'Địa chỉ đỏ' của các hộ dân trên địa bàn

Nậm Cha là xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ, nơi cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái, Lự... Địa hình đồi núi chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, nhân dân đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy vậy, nhiều hội viên nông dân đã nỗ lực vượt khó vươn lên, xây dựng mô hình kinh tế mới, hiệu quả, trở thành 'địa chỉ đỏ' của các hộ dân trên địa bàn. Trong đó có anh Lý A Sái ở bản Nậm Cha.

Trong câu chuyện với chúng tôi, khi nhắc đến anh Sái, ông Phàn A Dồn - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cha khẳng định: “Với tinh thần tiên phong, dám nghĩ dám làm, anh Lý A Sái đã trở thành hội viên nông dân tiêu biểu, tiên phong thực hiện thành công mô hình nuôi nhím tại địa phương. Anh còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm cho nhân dân để cùng vươn lên; tạo cảm hứng, lan tỏa phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo bền vững”. Xã cũng như Hội Nông dân ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực cũng như đóng góp của cá nhân anh cho sự phát triển của địa phương, của hội trong thời gian qua”.
Được biết, ngay từ năm 2010, khi bắt tay khởi nghiệp và đến nay đã 14 năm, anh Sái vẫn luôn không ngừng tìm tòi, học hỏi, nâng cao hiệu quả mô hình nuôi nhím. Hiện tại, anh hỗ trợ hơn 30 hộ dân trên địa bàn cùng tham gia tổ nuôi nhím, cung cấp con giống, nhím thương phẩm... cho thị trường. Từ cặp nhím đầu tiên anh nuôi năm 2010 hiện tăng lên 800 con (của cả gia đình anh và các hộ dân tham gia nhóm nuôi nhím trong xã).

Từ mô hình nuôi nhím giúp anh Lý A Sái (bên trái) có thu nhập cao, ổn định.

Từ mô hình nuôi nhím giúp anh Lý A Sái (bên trái) có thu nhập cao, ổn định.

Giá trị kinh tế từ nuôi nhím được anh Sái chứng minh qua việc duy trì mô hình nhiều năm. Hiện nay, giá nhím thương phẩm đạt từ 300-350 nghìn đồng/kg. Mỗi năm, một cá thể nhím xuất bán có thể mang lại thu nhập từ 800 - 900 nghìn đồng (trừ chi phí). Với sự kiên trì và nỗ lực vượt khó, anh Sái xây dựng chuồng trại kiên cố, duy trì thường xuyên đàn nhím 50 con, tạo nguồn thu bình quân từ 40 - 50 triệu đồng/năm.
Anh Sái chia sẻ: “Nuôi nhím không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp tôi và bà con nơi đây có thêm kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ các hộ dân trong xã cùng nhân rộng mô hình kinh tế này. Chúng tôi đang đẩy mạnh liên kết sản xuất, phát triển đa dạng thị trường tiêu thụ sản phẩm”.
Cũng theo anh Sái, nuôi nhím tại xã Nậm Cha tương đối thuận lợi. Xã có điều kiện thổ nhưỡng phong phú, thuận lợi trồng trọt các loại cây, cỏ và nông sản làm thức ăn cho nhím; nhiều thức ăn tự nhiên như: cỏ, lá cây và củ, quả, giảm thiểu chi phí đầu vào. Khí hậu phù hợp giúp nhím sinh trưởng và phát triển tốt, ít gặp các vấn đề về sức khỏe liên quan đến thời tiết. Việc nuôi nhím tại Nậm Cha còn được hỗ trợ bởi các chương trình tiêm phòng và kiểm soát dịch bệnh từ chính quyền địa phương. Điều này giúp đảm bảo sức khỏe cho đàn nhím và giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp anh Sái và các hộ dân trên địa bàn thành công với mô hình nuôi nhím.
Cũng theo anh Sái, kỹ thuật nuôi nhím được anh và bà con tích lũy từ thực tiễn, chính quyền địa phương tạo điều kiện tiếp cận với các chương trình tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật từ các cơ quan chuyên môn của huyện. Những kiến thức này cơ bản mới, sát thực tế, có tính ứng dụng cao nên rất cần thiết.
Với sự hỗ trợ và hướng dẫn tận tình của anh Lý A Sái, ngày càng có nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nậm Cha mạnh dạn đầu tư, nhân rộng mô hình nuôi nhím, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế.

Mạnh Hùng

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/g%C6%B0%C6%A1ng-s%C3%A1ng-b%E1%BA%A3n-m%C6%B0%E1%BB%9Dng/%C4%91%E1%BB%8Ba-ch%E1%BB%89-%C4%91%E1%BB%8F-c%E1%BB%A7a-c%C3%A1c-h%E1%BB%99-d%C3%A2n-tr%C3%AAn-%C4%91%E1%BB%8Ba-b%C3%A0n
Zalo