Địa danh, địa giới hành chính tỉnh Kiên Giang qua các thời kỳ

Kiên Giang là một trong 13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở vị trí tiền tiêu phía Tây Nam Tổ quốc với địa hình đa dạng, phong phú: Đồng bằng, đồi núi, biển, đảo, biên giới trên bộ, trên biển, được ví như một Việt Nam thu nhỏ. Đây là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất so với các tỉnh Tây Nam Bộ và lớn thứ hai so với các tỉnh Đông Nam Bộ, sau tỉnh Bình Phước.

Thị xã Rạch Giá đầu thế kỷ XX. Ảnh: delcampe.net

Thị xã Rạch Giá đầu thế kỷ XX. Ảnh: delcampe.net

Đạo Kiên Giang - Đơn vị hành chính đầu tiên

Tỉnh Kiên Giang có diện tích tự nhiên 6.352,02 km2, nằm ở tọa độ 104026’40’’ đến 105032’50’’ kinh độ Đông và 9023’50’’ đến 10032’30’’ vĩ độ Bắc, với số dân 1.763.826 người. Phía Tây, Kiên Giang tiếp giáp với vịnh Thái Lan, phía Bắc tiếp giáp với vương quốc Campuchia; phía Đông Bắc giáp tỉnh An Giang, thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang; phía Nam giáp tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.

Kiên Giang có ngư trường rộng lớn với 63.000 km2, có 5 quần đảo: An Thới, Thổ Châu, Nam Du, Bà Lụa, Hải Tặc. Đảo Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam với diện tích tự nhiên 573km², dài 50km, nơi rộng nhất phía bắc đảo 25km. Phú Quốc có nhiều bãi biển đẹp trải dài từ Bắc đảo đến Nam đảo.

Theo Quyết định số 245/QĐ-TTg, ngày 12/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Kiên Giang là một trong bốn tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh: Cà Mau, An Giang và Kiên Giang) và là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, hoa quả góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước. Là trung tâm năng lượng lớn của cả nước với ba trung tâm điện lực Ô Môn, Cà Mau, Kiên Lương và cung cấp khí đốt từ các mỏ khí Tây Nam.

Theo Địa chí Kiên Giang, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang, xuất bản năm 2024, từ thế kỷ thứ XVIII khi Tổng binh trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích (con trai trưởng của Mạc Cửu) đặt ra đạo Kiên Giang (vùng đất Rạch Giá) và đạo Long Xuyên (vùng đất Cà Mau) thì đây là lần đầu tiên, địa danh Kiên Giang chính thức mang tên đơn vị hành chính dưới trấn Hà Tiên với tên gọi “đạo Kiên Giang’’.

Theo nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa Nguyễn Anh Động trong quyển “Kiên Giang, những dấu ấn”, tên gọi Kiên Giang “trước tiên nó cấu thành bởi một con sông (sông Rạch Giá) cộng một từ Hán-Việt là “Kiên” của ông Mạc Thiên Tứ (Mạc Thiên Tích - TG) đặt ra năm 1739, có lẽ ông cho rằng đây là một vùng đất, một con sông kiên cường bất khuất”.

Đầu thế kỷ thứ XIX (1808), vương triều Nguyễn đổi đạo Kiên Giang thành huyện Kiên Giang (Rạch Giá), đạo Long Xuyên thành huyện Long Xuyên (Cà Mau).

Theo Đại Nam nhất thống chí, quyển XXVI, Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn, Hà Tiên là đất Mang Khảm, người Trung Hoa gọi là Phương Thành, từ tỉnh lỵ đến kinh đô 1.325 dặm. Khi đặt chân đến Mang Khảm từ thế kỷ XVII, “Mạc Cửu chiêu tập dân xiêu tán đến ở các xứ Phú Quốc, Vũng Thơm, Rạch Giá, Cà Mau lập thành 7 xã, tự đứng cai quản”. Theo truyền thuyết, nơi này thường có “tiên” xuất hiện trên sông, từ đó có địa danh Hà Tiên.

Mùa thu, năm Mậu Tý (1708), Mạc Cửu xin dâng vùng đất Hà Tiên cho chính quyền chúa Nguyễn, được Chúa Nguyễn Phúc Chu chấp thuận và thành lập trấn Hà Tiên, ban sắc phong cho Mạc Cửu làm Tổng binh cai quản trấn này. Mạc Cửu lập dinh trại đồn trú ở Phương Thành (tên gọi khác của trấn Hà Tiên), nhân dân quy tụ ngày càng đông đúc. Năm Ất Mão (1735), Mạc Cửu qua đời. Năm 1736, chúa Nguyễn sắc phong cho Mạc Thiên Tích (tên hiệu là Sĩ Lân), con trai trưởng của Mạc Cửu làm Đô đốc Tông Đức hầu, kế tập cai quản trấn Hà Tiên.

Năm 1739, Mạc Thiên Tích lập ra đạo Kiên Giang tại vùng Giá Khê (Rạch Giá), đạo Long Xuyên (đất Cà Mau) và các trấn thuộc trấn Hà Tiên là Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di (Bạc Liêu).

Trong Gia Định thành thông chí (quyển IV), Trịnh Hoài Đức ghi “ở 2 đạo Long Xuyên (Cà Mau) và Kiên Giang (vùng Giá Khê – Rạch Giá) ít nông dân nhưng biết chăm lo căn bản, cho nên cả trấn này đều nhờ lúa gạo của 2 đạo ấy cung cấp”.

Đạo Kiên Giang “lãnh đạo bởi một quan văn và một quan võ, còn việc thu thuế và xử án thì có các thuộc lại được quân Kiên Nghị tùng sự, là đất phồn thịnh, các công sai phòng hải, cùng sứ giả Xiêm La luôn tới lui...”. Ở đạo Long Xuyên “lỵ sở của đạo là phố chợ, người Việt, người Tàu và người Cao Miên tụ tập đông đúc, tàu Xiêm La thường đến mua bán, đổi chác hàng hóa”.

Theo Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, năm 1757, vua Cao Miên cắt 5 phủ phía Tây Nam nước Chân Lạp để trả ơn, Mạc Thiên Tích đã dâng đất lên chúa Nguyễn và được chúa Nguyễn ưng thuận, nhập 5 phủ này vào đất Mang Khảm.

Theo Địa chí Kiên Giang, quyển 1, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang, xuất bản năm 2024, năm 1788, chúa Nguyễn mang 2 đạo Kiên Giang và Long Xuyên nhập vào trấn Vĩnh Thanh.

Trấn Hà Tiên thời Nhà Nguyễn độc lập

Sau khi lên ngôi vua (1802), vua Gia Long đặt kinh đô ở Phú Xuân, thiết lập lại các đơn vị hành chính mới, bấy giờ (1808) cả nước có 4 dinh, dưới dinh có 25 trấn trực thuộc chính quyền Trung ương. Ở Nam bộ có Gia Định thành cai quản 5 trấn: Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và trấn Hà Tiên. Cũng vào năm này (1808), vua Gia Long đổi “đạo” thành “huyện”, trong đó, đạo Kiên Giang (Giá Khê-Rạch Giá) trở thành huyện Kiên Giang, đạo Long Xuyên trở thành huyện Long Xuyên (Cà Mau). Năm 1820, vua Gia Long băng hà, Nguyễn Phúc Hồng Đảm (Minh Mạng) lên nối ngôi vua cha. Năm 1825, vương triều Nguyễn đặt ra phủ An Biên để trông coi 03 huyện Hà Châu (Hà Tiên), Kiên Giang (Rạch Giá), Long Xuyên (Cà Mau).

Trong 2 năm 1831 và 1832, vua Minh Mạng có cuộc cải cách lớn, thiết lập lại các đơn vị hành chính trong cả nước, sắp xếp lại bộ máy chính quyền địa phương, trong đó có việc bãi bỏ Gia Định Thành, đổi 5 trấn thành 6 tỉnh trong Nam Kỳ lục tỉnh, bao gồm các tỉnh: Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Đây là lần đầu tiên, đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền Trung ương ở Việt Nam gọi là “tỉnh”, Kiên Giang ngày nay là một phần của tỉnh Hà Tiên (1832).

Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, tỉnh Hà Tiên (1832) có 01 phủ đặt tên là phủ Quan Biên (trước đó gọi An Biên), cai quản 8 huyện: Hà Châu (vùng đất Hà Tiên, bao gồm Giang Thành); Kiên Giang (vùng Giá Khê - Rạch Giá); Long Xuyên (Cà Mau). Ngoài ra, còn có 5 huyện khác là: Sài Mạt, Linh Quỳnh, Châu Sum, Cần Vọt, Vũng Thơm.

Theo Địa chí Kiên Giang, năm 1842, vua Thiệu Trị bàn giao đất Quản Biên (gồm Lục Sơn, Tua-mia (Tukmia), Cam-pông Trách (CampongTrach), Campốt (Kampot), Cam-pông Som (CampongSom) ngày nay cho Chân Lạp. Đem phủ Tịnh Biên và hai huyện Hà Dương và Hà Âm cho thuộc tỉnh hạt An Giang.

Đến đời vua Tự Đức (1847), chính quyền vương triều Nguyễn có một số thay đổi về địa giới hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Hà Tiên và sự thay đổi này ổn định cho đến khi Pháp chiếm toàn bộ tỉnh Hà Tiên (1867). Trong giai đoạn này (1847-1867), tỉnh Hà Tiên có 01 phủ, lấy lại tên cũ đặt tên là phủ An Biên, thống lĩnh 3 huyện: Hà Châu, Kiên Giang và Long Xuyên (Cà Mau). Dưới cấp huyện, triều đình nhà Nguyễn chia ra thành nhiều tổng (11 tổng), dưới tổng chia ra làng (184 làng), trong đó, huyện Hà Châu có 5 tổng, dưới tổng có 63 làng; huyện Kiên Giang có 4 tổng, dưới tổng có 55 làng; huyện Long Xuyên có 2 tổng, dưới tổng có 55 làng. Phần đất Kiên Giang ngày nay bao gồm 2 huyện Hà Châu và huyện Kiên Giang.

Hà Tiên thời thuộc Pháp

Ngày 15/6/1867, thực dân Pháp đặt ra hạt thanh tra Kiên Giang, dưới hạt thanh tra này có 2 huyện Kiên Giang và Long Xuyên. Ngày 16/8/1867, chính quyền thực dân đổi hạt Kiên Giang thành hạt thanh tra Rạch Giá. Năm 1868, chia tỉnh Hà Tiên làm hai hạt thanh tra, gọi là hạt thanh tra Hà Tiên và hạt thanh tra Rạch Giá. Ngày 5/1/1876, chia tỉnh Hà Tiên thành 02 hạt tham biện là hạt tham biện Hà Tiên và hạt tham biện Rạch Giá, và kể từ đây, các “thôn” gọi là “làng”.

Năm 1882, thực dân Pháp tách 3 tổng Quảng Long, Quảng Xuyên và Long Hưng của hạt tham biện Rạch Giá và hợp nhất 2 tổng Thạnh Hòa và Thạnh Hưng của hạt tham biện Sóc Trăng để thành lập hạt tham biện Bạc Liêu, lỵ sở đặt tại tổng Thạnh Hòa, trước đó thuộc hạt tham biện Sóc Trăng.

Ngày 20/12/1899, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đổi các hạt tham biện thành tỉnh. Theo đó, kể từ ngày 1/1/1900, địa bàn tỉnh Hà Tiên (cũ) có 3 đơn vị hành chính cấp tỉnh là tỉnh Rạch Giá, tỉnh Hà Tiên và Bạc Liêu. Ngày 20/5/1920, Toàn quyền Đông Dương cho thành lập 5 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh Rạch Giá: quận Châu Thành, quận Giồng Riềng, quận Gò Quao, quận Long Mỹ và quận Phước Long. Tỉnh lỵ Rạch Giá đặt tại làng Vĩnh Thanh Vân (một phần lớn diện tích tự nhiên của thành phố Rạch Giá ngày nay). Tỉnh Hà Tiên có các quận Châu Thành, Giang Thành, Hòn Chông. Riêng Phú Quốc, đến năm 1903 thuộc quyền quàn lý của chủ tỉnh Hà Tiên.

Từ năm 1913, chính quyền thực dân Pháp điều chỉnh địa giới hành chính của tỉnh Hà Tiên sang tỉnh Châu Đốc, đặt dưới quyền quản lý của chủ tỉnh Châu Đốc. Ngày 9/2/1924, tỉnh Hà Tiên tái lập trở lại như cũ, gồm 4 quận Châu Thành, Giang Thành, Hòn Chông và Phú Quốc. Tỉnh lỵ Hà Tiên đặt tại làng Mỹ Đức, tổng Hà Thanh, quận Châu Thành.

Ngày 18/12/1929, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập thị xã Rạch Giá, lỵ sở đặt tại làng Vĩnh Thanh Vân do một viên quan người Pháp làm Thị trưởng.

Năm 1930, A.Bonnemain làm chủ tỉnh Rạch Giá, quản lý thị xã hỗn hợp (Rạch Giá), chia thị xã thành 5 khu vực để đánh thuế.

Ngày 30/4/1934, chính quyền thực dân Pháp ra nghị định nâng thị xã Rạch Giá lên thành phố Rạch Giá, dưới thành phố có 3 khu phố trực thuộc.

Giai đoạn 1936-1939, thực dân Pháp tách một phần đất của quận Phước Long (vùng U Minh Thượng ngày nay) để thành lập quận mới tại chợ Thứ Ba gọi là quận An Biên. Cụ thể, ngày 01/01/1936, thực dân Pháp điều chỉnh một phần diện tích đất của quận Phước Long thuộc tỉnh Rạch Giá để lập ra đại lý hành chính An Biên (đại lý tương đương với đơn vị hành chính cấp huyện) thuộc tỉnh Rạch Giá.

Ngày 01/8/1939, toàn quyền Đông Dương nâng đại lý hành chính An Biên thành quận An Biên.

Như vậy, từ năm 1939 đến năm 1945, tỉnh Rạch Giá có 6 quận: Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Long Mỹ, Phước Long và An Biên.

Rạch Giá - Hà Tiên 1945-1954

Tháng 8/1945, nhân dân 3 tỉnh Rạch Giá, Hà Tiên, Bạc Liêu vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, từ đây các tỉnh Rạch Giá, Hà Tiên, Bạc Liêu trở thành bộ phận không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Sau cách mạng Tháng Tám, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đổi “quận” và “làng” thành “huyện” và “xã” trên toàn quốc cho đến nay.

Năm 1946, Pháp lần lượt tái chiếm các tỉnh Rạch Giá, Hà Tiên, Bạc Liêu. Năm 1947, chính quyền thực dân Pháp giao quận Phước Long cho tỉnh Bạc Liêu quản lý. Cũng trong năm này (1947), Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ đổi tên huyện Phước Long thành huyện Hồng Dân. Hồng Dân là tên của liệt sĩ, Anh hùng LLVT Trần Hồng Dân, quê quán ấp Vĩnh Lộc, xã Mỹ Quới, quận Phước Long, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Sóc Trăng), hy sinh trong kháng chiến chống Pháp xâm lược (1946).

Năm 1950, chính quyền cách mạng hợp nhất tỉnh Long Châu Hậu với tỉnh Hà Tiên thành tỉnh Long Châu Hà, gồm 8 huyện: Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú A, Châu Thành, Thoại Sơn, Thốt Nốt, Giang Châu, Phú Quốc.

Tháng 5/1951, chính quyền cách mạng giải thể khu 7, 8, 9 và thành lập mới Phân liên khu miền Đông, Phân liên khu miền Tây, Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Trong đó, Phân liên khu miền Tây có 6 tỉnh: Bến Tre, Vĩnh Trà (Vĩnh Long, Trà Vinh), Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Châu Hà.

Đồng thời, giải thể tỉnh Rạch Giá. Các huyện của tỉnh Rạch Giá giao cho các tỉnh: Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng quản lý.

Cụ thể, thị xã Rạch Giá và các huyện Châu Thành, Long Mỹ, Gò Quao, Giồng Riềng giao cho tỉnh Cần Thơ; huyện Hồng Dân và An Biên giao cho tỉnh Bạc Liêu. Một phần nhỏ giao cho tỉnh Sóc Trăng quản lý.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Trung ương cục miền Nam giải thể Phân liên khu miền Đông và Phân liên khi miền Tây, thành lập 4 khu ở miền Đông, miền Trung, miền Tây và Sài Gòn-Chợ Lớn.

Ngày 5/9/1954, Trung ương cục miền Nam tái lập tỉnh Rạch Giá và tỉnh Hà Tiên. Tỉnh Rạch Giá có 9 đơn vị hành chính cấp huyện: Thị xã Rạch Giá và các huyện: Hồng Dân, Long Mỹ, An Biên, Gò Quao, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Châu Thành và Phú Quốc. Tỉnh Hà Tiên có 3 huyện: Hà Tiên, Châu Thành và Giang Thành.

Rạch Giá - Hà Tiên 1954-1975

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), địa danh Rạch Giá vẫn được chính quyền cách mạng đặt tên tỉnh Rạch Giá cho đến khi thành lập tỉnh Kiên Giang sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước.

Năm 1957, chính quyền cách mạng giải thể tỉnh Hà Tiên, sáp nhập vào tỉnh Rạch Giá (huyện Hà Tiên và Phú Quốc). Giai đoạn 1957-1964, tỉnh Rạch Giá (bao gồm tỉnh Hà Tiên) có 8 đơn vị hành chính cấp huyện: Thị xã Rạch Giá và các huyện: Châu Thành, Gò Quao, Giồng Riềng, An Biên, Hà Tiên, Phú Quốc. Thời gian này, chính quyền cách mạng thành lập thêm huyện mới Tân Hiệp trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích của huyện Châu Thành và huyện Giồng Riềng. Huyện Châu Thành cũng được chia thành 2 huyện, đặt tên các đơn vị hành chính là huyện Châu Thành A và huyện Châu Thành B.

Năm 1964, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập huyện Vĩnh Thuận, tách ra từ huyện An Biên (chưa rõ ngày, tháng thành lập?). Năm 1965, tỉnh An Giang tiếp nhận 2 huyện Hà Tiên và Phú Quốc. Đến năm 1967, huyện Hà Tiên và Phú Quốc được giao trở lại cho tỉnh Rạch Giá quản lý.

Năm 1971, Trung ương Cục miền Nam thành lập tỉnh Châu Hà, lúc này các huyện Hà Tiên, Phú Quốc, Châu Thành A thuộc tỉnh Châu Hà. Năm 1974, khi tỉnh Long Châu Hà được thành lập thì các huyện Hà Tiên, Phú Quốc, Châu Thành A (tỉnh Châu Hà) thuộc tỉnh Long Châu Hà cho đến ngày thành lập tỉnh Kiên Giang (6/1976).

Một góc thành phố Rạch Giá. Ảnh: Trương Minh Điền

Một góc thành phố Rạch Giá. Ảnh: Trương Minh Điền

Kiên Giang từ 1976 đến nay

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 245-NQ/TW về việc bỏ khu, hợp tỉnh. Tại khoản 2, điều 2 của Nghị quyết này, hợp các tỉnh Long Châu Hà, Rạch Giá và huyện Thốt Nốt của tỉnh Cần Thơ thành một tỉnh. Cũng theo Nghị quyết này, 2 huyện Vĩnh Thuận và An Biên, tỉnh Rạch Giá (trừ xã Đông Yên và Tây Yên) giao lại cho tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu.

Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa V, nhiệm kỳ 1975-1976 họp tại Hà Nội từ ngày 22 đến ngày 27/12/1975, Quốc hội thông qua Nghị quyết, hợp nhất một số tỉnh trong nước, trong đó Kiên Giang là một trong 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo địa chí Kiên Giang, tháng 6/1976, tỉnh Kiên Giang chính thức được thành lập trên cơ sở toàn bộ tỉnh Rạch Giá và các huyện Châu Thành A, Phú Quốc và huyện Hà Tiên của tỉnh Long Châu Hà, trong đó huyện Châu Thành của tỉnh Rạch Giá sáp nhập với huyện Châu Thành A, tỉnh Long Châu Hà thành một huyện, lấy tên là huyện Châu Thành thuộc tỉnh Kiên Giang.

Như vậy, khi mới thành lập (6/1976), tỉnh Kiên Giang có 9 đơn vị hành chính, gồm: Thị xã Rạch Giá và 8 huyện: An Biên, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Hà Tiên, Phú Quốc, Tân Hiệp, Vĩnh Thuận. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Rạch Giá, đảm nhiệm chức năng trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Kiên Giang.

Đến tháng 4/2025, tỉnh Kiên Giang có 15 đơn vị hành chính, trong đó có 3 thành phố (Thành phố Rạch Giá (đô thị loại I), thành phố Hà Tiên (đô thị loại III), thành phố Phú Quốc (đô thị loại I) và 12 huyện (Kiên Lương, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Kiên Hải, U Minh Thượng, Giang Thành).

Tài liệu tham khảo:

1. Tỉnh ủy Kiên Giang, Địa chí Kiên Giang. NXB Giáo dục, Hà Nội, 2024

2. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí

3. Viện Sử học Việt Nam, Đại Nam nhất thống chí (tập 1, tập 2)

4. Tổng Cục thống kê, Số liệu Tổng điều tra dân số năm 2019

5. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang, Kiên Giang kháng chiến chống Pháp (1930-1954)

Ths. Đoàn Hồng Phúc

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/dia-danh-dia-gioi-hanh-chinh-tinh-kien-giang-qua-cac-thoi-ky-a28231.html
Zalo