Đi tìm... hương vị xưa

Giữa nhịp sống hiện đại đầy hối hả, nhiều người vẫn luôn tìm kiếm hương vị xưa. Đây không chỉ là món ăn mà còn là ký ức của tuổi thơ hồn nhiên, mộc mạc.

Giữa muôn vàn lựa chọn, chị Huyền vẫn tìm những hương vị quen thuộc để các con được thưởng thức

Giữa muôn vàn lựa chọn, chị Huyền vẫn tìm những hương vị quen thuộc để các con được thưởng thức

Lưu giữ tuổi thơ

Đã ngoài 30 tuổi nhưng chị Nguyễn Thị Huyền ở xã Cộng Hòa (Nam Sách) vẫn giữ nguyên niềm yêu thích với những món ăn giản dị của thời thơ ấu như bỏng ngô, ống vitamin philatop hay chiếc bánh đa nướng kẹp kẹo kéo. Với chị, đó không chỉ là món ăn vặt, mà là hương vị gợi nhớ một thời tuổi thơ đầy ắp tiếng cười và những buổi tan học rộn ràng.

Chị Huyền chia sẻ: “Ngày xưa, chỉ cần 500 đồng là đã có thể mua được một túi bỏng to, chia nhau cả nhóm ăn vui không hết. Giờ mọi thứ thay đổi nhiều, nhưng tôi vẫn muốn con mình được nếm trải những hương vị ấy”.

Vào mỗi dịp cuối tuần, chị Huyền lại dành thời gian nấu chè đỗ đen, làm kẹo lạc hay đơn giản là tìm mua lại những món quà vặt xưa. Với mỗi món ăn, chị đều tỉ mẩn kể lại cho con những kỷ niệm tuổi thơ.

Bỏng ngô là món ăn quen thuộc của thế hệ 8X, 9X

Bỏng ngô là món ăn quen thuộc của thế hệ 8X, 9X

Sống ở Hà Nội, giữa muôn vàn lựa chọn ẩm thực hiện đại, khi các món ăn nhanh, thức uống tiện lợi bày bán khắp nơi, anh Bùi Văn Hợp quê ở xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ) vẫn chọn cho mình một thú vui tưởng chừng “ngược dòng thời đại”. Đó là sưu tầm những món đồ ăn vặt thời thơ ấu, từ viên kẹo kéo dẻo quấn nilon đỏ, gói mỳ trẻ em giòn tan, đến lọ ô mai mặn ngọt. Tất cả được anh lưu giữ cẩn thận như một phần ký ức không thể nào quên.

Là con út trong một gia đình đông con, tuổi thơ của anh Hợp gắn liền với những món quà vặt, thứ vừa là niềm vui, vừa là “tài sản lớn” đối với lũ trẻ quê nghèo ngày ấy. “Hồi đó, mỗi khi mẹ cho 1.000 đồng là sung sướng lắm. Có thể mua được 2 viên kẹo, thêm gói mỳ tôm ăn sống. Mỗi lần ăn là mỗi lần nhớ bạn bè, nhớ tiếng trống tan trường, nhớ cái thời không phải lo nghĩ gì nhiều”, anh Hợp kể.

Cũng từ những ký ức đó, anh bắt đầu lặn lội nhiều khu chợ xưa, các trang bán hàng online và cả những tiệm tạp hóa nhỏ vùng ven để tìm lại những món quà vặt tưởng chừng đã biến mất. Anh Hợp không chỉ giữ chúng cho riêng mình mà còn để chia sẻ với bạn bè. Mọi người cùng ngồi lại, nhấp nháp hương vị xưa và kể chuyện thời thơ bé. “Đôi khi chỉ cần ăn lại một viên kẹo xưa, mình như được quay lại đúng cái khoảnh khắc mười tuổi, đang cười hồn nhiên dưới mái trường”, anh Hợp nói.

Gắn kết thế hệ

Nhiều cha mẹ muốn các con biết làm các món bánh truyền thống. Trong ảnh: Hoạt động trải nghiệm làm bánh trôi tại Trường Mầm non Hoa Linh, TP Hải Dương (ảnh cơ sở cung cấp)

Nhiều cha mẹ muốn các con biết làm các món bánh truyền thống. Trong ảnh: Hoạt động trải nghiệm làm bánh trôi tại Trường Mầm non Hoa Linh, TP Hải Dương (ảnh cơ sở cung cấp)

Với nhiều người sinh ra trong thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, những món ăn như bánh mỳ bơ đường, mỳ gói trộn, kẹo kéo, ăn cơm với nước mắm… không chỉ là đồ ăn lót dạ mà còn là một phần ký ức tuổi thơ. Mỗi món ăn gợi lại cả một thời thiếu thốn nhưng đong đầy cảm xúc.

Ngày nay, khi đã làm cha mẹ, nhiều người lại muốn đưa những món ăn ấy trở về mâm cơm gia đình, để kể cho con nghe về một thời xưa cũ. “Con thích nhất là khi mẹ làm bỏng ngô, lúc đó cả nhà thơm lừng, mẹ kể chuyện hồi bé mẹ ăn một gói bỏng chia cho ba người. Nghe vui lắm ạ”, bé Phương Linh (6 tuổi), con gái lớn của chị Huyền chia sẻ. Với chị Huyền, việc giữ gìn hương vị tuổi thơ không đơn thuần là hoài niệm, mà là cách để các con cảm nhận được sự giản dị, sẻ chia và gắn bó, điều mà đôi khi cuộc sống hiện đại dễ làm ta lãng quên.

Việc tái hiện hương vị tuổi thơ đã trở thành một phương pháp nuôi dạy con cái được nhiều phụ huynh hiện đại áp dụng. Thay vì để khoảng cách thế hệ ngày càng rộng ra bởi công nghệ và lối sống, họ chọn cách chia sẻ những kỷ niệm bằng hương vị. Ngày càng có nhiều gia đình tìm về các phiên chợ quê, cho con học nấu món truyền thống hay cùng nhau đi du lịch về vùng nông thôn. Đó là cách để thế hệ trẻ hiểu hơn về cội nguồn, về sự giản dị nhưng ấm áp trong cách ông bà, cha mẹ từng sống.

Một số trường mầm non hoặc tiểu học cũng tổ chức các hoạt động ngoại khóa, nơi các em được tham gia nấu ăn, bày biện các món quà vặt xưa, chơi trò chơi dân gian. Hoạt động này mang tính giáo dục văn hóa, là cầu nối cảm xúc giữa phụ huynh và các con.

Trong thời đại mà nhiều giá trị đang bị cuốn trôi bởi sự tiện lợi, việc giữ gìn hương vị xưa giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về cha mẹ mình, học được cách yêu thương, sống chậm lại và biết trân trọng những điều nhỏ bé, giản dị của cuộc sống.

TRẦN HIỀN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/di-tim-huong-vi-xua-411044.html
Zalo