Dịch sốt xuất huyết hoành hành tại châu Mỹ do biến đổi khí hậu

Mưa như trút nước, nắng như đổ lửa, những biểu hiện rõ nét của biến đổi khí hậu, đồng thời là 'tín hiệu' báo động về sự gia tăng của muỗi. Loài côn trùng nhỏ bé này khi kết hợp với thời tiết khắc nghiệt đã trở thành một 'vũ khí sinh học' nguy hiểm.

Muỗi Aedes aegypti cực độc. Ảnh: Joao Paulo Burini

Muỗi Aedes aegypti cực độc. Ảnh: Joao Paulo Burini

Ngày 18/8, vùng Đông Bắc Mỹ như chìm trong cơn thịnh nộ của thiên nhiên khi hàng loạt cơn bão ập đến. Những trận mưa như trút nước đã biến nhiều khu vực ở New York và một tiểu bang của Mỹ nằm ở phía Nam New England là Connecticut thành những "thành phố nước" mênh mông.

Đặc biệt tại Oxford đã diễn ra trận mưa kỷ lục lên tới 38 cm trong vòng vỏn vẹn 24 giờ đã gây ra những trận lũ quét diện rộng. Con số này được cơ quan khí tượng xác nhận sẽ phá vỡ kỷ lục lượng mưa trong một ngày của tiểu bang trong suốt 69 năm qua, kể từ khi cơn bão Diane tàn phá tại đây vào năm 1955.

Hàng triệu người dân ở Texas và vùng Tây Nam Mỹ đang phải đối mặt với "lò nung" khổng lồ khi nhiệt độ tăng vọt lên mức kỷ lục. Tại Phoenix, cái nóng khắc nghiệt kéo dài dai dẳng khiến nhu cầu sử dụng điều hòa tăng đột biến và gây áp lực lớn lên hệ thống điện.

Các chuyên gia nhận định thế giới đang phải đối mặt với một mối đe dọa kép: biến đổi khí hậu và sự gia tăng của các bệnh truyền nhiễm do muỗi gây ra. Nếu không có những biện pháp ứng phó kịp thời, tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

Trong môi trường ẩm ướt, muỗi cái tìm thấy những vũng nước đọng để đẻ trứng. Những quả trứng bé nhỏ này nhanh chóng nở thành ấu trùng và phát triển thành muỗi trưởng thành trong điều kiện nhiệt độ cao.

Bên cạnh những vết ngứa khó chịu, muỗi có khả năng truyền nhiễm nhiều loại virus nguy hiểm như dengue, Zika, sốt vàng da. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân mà còn đặt ra những thách thức lớn cho hệ thống y tế.

Năm 2024, đại dịch sốt xuất huyết đã gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho hệ thống y tế và kinh tế của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước ở Châu Mỹ khi phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 94% tổng số ca bệnh. Con số này đã vượt xa kỷ lục trước đó và cho thấy sự bùng phát của dịch bệnh đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Con số hơn 11 triệu ca bệnh là minh chứng cho sức tàn phá khủng khiếp của dịch bệnh này.

Tổ chức Y tế Thế giới đã chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự bùng phát dịch sốt xuất huyết trên diện rộng. Hiện tượng El Ninõ, với những trận mưa lớn và hạn hán cực đoan, đã tạo ra điều kiện lý tưởng cho muỗi Aedes aegypti sinh sôi nảy nở.

Bên cạnh đó, đô thị hóa và sự gia tăng dân số cũng góp phần làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Nghiên cứu cho thấy nhiệt độ tăng cao do biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng khả năng lây truyền sốt xuất huyết lên đến 18% ở một số khu vực. Điều này đồng nghĩa với việc khí hậu càng nóng lên, nguy cơ dịch bệnh bùng phát càng lớn.

Theo số liệu thống kê mới nhất, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết ở châu Mỹ đã tăng đột biến trong năm nay, với mức tăng 235% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ trong một tuần đầu tiên của tháng 8, đã có hơn 52.000 ca bệnh mới được ghi nhận, cho thấy dịch bệnh đang bật những tín hiệu báo động đỏ khẩn cấp.

Trong khi muỗi dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động của thời tiết, ve lại thể hiện khả năng thích nghi đáng kinh ngạc. Tuổi thọ dài hơn cho phép ve vượt qua những điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khi mùa Đông có xu hướng ấm lên càng tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh sôi nảy nở của chúng. Đặc biệt, ve hươu, loài mang mầm bệnh Lyme đang dần mở rộng lãnh thổ về phía Bắc, đe dọa sức khỏe của nhiều người hơn.

Muốn tránh xa những "vị khách không mời" như muỗi và ve, chuyên gia kêu gọi tạo ra một "lớp rào" bảo vệ. Đặc biệt, sử dụng thuốc chống côn trùng, mặc quần áo dài tay, và loại bỏ "ổ" sinh sản của muỗi là những cách hiệu quả để phòng chống bệnh xuất huyết.

Vũ Thủy Tiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dich-sot-xuat-huyet-hoanh-hanh-tai-chau-my-do-bien-doi-khi-hau.html
Zalo