'Địa chỉ đỏ' giáo dục truyền thống vẻ vang của dân tộc
Với vị trí giáp ranh với Thủ đô Hà Nội, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã thiết lập nhiều trận địa phòng không nhằm bảo vệ miền Bắc, đánh chặn không quân Mỹ vòng ngoài trước khi bay vào Thủ đô Hà Nội. Trận địa tên lửa xã Đào Dương (Ân Thi) là một trong những số đó.
Trận địa tên lửa xã Đào Dương
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, từ năm 1964 đến năm 1972, đế quốc Mỹ 2 lần tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, mở rộng hoạt động không quân và hải quân, ném bom bắn phá miền Bắc để gây áp lực hòng làm giảm sự chi viện về sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ từng bước được mở rộng về quy mô, gia tăng về cường độ và gắn bó chặt chẽ với nhịp độ chiến tranh trên bộ ở miền Nam. Từ cuối năm 1965 đến cuối năm 1972, Mỹ nhiều lần dùng máy bay bắn phá ác liệt hầu khắp các tỉnh miền Bắc. Quân và dân trong tỉnh đã kiên cường chiến đấu, ngăn chặn âm mưu mở rộng chiến tranh leo thang ra miền Bắc của địch.
Trận địa tên lửa tại xã Đào Dương được thiết lập từ năm 1969, có nhiệm vụ đánh chặn máy bay của Mỹ, trong đó có B52 bảo vệ miền Bắc, trực tiếp là bảo vệ Thủ đô Hà Nội và cảng Hải Phòng, đặc biệt trong trận 12 ngày đêm Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không (từ ngày 18/12 đến ngày 29/12/1972).
Địa điểm đặt trận địa tên lửa là thôn Đào Xá, nơi có địa hình cao nhất khu vực phía Bắc huyện Ân Thi. Các đơn vị của Sư đoàn Phòng không 361 Quân chủng Phòng không - Không quân và một số đơn vị khác đóng quân tại đây. Tại trận địa này, bộ đội phòng không - không quân của ta đã anh dũng chiến đấu, bắn trúng 2 máy bay của địch rơi tại huyện Tiền Hải (Thái Bình), góp phần vào chiến thắng vang dội của quân và dân ta. Tại trận địa này đã có 2 chiến sỹ anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, người xã Tân Phúc đã từng chiến đấu tại đây.
Các đơn vị được chia làm nhiều bộ phận đóng quân ở các xã Tân Phúc (trước đây là xã Chiến Thắng), Vân Du (trước đây là xã Tân Trào), Đào Dương (trước đây là xã Hòa Bình) của huyện Ân Thi và xã Tân Việt của huyện Yên Mỹ. Trong những năm tháng đơn vị đóng quân tại đây đã được Nhân dân và chính quyền địa phương đùm bọc, giúp đỡ, chở che. Trong ký ức của ông Đào Đình Thi ở thôn Đào Xá, những khoảnh khắc lịch sử mà ông đã được trực tiếp chứng kiến lại ùa về. Ông nhớ lại, địa phương huy động dân công mà chủ lực là hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên, xã viên hợp tác xã đắp trận địa giúp bộ đội. Người dân địa phương đưa bộ đội vào trong làng ở, tiếp tế cho bộ đội, nhiều gia đình nhận bộ đội làm con nuôi.
Ông Nguyễn Đình Quý ở thôn Đào Xá nhớ lại, trận địa tên lửa gồm 6 bệ phóng tên lửa, 6 khẩu pháo cùng các vũ khí, khí tài khác. Ngày đó, chúng tôi quen thuộc với những tiếng báo động. Khi nghe thấy báo động là chạy xuống hầm trú ẩn, nhiều người chạy sang làng bên, xã bên. Trong một trận đánh, Mỹ thả rốc két xuống khiến 1 chiến sỹ hy sinh và 1 chiến sỹ bị thương.
Với sự hỗ trợ của Bộ quốc phòng , Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã lắp đặt trưng bày một tổ hợp tên lửa phòng không C-75M tại trận địa tên lửa xã Đào Dương, ghi dấu chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tổ hợp tên lửa phòng không C-75M được lắp đặt từ năm 2019 nhằm lưu giữ lại những pháo đài tên lửa đã giúp sức tạo nên những chiến thắng lịch sử, vừa để giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước của quân và dân, truyền thống vẻ vang của dân tộc. Năm 2020, huyện Ân Thi lập Dự án phát huy giá trị lịch sử trận địa tên lửa xã Đào Dương với trên 4 nghìn mét vuông. Theo thiết kế, bên trái di tích trận địa tên lửa có nhà bia, 1 mặt khắc truyền thống quân và dân huyện Ân Thi trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, 1 mặt là truyền thống bộ đội phòng không - không quân Việt Nam, bên phải được thiết kế nhà truyền thống, cùng nhiều cây xanh. Năm 2021, dự án được huyện san lấp mặt bằng. Cùng với sự đầu tư của huyện, sự hỗ trợ của Sư đoàn 361, các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân địa phương, di tích trận địa tên lửa xã Đào Dương đã được trải bê tông, trồng trên 120 cây xanh, tạo cảnh quan đẹp, mang giá trị lịch sử và trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau.
Nơi Sư đoàn 361 đóng quân ngày xưa, nay đã thành xóm, thành làng trù phú, bình yên với những tòa nhà xây kiên cố chạy dọc con đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa rộng rãi. Trận địa tên lửa xã Đào Dương trở thành di tích chiến thắng khắc ghi trang sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, Quân chủng Phòng không – Không quân nói riêng, ghi dấu tình quân dân bền chặt của bộ đội với người dân địa phương trong những ngày tháng khó khăn mà hào hùng không thể nào quên.