Dịch sởi diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng hơn 90 lần

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 38.000 ca sốt phát ban nghi sởi, tăng hơn 94 lần so với năm 2023.

Ngày 26/12, ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 38.000 ca sốt phát ban nghi sởi, tăng hơn 94 lần so với năm 2023. Số ca sởi dương tính là hơn 6.700, tăng hơn 130 lần so với năm ngoái, trong đó có 13 ca tử vong, tăng 13 ca so với năm trước.

Một số tỉnh có số mắc cao gồm Đồng Nai (6.360 ca), TP.HCM (4.758 ca), Bình Dương (4.745 ca), Cà Mau (2.405 ca)…

Ông Tâm cho biết, tỷ lệ tiêm chủng sởi ở một số tỉnh rất cao, nhưng bệnh vẫn xuất hiện. Qua điều tra, lý do chủ yếu là số liệu thống kê chưa sát thực tế, nhiều trẻ không được tiêm chủng. Tại các thành phố lớn, hiện tượng phụ huynh phản đối tiêm vaccine (anti-vaccine) cũng góp phần làm gia tăng dịch bệnh.

Theo ông Tâm, các bệnh truyền nhiễm luôn là mối nguy hiểm hiện hữu đối với mọi quốc gia. Mỗi năm, trung bình có 5 bệnh mới xuất hiện trên người, trong đó có 3-4 bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Việt Nam nằm trong khu vực có nguy cơ cao về dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật hoang dã, chiếm 72% trong số các bệnh truyền nhiễm đang nổi trên người.

Dự báo đến năm 2025, tình hình bệnh truyền nhiễm sẽ còn diễn biến phức tạp. Sốt xuất huyết, với những yếu tố nguy cơ như biến đổi khí hậu, giao thương và du lịch phát triển, đô thị hóa và di dân gia tăng, sẽ tiếp tục là thách thức lớn đối với y tế toàn cầu. Việc kiểm soát các véc tơ truyền bệnh hiện còn hạn chế.

Ông Tâm cũng cảnh báo rằng bệnh dại vẫn ghi nhận nhiều ca tử vong, trong khi các bệnh nguy hiểm mới nổi như đậu mùa khỉ có thể gia tăng với các biến thể mới. Ngoài ra, cúm gia cầm độc lực cao vẫn có nguy cơ xuất hiện do virus ở gia cầm đã được phát hiện tại nhiều địa phương.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 141.000 ca sốt xuất huyết, giảm gần 17% so với năm 2023, với 28 ca tử vong (giảm 17 ca so với năm ngoái).

Ông Tâm nhấn mạnh rằng dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp và khó lường, với nguy cơ bùng phát các bệnh mới, bệnh tái nổi và bệnh chưa rõ nguyên nhân. Sự biến đổi liên tục của các tác nhân gây bệnh khiến công tác phòng chống dịch trở nên khó khăn hơn.

Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng, làm giảm hiệu quả kiểm soát dịch bệnh. Một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan và lơ là trong việc phòng bệnh, đồng thời hiện tượng phản đối tiêm chủng (anti-vaccine) cũng là một thách thức lớn. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu thuốc, vật tư và thiết bị y tế đôi khi xảy ra, gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch.

Diệu Thu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dich-soi-dien-bien-phuc-tap-so-ca-mac-tang-hon-90-lan-204242612141502884.htm
Zalo