Đi và vẽ ở Ý - Phần 2: Gesualdo tĩnh lặng trên những tháp chuông
Thị trấn nhỏ chỉ 27km2 trải dài trên độ cao gần 700m so với mực nước biển, gợi nhớ nhiều về Bảo lộc những ngày xa xưa. Gesualdo nằm giữa trái tim Irpinia, giữa thung lũng có hai con sông Fredance và Ufita chảy qua.
Nhà nối nhà trên triền đồi trong một tông màu trầm của đá và ngói đỏ. Những bậc thang tay vịn trắng trên những con dốc nổi bật trên nền cỏ hoa muôn sắc của vùng đồi. Những đồi cỏ dại đỏ tía sắc hoa Sulla - một loại hoa đồng nội nở rộ vào đầu hè, xen cùng màu vàng hoa cúc, trâm ổi, màu tím trong veo của cẩm quỳ, điểm xuyết bởi những bông Poppy đỏ nồng nàn uốn lượn theo gió… Tất cả tạo nên một bức tranh mãn nhãn đầy bình yên.
Trại sáng tác nằm trong một căn nhà cổ bên triền đồi giữa ruộng nho và những cây ô lưu. Phong cảnh mộc mạc đơn sơ như ở miền quê nướ́c Ý - nơi chàng Michael trẻ tuổi gặp nàng Apollonia trong tiểu thuyết Bố già của Mario Puzo. Tiếng chim ríu ran trên cành ô lưu cổ thụ giữa sân, nơi có bộ bàn ghế, cũng là chỗ chúng tôi ăn sáng, trưa, tối và vẽ mỗi ngày. Hương hoa cỏ ngập tràn lồng phổi. Tôi thấy gần gũi hơn với nơi được mệnh danh là “Thị trấn của Hoàng tử âm nhạc” - như dân địa phương vẫn trìu mến gọi nhà soạn nhạc tài ba Carlo Gesualdo của họ.
Từ trại sáng tác, leo dốc chừng 10 phút là tới khu phố cổ của Gesualdo. Như người Ý thường nói: “Mọi con đường đều dẫn tới Rom”, những con đường nhỏ từ mọi hướng đều dẫn tới quảng trường chính có đài phun nước, những bậc thang, nhà thờ, tháp chuông và lâu đài. Sự gợi mở và khoáng đạt trong qui hoạch và kiến trúc của người La Mã xưa thật đáng phục. Đôi khi, bạn đi trên những con đường rất nhỏ, dài hun hút như không có điểm dừng, rồi bỗng nhiên, cả một bầu trời xanh ngắt mở ra, khoảng không gian tưởng như đã đóng lại, bỗng đột ngột mở ra, và bạn vỡ òa trong mênh mông ánh sáng, choáng ngợp trước những kiến trúc đá uy nghi dưới ánh sáng mặt trời. Bạn đang ở Italia.
Lâu đài Gesualdo mang tên gọi này từ thế kỷ 16 khi nhà soạn nhạc Carlo Gesualdo sống và sáng tác tại đây. Nhưng tòa lâu đài cổ này đã có từ thế kỷ thứ 7 và được cho là do những người Lombardi xây dựng. Năm 1980 trận động đất tại Irpania đã gây tổn thất nặng nề cho lâu đài. Công việc sửa chữa vẫn đang được tiếp tục cho tới ngày nay. Thị trấn nhỏ chỉ có gần 2.600 dân, nhưng có tới 12 nhà thờ lớn nhỏ: Nhà thờ Mẹ thánh San Nicola được xây dựng vào thế kỷ 12, nhà thờ Thánh Rosary thế kỷ 17…
Ngày mùa hè ở Âu châu tối muộn nên rất dài. Hằng ngày, chúng tôi vẽ nửa buổi, nửa buổi còn lại là những chuyến đi thăm thú các thị trấn lân cận trong bán kính 30km trong vùng: Frigento, Rocca, Taurasi…, tất cả đều nằm trong danh sách “Những ngôi làng đẹp nhất của Italia”. Những lâu đài, làng pháo đài cổ xưa, nằm trên những đỉnh đồi cao giữa những ruộng nho, vườn ô liu và những vạt rừng còn hoang sơ đến khó tin tại một châu Âu đã phát triển.
Cảm xúc thật nhiều, khi gặp lại "nàng thơ" của tôi - những bông hoa Poppy rực đỏ cả một khoảng trời giữa cánh đồng lúa mạch đang xanh. Mềm mai bay theo gió, Poppy hoang dã luôn là loài hoa đẹp nhất, yêu kiều mà kiêu hãnh nhất trong một vẻ đẹp vừa mong manh vừa mạnh mẽ. Cảm xúc cũng thật nhiều, khi tôi - quên hết thời gian và không gian - đuổi theo những vệt nắng nhảy nhót trên bờ tường đá, leo mãi lên tháp chuông và đắm chìm trong không gian bao la của tiếng chuông ngân.
Nhưng ấn tượng nhất có lẽ vẫn là không khí u hoài khi thong thả bước trong lất phất mưa bay, trên những bậc thang đá hay ngang qua những ngôi nhà vắng bóng người ở nơi xưa kia từng ồn ã giáo gươm. Những cánh cửa gỗ, những mái vòm đá hoa cương chạm khắc tinh xảo im lìm hôm nay đã là chứng nhân bao thế kỷ thăng trầm của một dân tộc từng lừng danh thế giới. Vẫn còn chút gì đó xưa cũ phảng phất nơi đây cho người nay nhìn lại một quá khứ hào hùng và bi thương của người La Mã khi xưa.
Quá nhiều cảm xúc, quá nhiều thông tin, đủ để tôi… không thể nào có tác phẩm hoàn chỉnh được. Có chăng chỉ là những bức ký họa, ghi lại một phần những gì mắt thấy mà thôi. Để cảm được và có được tác phẩm thật sự, mà không phải chỉ là bản sao chép thiên nhiên, người họa sĩ cần thời gian để lắng lại, chắt lọc, để những gì mắt không thấy được nhưng tim nghe được có thể hiện ra thành hình hài qua màu sắc trên toan.