mức 59% sau 5 năm; Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu; Kinh tế tuần hoàn: Áp lực và cơ hội với ngành dệt may; Làm gì để thị trường hóa hoàn toàn giá bán xăng dầu?;... là những tin tức đáng chú ý có trong điểm báo sáng 4/12.

TĂNG TRƯỞNG GIÁ BẤT ĐỘNG SẢN VIỆT NAM ĐẠT MỨC 59% SAU 5 NĂM

Năm 2024, ghi nhận mức quan tâm lớn đến các vấn đề về giá bán và khó khăn khi sở hữu bất động sản. Theo Thời báo Tài chính Việt Nam, giá bán bất động sản Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng so với thế giới.

Kinh tế, quản lý và xã hội là 3 yếu tố chính tác động đến giá bất động sản. Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế đầu người, lạm phát mạnh mẽ. Đồng thời, môi trường lãi suất và hiệu quả đầu tư các kênh trong nước đều củng cố nhu cầu mua bất động sản của người tiêu dùng. Với lượng tiền tích trữ, người Việt Nam có một số kênh đầu tư chính như thị trường tài chính, bất động sản, vàng, ngoại tệ và gửi tiết kiệm. Đáng chú ý, bất động sản được đánh giá là kênh đầu tư có lợi với lãisuất tốt nhất tại Việt Nam trong 10 năm qua với tỷ suất lợi nhuận của loại hình chung cư đạt 197% và đất nền đạt 137% vào quý IV/2024 so với quý I/2015.

THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ XUYÊN BIÊN GIỚI: CƠ HỘI MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU

Thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng phát triển và được coi là hướng đi hữu hiệu cho doanh nghiệp để thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, với sự bứt tốc mạnh mẽ của loại hình này, các doanh nghiệp cần phải đầu tư mạnh mẽ, nỗ lực thích ứng để có thể tận dụng cơ hội bứt phá. Bài viết trên báo Đại đoàn kết.

Thương mại điện tử đang là xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Với Việt Nam, TMĐT cũng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tăng trưởng TMĐT của Việt Nam hiện đang đứng “top” đầu thế giới và Đông Nam Á. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng bước vào cuộc chơi toàn cầu nhưng bên cạnh đó Một số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận, triển khai ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, như hạn chế về kiến thức và kỹ năng số; năng lực cạnh tranh chưa cao; gặp các vấn đề khó khăn liên quan đến rào cản pháp lý, thuế quan, logistics, thanh toán…Theo một số chuyên gia, doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng Việt nên tham gia sàn thương mại điện tử uy tín, đồng thời, cần đầu tư cho thương hiệu sản phẩm, tìm đối tác bản địa để hỗ trợ logistic.

LÀM GÌ ĐỂ THỊ TRƯỜNG HÓA HOÀN TOÀN GIÁ BÁN XĂNG DẦU?

Bộ Công Thương vừa thông tin về lộ trình thị trường hóa hoàn toàn giá bán xăng dầu được quy định trong dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu mới nhất.

Theo bài viết trên báo Lao động, để hướng tới lộ trình thị trường hóa hoàn toàn đối với giá bán xăng dầu trong nước trong tương lai, dự thảo lần thứ 4 Nghị định kinh doanh xăng dầu dự kiến, chỉ công bố giá sản phẩm xăng dầu thế giới đối với hai mặt hàng xăng, dầu diesel tiêu dùng phổ biến trên thị trường. Các thương nhân công bố giá xăng dầu phải thực hiện kê khai giá theo quy định, trường hợp tăng giá bất hợp lý sẽ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xử lý". Bộ Công Thương nhấn mạnh, đây là nội dung mới của dự thảo nghị định, là bước thí điểm, thăm dò thị trường để từng bước áp dụng giá xăng dầu hoàn toàn theo cơ chế thị trường.

KINH TẾ TUẦN HOÀN: ÁP LỰC VÀ CƠ HỘI VỚI NGÀNH DỆT MAY

Kinh tế tuần hoàn và sản xuất xanh vừa là thách thức và đồng thời cũng là cơ hội để doanh nghiệp phát triển, hội nhập với thế giới và đáp ứng các yêu cầu của thị trường hiện nay. Trên báo Kinh tế và đô thị có bài viết về nội dung này.

Theo bài viết, Khi đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, doanh nghiệp đôi khi phải thay đổi cả công nghệ, quy trình sản xuất, đầu tư thêm rất nhiều trang thiết bị hiện đại, chi phí tốn kém cho quy trình sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn. Đấy là khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các quy định mới khắt khe hơn cũng là một cơ hội để các doanh nghiệp tự soi mình thời gian qua và để định hướng cho sự phát triển trong tương lai. Doanh nghiệp nào làm được tốt những quy trình, hoặc những giải pháp kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp đấy sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn. Đấy là những hiệu quả chính cho doanh nghiệp và sau đó cho xã hội, bớt đi gánh nặng về xử lý những vấn đề môi trường cho trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/diem-bao-4-12-lam-gi-de-thi-truong-hoa-hoan-toan-gia-ban-xang-dau-245098.htm
Zalo