Dịch sởi giảm nhẹ nhưng số mắc vẫn còn cao
Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 191 trường hợp mắc sởi, giảm nhẹ so với tuần trước đó.

Tiêm vaccine sởi cho trẻ, phòng dịch lây lan. Ảnh: TTXVN
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội), trong tuần qua (từ ngày 25/4 đến ngày 1/5), toàn thành phố ghi nhận 191 trường hợp mắc sởi, tại 30 quận, huyện, thị xã. Số ca mắc trong tuần qua đã giảm 7 trường hợp so với tuần trước đó (tuần trước đó là 198 ca); không có ca tử vong.
Một số đơn vị ghi nhận nhiều ca bệnh như: Nam Từ Liêm (29 ca); Hoàng Mai (23 ca); Hà Đông (18 ca); Đống Đa (14ca); Ba Vì (12 ca); Thường Tín (11 ca).
Cộng dồn từ đầu năm 2025 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 2.265 trường hợp mắc sởi tại 30/30 quận, huyện, thị xã; trong đó có 1 ca tử vong.
Trong số các bệnh nhân sởi có 12,5% số ca mắc là trẻ dưới 6 tháng; 13,8% là trẻ từ 6-8 tháng tuổi; 9% trẻ từ 9 - 11 tháng; 21,4% trẻ từ 1 - 5 tuổi; 13,9% trẻ từ 6 - 10 tuổi, 13,6% ca ở độ tuôỉ11-15 tuổi; 15,9% là người trên 16 tuổi.
Đại diện CDC Hà Nội nhận định: Dịch sởi đang có xu hướng chững lại và giảm nhẹ, các ca mắc ghi nhận chủ yếu ở người chưa được tiêm chủng, hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ. Dịch đang có xu hướng tăng ở nhóm người trên 10 tuổi. Dự báo Hà Nội sẽ còn tiếp tục ghi nhận ca bệnh trong thời gian tới.
Thời gian tới, các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát và tổ chức tiêm chủng cho trẻ em từ 6 tháng đến 10 tuổi; khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm chủng cho học sinh từ 11-15 tuổi tại các xã phường nguy cơ cao hoặc rất cao chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh sởi theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Đồng thời, ngành Y tế tăng cường phối hợp với ngành Giáo dục trong công tác giám sát, phòng chống, xử lý các ca bệnh, ổ dịch bệnh sởi, tay chân miệng... trong trường học; phối hợp triển khai công tác tiêm chủng vaccine trong trường học; rà soát, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh cho con em đi tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine theo quy định. Khi có trường hợp mắc bệnh sởi tại các trường học, tổ chức rà soát việc tiêm chủng của trẻ để tiêm chủng cho trẻ còn chưa được tiêm để phòng bệnh kịp thời.
Ngành Y tế tổ chức hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.
Các đơn vị tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết. Tuyên truyền người dân chủ động đi tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch và hưởng ứng các chiến dịch tiêm chủng bổ sung do ngành Y tế triển khai.