Dịch chuyển việc làm thời AI
Một số việc làm thời AI sẽ bị thay thế bởi các ứng dụng mới, nhưng nhìn chung, AI giúp biến đổi công việc theo hướng tích cực.
Tháng trước, ông Jensen Huang, nhà sáng lập kiêm CEO của Nvidia – doanh nghiệp hàng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo – đã tới Việt Nam và theo sau đó là nhiều công bố hợp tác quan trọng.
Điều này không chỉ đánh dấu một năm đầy tích cực với thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, mà còn đáng chú ý hơn là khả năng lan tỏa trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), bao gồm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng tại đây.
Nvidia đã cùng Chính phủ Việt Nam ký kết thỏa thuận thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển về AI cùng Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. Các trung tâm này không chỉ có vai trò chủ chốt trong việc hỗ trợ các sáng kiến nghiên cứu, ứng dụng AI mà còn thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Những chuyển biến này sẽ giúp gia tăng cơ hội việc làm cho đội ngũ nhân tài trong nước và bắt kịp xu hướng thế giới trong bối cảnh AI đổ bộ trên toàn cầu.
Nhìn chung, Việt Nam luôn áp dụng các công nghệ mới nhanh chóng và AI cũng không ngoại lệ. Tốc độ tăng trưởng ở đây rất nhanh. Chúng ta có thể thấy điều này qua số lượng ngày càng tăng các công ty khởi nghiệp tập trung vào các sản phẩm dựa trên AI.
Không chỉ vậy, nhiều công ty truyền thống cũng đang bổ sung các tính năng AI vào các dòng sản phẩm hiện có để duy trì khả năng cạnh tranh.
Chúng ta cũng nhận thấy rằng nhiều doanh nghiệp dịch vụ cung cấp các giải pháp liên quan đến AI, như đánh giá mức độ trưởng thành cho các tổ chức và các chương trình đào tạo chuyên biệt. Đây là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp đang nghiêm túc áp dụng AI như thế nào.
Báo cáo Chỉ số sẵn sàng AI (AI Readiness Index) mới nhất của năm 2024 được công bố bởi Cisco, công ty hàng đầu thế giới về mạng và bảo mật, cũng cho thấy những chuyển động tích cực tại Việt Nam.
Gần 100% doanh nghiệp tại Việt Nam được hỏi cho biết đã có chiến lược AI được xác định rõ ràng hoặc đang trong quá trình phát triển một chiến lược. Khoảng 1/3 cho biết triển khai AI trong các công nghệ nhận được ưu tiên cao nhất trong phân bổ ngân sách và gia tăng ngân sách.
Xu hướng dịch chuyển việc làm
Trong các ngành, việc áp dụng AI đang được mở rộng.
Đơn cử, trong bán lẻ và sản xuất, các công ty sử dụng các chương trình thị giác máy tính – một lĩnh vực khoa học máy tính giúp máy tính có khả năng trích xuất thông tin hữu ích từ dữ liệu hình ảnh – để dự đoán hoặc tự động hóa chuỗi cung ứng. AI cũng được sử dụng để cá nhân hóa tốt hơn các chiến lược tiếp thị.
Trong thương mại điện tử và ngân hàng, các chatbot hỗ trợ bằng AI đang tăng cường hỗ trợ khách hàng và các hệ thống phát hiện bất thường, giúp hệ thống hoạt động an toàn hơn. Ứng dụng của AI đang không ngừng tăng lên, chứng tỏ rõ ràng rằng Việt Nam đang trở thành một nhân tố chủ chốt trong việc áp dụng AI.
Những thay đổi này rõ ràng sẽ tác động đến thị trường việc làm đang được thiết lập sẵn. Chúng ta không thể dự đoán mọi thứ một cách chính xác, nhưng có thể đưa ra một số phỏng đoán có căn cứ.
Ví dụ, các công việc văn phòng có khả năng sẽ bị ảnh hưởng vì AI giúp tự động hóa các tương tác với khách hàng một cách nhanh chóng và chính xác. Tự động hóa này cũng sẽ được cá nhân hóa cao, giúp cải thiện trải nghiệm của khách hàng nhưng giảm nhu cầu can thiệp của con người trong một số trường hợp.
Điểm chung của các ngành áp dụng AI trên là sự phụ thuộc vào dữ liệu. AI phát triển mạnh nhờ dữ liệu bởi nó cần dữ liệu để phân tích, tối ưu hóa và đưa ra dự đoán. Bất kỳ ngành nào có quyền truy cập vào lượng dữ liệu lớn đều có thể hưởng lợi đáng kể từ AI.
Tại Kyanon, chúng tôi cũng đang phát triển các giải pháp AI trên ba lĩnh vực chính là thị giác máy tính; các mô hình ngôn ngữ lớn phục vụ cho tối ưu hóa cuộc họp, tạo ra chatbot và các phân tích mang tính dự đoán.
Những phát triển này đã làm tăng nhu cầu về các chuyên gia lành nghề. Chúng tôi đang tuyển dụng thêm các nhà khoa học dữ liệu, kỹ sư học máy và nhà phát triển phần mềm. Ngoài ra còn có nhu cầu về các nhà phân tích kinh doanh và chuyên gia trong lĩnh vực cụ thể có thể kết nối công nghệ AI với các trường hợp sử dụng kinh doanh thực tế.
Bên cạnh ảnh hưởng tới một số vị trí, AI sẽ biến đổi công việc theo nhiều cách tích cực.
Đầu tiên, AI giúp mọi người học các kỹ năng mới dễ dàng hơn. Ví dụ, các chương trình đào tạo hỗ trợ AI có thể được điều chỉnh theo nhu cầu cá nhân, giúp nhân viên nâng cao kỹ năng nhanh hơn.
AI cũng làm giảm lỗi trong các nhiệm vụ đòi hỏi độ chính xác, như soạn thảo hợp đồng hoặc phân tích các tập dữ liệu lớn. Điều này có nghĩa là người lao động có thể tập trung nhiều hơn vào các khía cạnh chiến lược và sáng tạo trong công việc của họ.
Hơn nữa, AI sẽ tạo ra các vai trò hoàn toàn mới – như người đào tạo AI, chuyên gia giải thích và cố vấn AI có đạo đức. Những vai trò này sẽ đảm bảo các hệ thống AI được bảo trì tốt, minh bạch và phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức.
Trong các ngành công nghiệp sáng tạo, AI sẽ hỗ trợ xử lý các nhiệm vụ tốn nhiều thời gian, chẳng hạn như chỉnh sửa video hoặc thiết kế mẫu, giúp mọi người có nhiều thời gian hơn để tập trung vào đổi mới.
Vì vậy, trong khi một số công việc sẽ thay đổi, nhiều cơ hội mới sẽ xuất hiện và AI cuối cùng sẽ giúp công việc hiệu quả hơn và bổ ích hơn.
Việt Nam có cơ hội tuyệt vời để định vị là một trung tâm công nghệ trong khu vực. Nhu cầu với các chuyên gia trong lĩnh vực AI rất lớn và sẽ chỉ tăng lên.
Chúng ta cần các kỹ sư dữ liệu để xây dựng phần nền cơ bản, các nhà khoa học dữ liệu để tạo và thử nghiệm các mô hình, các nhà phân tích dữ liệu để hiểu được kết quả và các chuyên gia an ninh mạng để đảm bảo dữ liệu và hệ thống AI được an toàn.
Các nhà phân tích kinh doanh và cố vấn pháp lý cũng rất quan trọng để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu kinh doanh và quy định pháp lý.
Tuy nhiên, vẫn có những thách thức mà một vấn đề lớn là khoảng cách kỹ năng. Mặc dù Việt Nam có nhiều chuyên gia tài năng, nhưng không phải tất cả họ đều có chuyên môn sâu cần thiết cho các vai trò AI tiên tiến.
Một thách thức khác là khả năng tiếp cận dữ liệu chất lượng khi nhiều công ty gặp khó khăn trong việc thu thập và quản lý dữ liệu cần thiết cho AI.
Cuối cùng, cơ sở hạ tầng là một rào cản, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn có thể không có đủ nguồn lực để áp dụng AI.
Để vượt qua những thách thức này, chúng ta cần tập trung vào giáo dục và đào tạo. Các trường đại học và trung tâm đào tạo nên cung cấp các khóa học AI chuyên biệt.
Chính phủ cũng có thể đóng vai trò bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào AI và tạo ra các khuôn khổ để chia sẻ dữ liệu. Sự hợp tác giữa các công ty khởi nghiệp, các công ty lớn hơn và các tổ chức nghiên cứu có thể thúc đẩy sự đổi mới và giúp chúng ta thu hẹp khoảng cách.
Việt Nam đã đặt mục tiêu đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng, phấn đấu nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu Asean và nhóm 50 nước dẫn đầu thế giới về nghiên cứu, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực Asean và trên thế giới đến năm 2030, theo chiến lược quốc gia về AI.
Với chiến lược đúng đắn, Việt Nam có thể trở thành quốc gia đi đầu trong đổi mới sáng tạo AI và tạo ra vô số cơ hội cho lực lượng lao động.
*Bài viết thể hiện quan điểm của ông David Lapetina, Phó tổng giám đốc công nghệ và kỹ thuật Kyanon Digital – công ty tư vấn và triển khai các giải pháp số.