Dịch vụ 'chửi sếp' gây bão TikTok
Nhân viên bất mãn với sếp có thể gửi lời phàn nàn đến 'công ty' của Agent Ratliff (Mỹ). Sau đó, người này sẽ đích thân đến gặp lãnh đạo đó và đọc to lời chê trách.
Mạng xã hội đang xôn xao về dịch vụ "chửi thuê" mang tên "Cuss Your Boss Out" do "CEO" Calimar White, hay còn gọi là Agent Ratliff, sáng lập.
Thông qua công ty Occupational Cares Diversity Affairs (OCDA), Ratliff mang đến cho người lao động một giải pháp để giải tỏa những bức xúc với cấp trên.
Với phương châm "Mọi điều bạn muốn nói với sếp nhưng không dám nói, hãy liên hệ với chúng tôi", OCDA cho phép người dùng gửi đơn khiếu nại ẩn danh qua trang web chính thức, theo Fast Company.
Sau đó, Agent Ratliff cùng cộng sự sẽ đích thân đến nơi làm việc của người sếp bị "tố cáo" và "nói tất cả những điều bạn muốn chúng tôi nói, từng chữ một".
Ngày 1/11, video ghi lại cảnh Ratliff "chửi thuê" đã lan truyền chóng mặt trên TikTok, thu hút hơn 6 triệu lượt xem và gần 600 nghìn lượt thích. Trong video, Ratliff không ngần ngại đọc to lời phàn nàn của một người dùng ẩn danh về vị sếp có mùi cơ thể khó chịu.
"Ông ta đến chỗ làm mỗi ngày với cùng một chiếc áo sơ mi kẻ caro xám và áo lót xám, bốc mùi kinh khủng", Ratliff đọc lời phàn nàn. Anh thậm chí còn "thêm mắm dặm muối" cho câu chuyện thêm thú vị.
Không dừng lại ở đó, Ratliff tiếp tục liệt kê những "tội trạng" nghiêm trọng hơn của vị sếp này, chẳng hạn như thói quen tăng chỉ tiêu doanh số vào những ngày cuối tháng để tránh trả thưởng cho nhân viên, hay việc xem thường ngày lễ Juneteenth (ngày kỷ niệm chấm dứt chế độ nô lệ ở Mỹ) là "không phải ngày lễ thực sự".
Trước những lời "tố cáo" thẳng thừng, vị sếp luống cuống yêu cầu Ratliff rời đi, thậm chí dọa sẽ gọi cảnh sát. Tuy nhiên, Ratliff không hề nao núng.
"Những lời phàn nàn này hoàn toàn là sự thật, bởi vì khi tôi viết ra, chúng sẽ trở thành sự thật", anh đáp trả.
Doanh nghiệp của Ratliff, Occupational Cares Diversity Affairs (OCDA), ra đời với mục đích đối đầu với những ông sếp và giám sát viên tồi tệ.
Sự việc càng trở nên thú vị hơn khi người xem phát hiện ra OCDA thực chất chỉ là "sân khấu" của White, một diễn viên hài độc thoại. Những màn "chửi sếp" đầy tục tĩu này hoàn toàn miễn phí và chỉ nhằm mục đích mua vui, "câu view", cho phép nhân viên được sống trong giấc mơ thấy sếp của mình bị "bóc phốt" trước mặt đồng nghiệp.
"Thực sự thì tôi cần anh chàng này ở chỗ làm của mình", một người dùng bình luận sau khi xem video Ratliff hùng hổ bước vào một cửa hàng, tay cầm bảng kẹp, yêu cầu gặp "ông Lee".
"Ở đây ghi rõ là mấy người cần phải hạ mình xuống vì mấy người chẳng biết cái quái gì cả", Ratliff không do dự, trút ra những lời phàn nàn. Sau đó, anh liệt kê một loạt "tội trạng" khiến những người quản lý ngơ ngác lắng nghe trong im lặng trước khi mọi thứ nhanh chóng leo thang.
Mặc dù chỉ là diễn xuất, OCDA được Ratliff xây dựng một cách chuyên nghiệp đến mức khiến nhiều người lầm tưởng.
Trang web của OCDA còn đăng tuyên bố: "Chúng tôi là một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giải quyết các khiếu nại để tạo ra môi trường làm việc tốt hơn".
Có ý kiến cho rằng nếu Ratliff thực sự kinh doanh dịch vụ "chửi thuê" này, anh sẽ kiếm bộn tiền từ các công ty Mỹ.