Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối - Khúc ca bi tráng về chiến tranh nhân dân

Chỉ sau 6 ngày công chiếu, bộ phim mới nhất của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối đã tạo nên cơn sốt phòng vé tháng 4 khi thu về gần 100 tỉ đồng. Đây là bộ phim hiếm hoi của điện ảnh Việt trong suốt thời gian qua nhận được vô số khen ngợi của giới phê bình lẫn khán giả. Bộ phim đã thuyết phục người xem ở hầu hết phương diện, từ nội dung, diễn xuất, chất lượng âm thanh, hình ảnh, kỹ xảo đến hiệu ứng xã hội tích cực mà phim tạo ra.

Poster phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối. Ảnh: Internet

Poster phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối. Ảnh: Internet

“Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa”

Bộ phim lấy bối cảnh sau trận càn Cedar Falls năm 1967 (chiến dịch quân sự của Mỹ nhằm triệt phá căn cứ quân giải phóng miền Nam), kể về nhóm du kích do Bảy Theo (Thái Hòa) làm đội trưởng, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhóm tình báo chiến lược dưới lòng địa đạo Củ Chi. Hoạt động truyền tin của nhóm tình báo đã nhanh chóng bị địch phát hiện. Nhóm du kích rơi vào tình thế sống còn. Phía trước họ là một cuộc chiến khốc liệt.

Bộ phim đã khắc họa cho người xem thấy cuộc chiến nơi địa đạo là cuộc chiến cam go và ác liệt. Trong khi địch được trang bị vũ khí tối tân, quân số lên đến hàng nghìn, có thể triển khai những cuộc tấn công, vây ráp một cách nhanh chóng, dữ dội thì đội du kích của Bảy Theo phải sử dụng thêm vũ khí tự chế, quân số chỉ vỏn vẹn 21 chiến sĩ, phần lớn trong số họ đang ở độ tuổi thanh xuân, hồn nhiên và ít kinh nghiệm chiến đấu. Trên mặt đất, địch túa ra mọi ngả và bao vây mọi lối ra, ta co cụm trong lòng địa đạo và cuối cùng chỉ còn một con đường thoát. Cuộc đối đầu rõ ràng được Bảy Theo và đồng đội xác định là không cân sức.

Những người lính trong lòng địa đạo không chỉ chiến đấu chống lại quân thù, bảo vệ nhóm tình báo, mà còn phải chiến đấu chống lại sự thiếu thốn lương thực, khí trời, chống lại bóng tối mang tên dục vọng bản năng của bản thân lẫn đồng đội, kìm chế những khát khao bỏng cháy khi tình yêu vừa mới chớm, nén đau thương khi biết bạn bè và người thân của mình đã tử trận, kháng cự nỗi sợ hãi trước cái chết luôn cận kề trong gang tấc. Cuộc chiến này không tiếng súng, nhưng điều đó không có nghĩa là dễ dàng và không có tổn thương hay mất mát.

Có thể thấy, những người làm phim đã không ngại chọn góc nhìn trần trụi, chân thực về chiến tranh, rằng “chiến tranh đâu phải trò đùa” (lời nhạc Phạm Minh Tuấn). Dự cảm về mất mát, nỗi buồn lẫn đau thương trong chiến tranh đều là điều có thực. Niềm vui hồn nhiên có thể làm mềm hóa sự thô ráp của cuộc chiến, câu vọng cổ có thể là quãng nghỉ bình yên giữa chiến trường khốc liệt. Nhưng tất cả đều hiểu rằng, cuộc chiến này, nhiệm vụ này, có thể là trận đánh cuối cùng.

Ánh sáng của một mặt trời khác

Địa đạo bị cắt lìa khỏi ánh sáng mặt trời tự nhiên. Nhưng trong lòng địa đạo đã có ánh sáng của một mặt trời khác, mà trong số đó, lòng yêu nước là ánh sáng chói lọi nhất, rực rỡ nhất. Lòng yêu nước gắn liền với lý tưởng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Điều đáng chú ý, bộ phim không diễn đạt lý tưởng đó một cách chung chung, trừu tượng, mà cụ thể hóa thành nhiệm vụ rõ ràng, minh bạch. Chi tiết Bảy Theo yêu cầu Hai Thưng (Hoàng Minh Triết) phải cho anh em biết mình đang hy sinh cho điều gì là một chi tiết đắt giá. Điều họ muốn không phải là thoái lui để được sống, mà họ muốn biết ý nghĩa và sự hy sinh của mình ra sao. Ánh sáng này đã thắp lên ngọn lửa của lòng quả cảm, sự can trường, biến thành sức mạnh để những người lính trẻ không chùn bước trước quân thù.

Thành công của bộ phim là một tín hiệu đáng mừng, rằng không có thế hệ trẻ không yêu thích lịch sử, quay lưng lại với quá khứ hào hùng của dân tộc, thờ ơ hay vô cảm với hy sinh của thế hệ cha anh. Chỉ là, họ vẫn cần những người có trách nhiệm, tài năng và tâm huyết, biết cách khơi dậy, nuôi dưỡng những tình cảm cao đẹp đó. Hy vọng rằng thành tích rực rỡ của Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sẽ tạo động lực cho các nhà làm phim nước nhà dám dấn thân vào đề tài các cuộc chiến tranh vệ quốc của Nhân dân ta, góp phần gìn giữ và trao truyền ký ức lịch sử hào hùng đến thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Tình đồng chí là ánh sáng ấm áp nhất, dịu dàng nhất trong lòng địa đạo. Một đám giỗ đơn sơ cho những đồng đội đã ngã xuống, những di ảnh được đặt cạnh nhau trong cái hốc nhỏ, hành động chấp nhận làm cha đứa bé không phải con mình, nỗi đau không thốt nên lời khi mất đi người thân... là những chi tiết không có ý nghĩa nhiều về mặt cốt truyện, nhưng có vai trò quan trọng trong việc khắc họa vẻ đẹp của những con người quá đỗi bình dị nhưng mang tâm hồn, trái tim nhân hậu và vị tha. Khi những chàng trai, cô gái trẻ đùn đẩy nhau việc rời khỏi địa đạo để được an toàn, đó là khi khán giả hiểu rằng: bóng tối không thể nào che lấp được ánh sáng của tình đồng chí, và cao cả hơn, là tình người trong gian lao, thử thách và hiểm nguy.

Chiến tranh nhân dân để có thể đi đến chiến thắng, bên cạnh lòng yêu nước, lý tưởng anh hùng, sự dũng cảm, tình đồng chí, còn phải cần đến trí tuệ của tập thể. Lời của Bảy Theo: “Chúng ta phải tìm cách!” khẳng định chắc nịch ý chí chiến đấu ngoan cường lẫn niềm tin vào sức mạnh trí tuệ. Đội của Bảy Theo đã hoàn thành được một nhiệm vụ quá sức là nhờ vào chiến thuật đánh du kích, bố trí và triển khai trận địa trong lòng đất một cách chặt chẽ, thông minh. Họ đã biến bóng tối và địa đạo thành “đồng đội”, dùng những vũ khí thô sơ nhưng hiệu quả để ngăn chặn từng bước chân của địch. Người xem có thể choáng ngợp trước những đại cảnh khốc liệt trên bầu trời và mặt đất, nhưng họ thật sự cảm thấy hồi hộp, căng thẳng đến nghẹt thở trước những tiểu cảnh trong lòng đất khi địch - ta, sống - chết cách nhau chỉ một bước chân.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ rằng ông không có tham vọng tái hiện toàn bộ cuộc chiến của Nhân dân ta ở địa đạo Củ Chi. Và rõ ràng, bộ phim chỉ tái hiện một lát cắt của lịch sử. Song chỉ từ một lát cắt nhỏ, bộ phim đã chuyển tải thành công không khí của một trong những trận địa khốc liệt nhất nơi thành đồng Tổ quốc, khắc họa sắc nét tinh thần chiến đấu của thế hệ cha anh, bật lên được vẻ đẹp của con người Việt Nam trong khói lửa đạn bom. Mỗi người trong số họ, vì thế, đều là một “mặt trời trong bóng tối”!

Hoành tráng và chỉn chu

Bộ phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa cảm hứng sử thi và cảm hứng đời thường, giữa chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực. Cái nhìn đa chiều, biện chứng về chiến tranh lẫn con người trong chiến tranh là một trong những yếu tố giúp phim chạm đến cảm xúc của người xem, đưa bộ phim thoát khỏi bẫy khô khan, xơ cứng mà một phim về lịch sử và chiến tranh dễ mắc phải.

Nghệ thuật tương phản được sử dụng triệt để để chuyển tải nhiều thông điệp. Trên mặt đất, địch gieo rắc sự tuyệt vọng và cái chết; dưới địa đạo, ta kiên trì giữ vững niềm tin và sự sống. Hai cảnh nóng trong phim cũng tạo nên sự đối lập: một cảnh diễn ra trong bóng tối, trong sự sợ hãi và lặng im vì đó là hành động tội lỗi, có thể giết chết niềm ham sống của người lính; cảnh còn lại diễn ra trong ánh sáng của mặt trời, trong âm thanh vang động của chiến tranh, cuồng nhiệt và đắm say vì là kết tinh của tình yêu và ý chí chiến đấu ngoan cường, có thể tạo sinh những sự sống mới. Hình ảnh người lính Mỹ bị thương được thả bè cuối phim đối lập với xác quân, dân ta trôi nổi trên sông ở đầu phim, tô đậm sự khác biệt trong cách ứng xử giữa hai bên.

Bộ phim được đầu tư kỹ lưỡng về bối cảnh, đạo cụ, phục trang, hình ảnh, âm thanh. Diễn xuất của hầu hết diễn viên đều tự nhiên, chân thực. Trong đó, Ba Hương (Hồ Thu Anh) đã có màn trình diễn xuất sắc và ấn tượng khi lột tả những nét tính cách, tâm lý trái ngược nhau của một cô gái can trường trong chiến đấu bao nhiêu thì mềm mại, thiết tha trong tình cảm bấy nhiêu.

BÍCH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/van-nghe/202504/dia-dao-mat-troi-trong-bong-toi-khuc-ca-bi-trang-ve-chien-tranh-nhan-dan-d053ffc/
Zalo