Điểm báo 15/7: Đưa làng nghề trở thành điểm nhấn phát triển công nghiệp văn hó

Đưa làng nghề trở thành điểm nhấn phát triển công nghiệp văn hóa; Quản chặt sàn giao dịch bất động sản điện tử; Chuyển nhà tái định cư sang nhà ở xã hội là cấp thiết nhưng còn nhiều nút thắt; Doanh nghiệp cần hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm khi tham gia vào chuỗi cung ứng;...Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 15/7.

ĐƯA LÀNG NGHỀ TRỞ THÀNH ĐIỂM NHẤN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA (KINH TẾ ĐÔ THỊ)

Không chỉ có ý nghĩa lớn trên khía cạnh kinh tế - xã hội, làng nghề còn đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa. Đưa làng nghề trở thành điểm nhấn thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp văn hóa là bài toán đặt ra đối với Hà Nội. Bài viết đáng chú ý trên báo Kinh tế và đô thị.

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 5.400 làng nghề, làng có nghề. Trong đó, riêng tại Hà Nội, con số này vào khoảng 1.350 làng nghề, làng có nghề, chiếm khoảng 25% tổng số làng nghề của cả nước. Mỗi làng nghề của Hà Nội đều mang một bản sắc, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt là mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao, giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Không chỉ vậy, các làng nghề truyền thống của Hà Nội ngày càng có sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những nghệ nhân, thợ lành nghề. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong định hướng phát triển các làng nghề trong bối cảnh hiện nay.

QUẢN CHẶT SÀN GIAO DỊCH BẤT ĐỘNG SẢN ĐIỆN TỬ (ĐẠI ĐOÀN KẾT)

Thời 4.0 khiến các ứng dụng công nghệ trở thành một xu hướng được người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ trong lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng hàng ngày mà thị trường bất động sản cũng ứng dụng công nghệ. Dù mang lại sự thuận tiện, chuyên nghiệp nhưng việc giao dịch bất động sản trực tuyến cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh mạng, an toàn thông tin...

Theo bài viết trên báo Đại đoàn kết, sự xuất hiện, phát triển mạnh mẽ của công nghệ mới đã tác động đáng kể đến hoạt động của thị trường bất động sản. Các trải nghiệm mua sắm, mua nhà đã được số hóa, rút ngắn thời gian và chi phí giao dịch, tăng thanh khoản tài sản bất động sản. Tuy nhiên. Việc hiện nay đang nở rộ các app công nghệ về bất động sản cũng khiến nhiều doanh nghiệp “đau đầu” trong vấn đề quản lý nhân sự môi giới, chăm sóc - tư vấn khách hàng… Do vậy, cần có cơ chế rõ ràng về phát triển công nghệ, có quy định về xử lý thông tin, mã hóa bất động sản để theo dõi biến động thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, nhận thức trong chiến lược kinh doanh, ưu tiên phát triển công nghệ, bảo đảm tính công khai và minh bạch.

CHUYỂN NHÀ TÁI ĐỊNH CƯ SANG NHÀ Ở XÃ HỘI LÀ CẤP THIẾT NHƯNG CÒN NHIỀU NÚT THẮT (LAO ĐỘNG)

Mặc dù việc chuyển đổi quỹ nhà tái định cư bỏ hoang sang nhà ở xã hội là rất hợp lý và cấp thiết nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. Trên báo Lao động có bài viết về vấn đề này.

Có 3 vướng mắc mang tính “nút thắt” trong quá trình chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội liên quan đến quy trình pháp lý khi chuyển đổi; tâm lý của các bên và yếu tố quan trọng nữa là việc định giá tài sản công. Theo đó, hiện nay, hành lang pháp lý điều chỉnh đối với việc định giá tài sản công với quỹ nhà tái định cư chuyển đổi chưa thật sự rõ ràng. Mặt khác, việc xác định giá đất hay giá trị tài sản công luôn là một trong những lĩnh vực "nhạy cảm" vì dễ bị quy liên quan đến thất thoát tài sản nhà nước. Ngoài ra, trong khi nhà tái định cư và nhà ở xã hội là hai đối tượng khác nhau nên việc “hoán đổi” tính chất hai loại hình sản phẩm này phải có quy định hướng dẫn cụ thể - thứ mà chúng ta đang thiếu.

DOANH NGHIỆP CẦN HỖ TRỢ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM KHI THAM GIA VÀO CHUỖI CUNG ỨNG (VOV)

Theo các chuyên gia kinh tế, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cần có sự đổi mới trong cách tiếp cận về hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng trọng tâm, trọng điểm hơn nhằm đạt được các mục tiêu.

Theo bài viết trên báo điện tử VOV, vấn đề chính với các Doanh nghiệp nhỏ và vừa là thiếu kỹ năng quản lý, ít đổi mới công nghệ, khả năng tiếp cận tài chính còn rất nhiều hạn chế. Trong khi đó, việc kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước còn hết sức mờ nhạt… đây là những hạn chế của doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi cung ứng của thế giới. Theo một số chuyên gia, để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cần đổi mới cách tiếp cận về cải cách thể chế và chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp… Việc gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc nhiều vào nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp. Nhưng những nỗ lực đó sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn nếu như các điều kiện về thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh và quy định pháp luật không tạo ra vướng mắc…

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-15-7-dua-lang-nghe-tro-thanh-diem-nhan-phat-trien-cong-nghiep-van-ho-228938.htm
Zalo