Dịch chuyển năng lượng là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển bền vững

Việc dịch chuyển năng lượng đóng vai trò then chốt và mang tính quyết định về chống biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết của nhiều quốc gia. Việt Nam không ngoài vòng xoáy để hướng tới ngừng phát thải carbon vào năm 2050.

Đó là khẳng định của các diễn giả, chuyên gia, nhà quản lý tại Diễn đàn "Chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2024" do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Sở Công Thương Hà Nội, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức chiều 27/6.

Tại Diễn đàn, các diễn giả đã khẳng định, chuyển dịch năng lượng đóng vai trò then chốt và mang tính quyết định trong cuộc chiến toàn cầu về chống biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam về ngừng phát thải carbon vào năm 2050. Đồng thời, quá trình này góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế bền vững cho mỗi quốc gia.

Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Mai Dương chia sẻ tại Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên

Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Mai Dương chia sẻ tại Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên

Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Mai Dương cho biết, nhu cầu năng lượng tại Việt Nam ngày càng tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh phát triển kinh tế mạnh và hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu điện năng sẽ tăng từ 8 - 10% trong những năm tới. Cùng với đó, vấn đề về nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt đang dần cạn kiệt, gây ra tác động xấu tới môi trường. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định và bền vững, đồng thời làm tăng áp lực phải tìm kiếm các giải pháp năng lượng thay thế.

Do đó, chuyển dịch năng lượng không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn là yếu tố then chốt để bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Hiện, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong ngành điện còn tương đối hạn chế mặc dù tiềm năng rất lớn. Nguyên nhân đến từ một số rào cản chính về tiềm năng phát triển chưa được khai thác tối ưu do chính sách, tài chính cũng như năng lực chuyên môn; khả năng nối lưới của các dự án năng lượng và tính ổn định của hệ thống chuyển tải điện cần được cải thiện; chi phí đầu tư cao hơn mức trung bình do giá công nghệ và dịch vụ còn cao…

Bên cạnh đó, trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hóa và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hóa cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế.

Bồn khí hóa lỏng tại PV GAS là hướng để giảm thiểu phát thải. Ảnh: Khắc Kiên

Bồn khí hóa lỏng tại PV GAS là hướng để giảm thiểu phát thải. Ảnh: Khắc Kiên

Để hướng tới không gây ô nhiễm carbon trong thời gian ngắn và không phát thải khí nhà kính vào giữa thế kỷ này, ông Nguyễn Mai Dương cho hay, năng lượng gió phải tăng cường đóng góp vào sản xuất điện từ mức thâm nhập toàn cầu 5% hiện nay lên khoảng 35 - 50%, hoặc hơn nữa trong nhu cầu điện tương lai của hệ thống năng lượng toàn cầu.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội) Nguyễn Đình Thắng. Ảnh: Khắc Kiên

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội) Nguyễn Đình Thắng. Ảnh: Khắc Kiên

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội) Nguyễn Đình Thắng cho biết, thời gian qua Thành phố đã triển khai mạnh, đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện. Sở đã phối hợp chặt chẽ với các cục, vụ thuộc Bộ Công Thương triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng.

Năm 2024, toàn Hà Nội phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,6 - 1,8% so với dự báo nhu cầu, trong đó tiết kiệm điện đạt 2,2% tổng điện năng tiêu thụ và 5% đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; phát triển năng lượng tái tạo tăng thêm khoảng 67MW từ điện rác (đưa tổ máy số 3 dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn và dự án nhà máy điện rác Seraphin vào vận hành), đưa tổng nguồn năng lượng từ xử lý rác của Hà Nội đạt khoảng 129,3MW; tăng thêm khoảng 30MW điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng.

Trong đó khuyến khích phát triển mô hình điện mặt trời tự sản, tự tiêu nhằm mục đích tự dùng, giảm công suất phụ tải đỉnh và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho các nhà xưởng của doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp, các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách; khuyến khích sử dụng các sản phẩm đèn chiếu sáng có sử dụng điện năng lượng mặt trời trong chiếu sáng công cộng...

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dich-chuyen-nang-luong-la-yeu-to-then-chot-thuc-day-phat-trien-ben-vung.html
Zalo