Đi xe không chính chủ và bị phạt nguội: Ai chịu trách nhiệm?

Bạn đọc Huỳnh Văn Minh hỏi: 'Tôi mua xe qua nhiều đời chủ nên chưa đăng ký sang tên đổi chủ, vậy khi bị phạt nguội thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này?'

Thế nào là lỗi xe không chính chủ?

Lỗi xe không chính chủ là thuật ngữ mà người dân hay gọi để chỉ lỗi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô; xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô.

 Chủ xe cũ phải phối hợp với cơ quan chức năng để chứng minh mình không là người điều khiển xe và bị phạt nguội. Ảnh: TN

Chủ xe cũ phải phối hợp với cơ quan chức năng để chứng minh mình không là người điều khiển xe và bị phạt nguội. Ảnh: TN

Đồng thời, lỗi xe không chính chủ chỉ được xác minh thông qua công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông hoặc thông qua công tác đăng ký xe (Điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 Điều 30, khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019)

Xe không chính chủ bị phạt nguội: Ai chịu phạt?

Theo quy định Khoản 8 Điều 80 Nghị định 100/2019:

“Đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý, cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm; chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.

a) Trường hợp chủ phương tiện là cá nhân, nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không chứng minh hoặc không giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện;

b) Trường hợp chủ phương tiện là tổ chức, nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không giải trình để xác định được người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt tiền bằng hai lần mức xử phạt quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện nhưng không quá mức phạt tiền tối đa, trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép.”

Như vậy, khi mua bán xe cũ không sang tên xe mà nếu chiếc xe đó bị phạt nguội thì chủ cũ (tức người đang đứng tên trên cà vẹt xe) là người bị mời lên để làm việc. Chủ cũ có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để xác định ai là người đã điều khiển chiếc xe đó thực hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không chứng minh hoặc không giải trình được mình không phải là người đã điều khiển xe vi phạm giao thông thì chủ cũ sẽ bị xử phạt đối với hành vi bị phạt nguội.

Còn nếu chủ cũ chứng minh được mình không phải là người điều khiển xe thì người điều khiển xe vi phạm giao thông sẽ là người bị phạt nguội.

Mức phạt lỗi xe không chính chủ năm 2024

Theo quy định tại Điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019, mức phạt lỗi xe không chính chủ đối với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô:

Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng nếu chủ xe là cá nhân.

Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 nếu chủ xe là tổ chức.

Mức phạt lỗi xe không chính chủ đối với xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô:

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng nếu chủ xe là cá nhân.

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu chủ xe là tổ chức.

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/di-xe-khong-chinh-chu-va-bi-phat-nguoi-ai-chiu-trach-nhiem-post815553.html
Zalo