Dịch nhiễm liên cầu khuẩn lợn ở 4 tỉnh Đông Bắc Thái Lan: 12 người chết, hàng trăm người bị điếc

Bốn tỉnh Đông Bắc Thái Lan ghi nhận 12 trường hợp tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn, Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan đã đưa ra cảnh báo người dân không ăn thịt lợn sống để tránh bị nhiễm.

Dịch Liên cầu khuẩn ở lợn đang có ở 4 tỉnh Đông Bắc Thái Lan (Ảnh: Singtao)

Dịch Liên cầu khuẩn ở lợn đang có ở 4 tỉnh Đông Bắc Thái Lan (Ảnh: Singtao)

Nhiễm liên cầu khuẩn hay Nhiễm trùng máu do liên cầu (Streptococcus suis) thường gây ra các triệu chứng như sốt cao, nhức đầu và thậm chí mất thính lực. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị điếc vĩnh viễn hoặc tử vong.

Streptococcus suis (Liên cầu lợn) là một trong những tác nhân gây bệnh ở lợn và một số loài gia súc khác như trâu, bò, ngựa...Ngoài ra chúng còn có thể gây bệnh cho người. Người nhiễm liên cầu khuẩn biểu hiện bằng viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm nội tâm mạc và viêm khớp. Bệnh liên cầu khuẩn ở lợn thường xuất hiện lẻ tẻ nhưng cũng có khi bùng phát thành dịch.

 Tiếp xúc với thịt lợn sống nhiễm liên cầu khuẩn có thể bị lây nhiễm và phát bệnh (Ảnh: Singtao).

Tiếp xúc với thịt lợn sống nhiễm liên cầu khuẩn có thể bị lây nhiễm và phát bệnh (Ảnh: Singtao).

Nguy cơ bị điếc vĩnh viễn

Theo tờ Bangkok Post, Tiến sĩ Taweechai Wisanuyothin, Giám đốc Văn phòng 9 của Cục Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan (DDC) cho biết, từ ngày 7/1 đến ngày 3/9 năm nay, tại 4 tỉnh đông bắc gồm Nakhon Ratchasima, Buriram, Surin và Chaiyaphum đã có tổng cộng 149 ca mắc bệnh mất hoàn toàn thính lực (điếc) do nhiễm Streptococcus suis và 12 người đã tử vong, hầu hết là người già trên 65 tuổi.

Cần đeo găng tay khi tiếp xúc thịt lợn sống

Trong 4 tỉnh này, tỉnh Nakhon Ratchasima có số ca nhiễm Streptococcus suis nhiều nhất với 89 trường hợp, trong đó có 6 trường hợp tử vong; tỉnh Chaiyaphum có 31 trường hợp, 4 người tử vong; trong đó tỉnh Surin có 16 trường hợp, 1 người tử vong; và tỉnh Buriram báo cáo có 13 trường hợp nhiễm và 1 người chết.

DDC Thái Lan khuyến cáo khi mua thịt lợn, người tiêu dùng nên chọn những nguồn đáng tin cậy; không mua thịt lợn có màu sẫm hoặc có mùi khác lạ và đảm bảo thịt lợn, nội tạng và tiết được đun sôi trong hơn 10 phút. Ngoài ra, trong quá trình đun nấu phải sử dụng các dụng cụ dao, thớt, bát đĩa…khác nhau để xử lý thịt lợn sống và chín để tránh lây nhiễm chéo. Phải đeo găng tay hoặc che vết thương khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn sống và rửa tay kỹ sau khi chế biến.

 Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan cảnh báo không nên ăn thịt nướng vì có thể nhiễm Liên cầu khuẩn (Ảnh: Singtao).

Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan cảnh báo không nên ăn thịt nướng vì có thể nhiễm Liên cầu khuẩn (Ảnh: Singtao).

Nhiễm bệnh do ăn uống hoặc tiếp xúc với thịt lợn sống

Streptococcus suis là bệnh truyền nhiễm phổ biến ở đàn lợn, thường gặp ở đường hô hấp trên của lợn, đặc biệt là amidan, khoang mũi, hệ tiêu hóa và hệ sinh sản. Lợn có thể lây nhiễm cho nhau qua tiếp xúc mũi kề mũi hoặc phun nước mũi hay rớt dãi ở cự ly gần.

Con người có thể bị nhiễm Streptococcus suis do ăn phải hoặc tiếp xúc với thịt lợn sống, tiết lợn hoặc nội tạng lợn bị bệnh. Streptococcus suis cũng có thể xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở, vết trầy xước hoặc kết mạc mắt.

Các triệu chứng ban đầu của người bị nhiễm trùng Streptococcus suis là sốt, nhưng tình trạng mất thính lực tạm thời có thể xảy ra khoảng 14 ngày sau đó. Các triệu chứng thường gặp bao gồm sốt cao, nhức đầu dữ dội, chóng mặt, nôn mửa và bị cứng cổ. Trường hợp nặng có thể dẫn đến điếc vĩnh viễn hoặc tử vong. Nếu người nhiễm bệnh khả năng miễn dịch yếu, tình trạng có thể trở nên trầm trọng hơn.

Theo Singtao

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/dich-nhiem-lien-cau-khuan-lon-o-4-tinh-dong-bac-thai-lan-12-nguoi-chet-hang-tram-nguoi-bi-diec-post178906.html
Zalo