Điểm bán hàng Việt Nam: Tạo niềm tin, lan tỏa hiệu ứng hàng Việt

Mô hình “Điểm bán hàng Việt Nam” với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” được tỉnh Phú Yên triển khai từ năm 2015 từ nguồn kinh phí Trung ương và địa phương. Tính đến thời điểm này, Phú Yên đã có gần 70 Điểm bán được hình thành. Trong đó, có 10 Điểm bán được mở mới tại TX Đông Hòa, các huyện Phú Hòa, Đồng Xuân, Tuy An từ đầu năm 2024 đến nay.

Ông Nguyễn Hải Triều - Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Yên - để xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định, đơn vị đã phối hợp với các địa phương khảo sát nguồn hàng, quy mô cơ sở, cửa hàng…; nếu đảm bảo các tiêu chí thì mới được hỗ trợ hình thành điểm bán. Do đó, khi đã được gắn biển Điểm bán hàng Việt Nam, Sở Công Thương yêu cầu các điểm bán tuân thủ quy định về nhãn mác, hóa đơn chứng từ; lựa chọn hàng Việt chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ; bán hàng có niêm yết giá; tránh trường hợp bán hàng giả, kém chất lượng… Sở Công Thương cũng đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn theo dõi, thường xuyên kiểm tra, giám sát để các điểm bán thực sự trở thành địa chỉ tin cậy, gắn kết hàng Việt Nam với người tiêu dùng.

Là xã có các Điểm bán hàng Việt Nam cố định, ông Hồ Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh (tỉnh Phú Yên) – cho hay, do các cửa hàng tiện lợi được hỗ trợ gắn biển Điểm bán hàng Việt Nam tại những vị trí thuận lợi cho việc đi lại, mua sắm hàng hóa của người dân. Bên cạnh đó, địa phương luôn vận động chủ các Điểm bán hàng chú trọng cung cấp hàng hóa có chất lượng tốt để tạo niềm tin với người tiêu dùng. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng, hội đoàn thể tăng cường quảng bá hàng Việt Nam, tuyên truyền, vận động người dân sử dụng hàng Việt Nam. Công tác này góp phần chuyển biến nhận thức, thói quen, nhu cầu sử dụng hàng Việt của người dân.

Theo một chủ cửa hàng tại thôn Lãnh Vân, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), nếu trước đây, cửa hàng có khoảng 80% hàng Việt Nam, nay số lượng hàng Việt Nam trưng bày tại cửa hàng đã tăng lên 95% với gần 1.000 mặt hàng các loại. Hàng hóa đều được nhập từ các công ty sản xuất trong nước, có hóa đơn chứng từ, nhãn mác đầy đủ.

Cuối tháng 9/2024, 3 Điểm bán hàng với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam tại các xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch), Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ) và thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) tỉnh Đồng Nai đã được khai trương.

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Đồng Nai), tính đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 37 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam Nam. Các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam do Sở Công Thương phối hợp với các địa phương triển khai gắn liền với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn, góp phần đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

Đồng thời, góp phần phát triển hệ thống phân phối, xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng nhằm nâng cao sức mua, bình ổn thị trường và cải thiện đời sống của nhân dân tại các địa phương trong tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Lĩnh - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai - cho biết, thời gian qua, các Điểm bán hàng Việt Nam ngày càng có sự chuẩn bị, đầu tư về nguồn hàng hóa phong phú, đa dạng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ. Hàng năm, trên cơ sở các cửa hàng mà các địa phương đề xuất, giới thiệu, đơn vị sẽ đánh giá, lựa chọn để phát triển tối thiểu thêm 3 Điểm bán hàng Việt Nam, trong đó ưu tiên phát triển ở những địa phương vùng xa.

Có thể thấy, nhằm hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhiều địa phương đã có nhiều hỗ trợ, nhằm phát triển hệ thống Điểm bán hàng bền vững “Tự hào hàng Việt”.

Trước đó, trong tháng 10/2023, Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ xây dựng 1 điểm bán hàng Việt Nam tại xã Chiêu Yên (Yên Sơn). Điểm bán hàng Việt Nam được đặt tại cửa hàng tạp hóa Nam Thảo, thôn Vàng Lè, xã Chiêu Yên (Yên Sơn), nhằm tạo điều kiện để bà con vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận với các mặt hàng sản xuất trong nước với giá bán cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa tại chỗ cho người dân. Qua đó giúp nâng cao kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, tạo thói quen ưu tiên dùng hàng Việt Nam cho bà con nơi đây.

Còn tại tỉnh Lạng Sơn, Điểm bán hàng Việt Nam của Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Thiên Phú (địa chỉ 472 đường Bà Triệu, phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn) cũng được Sở Công Thương lựa chọn thực hiện theo nhóm chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững thuộc danh mục của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tương tự, tại tỉnh Phú Thọ, Sở Công Thương và huyện Thanh Thủy đã khảo sát, xây dựng thành công Điểm bán hàng Việt Nam tại hộ kinh doanh Trần Thị Hậu, ở khu Phố, thị trấn Thanh Thủy. Qua ghi nhận cho thấy, điểm bán hàng có quy mô rộng rãi, hàng hóa phong phú có chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Giá sản phẩm được niêm yết công khai và bán đúng giá niêm yết.

Ngoài ra, các địa phương như Nam Định, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Đồng, Hà Nam đều có hàng chục Điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam”. Hầu hết, các cửa hàng này đang kinh doanh các sản phẩm đặc sản tại địa phương kết hợp với du lịch.

Là một trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh được lựa chọn để xây dựng “Điểm bán hàng Việt Nam”, đến nay, siêu thị Lan Chi Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) vẫn duy trì hiệu quả mô hình với khoảng 1.000 sản phẩm Việt được bày bán thường xuyên. Đại diện Siêu thị này cho biết, thời gian đầu khi mới xây dựng mô hình, siêu thị bố trí nhân viên thường xuyên túc trực tại điểm bán hàng Việt để giới thiệu những sản phẩm Việt được ưa chuộng tới khách hàng. Thông qua đó, siêu thị nhận được ý kiến đánh giá, phản hồi của khách hàng đối với mẫu mã, chất lượng của sản phẩm.

Trên cơ sở đó, siêu thị đã trao đổi, đóng góp ý kiến với nhà cung cấp để từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Sau nhiều năm xây dựng, “Điểm bán hàng Việt Nam” đã trở thành gian hàng quen thuộc và yêu thích của nhiều khách hàng. Nếu như trong những năm đầu hoạt động, hàng Việt Nam chỉ chiếm thị phần chưa tới 50% thì thời điểm này, hàng Việt đã chiếm khoảng 90% tổng số hàng hóa bày bán trong siêu thị.

Theo báo cáo của các Sở Công Thương, tất cả các điểm bán hàng Việt Nam đều đã tăng doanh thu lên 10 - 15% sau khi được hỗ trợ. Sự ra đời của Điểm bán hàng Việt Nam đã góp phần khắc phục được tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn bày bán trên thị trường nhất là ở các khu vực nông thôn, giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt hàng hóa và tạo được niềm tin, sự yên tâm khi mua sắm. Từ đó tạo hiệu ứng tích cực, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (theo Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ), nhiều điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” đã được thiết lập tại khu vực có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, hàng hóa chủ yếu phục vụ cho công nhân và người lao động tại các địa phương trên cả nước. Sau thời gian dài thực hiện, Bộ Công Thương đã xây dựng được hàng trăm Điểm bán hàng tại các địa phương trên cả nước, trong đó rất nhiều điểm bán được đặt gần các khu công nghiệp với hàng chục ngàn công nhân.

Theo Bộ Công Thương, xuất phát từ ý tưởng được gợi ý trong quá trình thực hiện Đề án, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam đã chủ động phối hợp với các đơn vị sản xuất có đông công nhân để đưa hàng hóa của mình vào tận nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ kịp thời cho nhu cầu sinh hoạt của đội ngũ công nhân, người lao động.

Một số Điểm bán hàng Việt Nam đã được triển khai tại khu vực các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các địa phương như Hà Nam, Hưng Yên, Đắk Nông, Đồng Nai, Bến Tre... và đã gặt hái được nhiều thành công.

Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 với trọng tâm là tổ chức các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, trong đó, đặt mục tiêu trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam biết đến Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”; Trên 90% doanh nghiệp biết đến Phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và trên 70% doanh nghiệp tham gia Phong trào này; 100% các tỉnh, thành phố nhân rộng được mô hình Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”;…

Theo hướng dẫn của Bộ Công Thương, Điểm bán hàng Việt Nam được chọn xây dựng phải đáp ứng đủ các tiêu chí: diện tích cửa hàng tối thiểu phải đạt 60m2 trở lên; hàng hóa được trưng bày theo kiểu cửa hàng tiện ích, phân theo từng loại hàng, nhóm hàng đảm bảo các yêu cầu về thuận tiện, văn minh, có biển hiệu. Hàng hóa kinh doanh trong điểm bán hàng phải là 100% hàng hóa được sản xuất trong nước, đảm bảo đúng, đầy đủ điều kiện đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương cho rằng, mô hình “Điểm bán hàng Việt Nam” hỗ trợ sản lượng tiêu thụ hàng hóa, doanh thu của doanh nghiệp tăng đáng kể, người dân nhận diện và biết đến nhiều hơn các hàng hóa do Việt Nam sản xuất, đồng thời tạo cơ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm do Việt Nam sản xuất đến người tiêu dùng trong và ngoài địa phương.

Điểm bán hàng Việt Nam được đưa vào khai thác đã khắc phục những hạn chế của hệ thống phân phối hàng Việt trước đây khi chưa được quan tâm đúng mức, thiếu tính bền vững; người tiêu dùng chưa thể phân biệt được giữa hàng Việt chất lượng tốt với hàng hóa gắn mác Việt bán trôi nổi trên thị trường.

Phát huy hiệu quả của mô hình “Điểm bán hàng Việt Nam”, Sở Công Thương các địa phương cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, lựa chọn xây dựng thêm nhiều điểm bán hàng Việt tại các địa phương trong tỉnh, nhất là ở khu vực nông thôn, nhằm giúp người dân được mua sắm hàng Việt bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại nội địa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Qua đó, kích cầu tiêu dùng, phát triển hệ thống phân phối hàng Việt; tạo dựng hình ảnh, uy tín và lòng tin của người tiêu dùng với hàng hóa sản xuất trong nước.

Nguyễn Hạnh

Đồ họa: Hồng Thịnh

Nguyễn Hạnh - Hồng Thịnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/diem-ban-hang-viet-nam-tao-niem-tin-lan-toa-hieu-ung-hang-viet-357918.html
Zalo