Đi tìm 'chìa khóa làm giàu' ở vùng quê xứ Nghệ

Những đóng góp tích cực của các HTX, cùng sự đồng hành của địa phương đang là điểm tựa giúp nhiều nông dân ở Đô Lương (Nghệ An) liên tục 'ăn nên làm ra' từ các cây trồng chủ lực.

Vụ ngô đầu năm 2024 vừa qua là vụ đầu tiên các hộ sản xuất ở xã Thuận Sơn (Đô Lương) thu hoạch giống ngô ngọt chất lượng cao. Dù mới được đưa vào triển khai, nhưng nhờ áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, làm tốt công tác kết nối tiêu thụ, nông dân đã thắng đậm.

Đủ cách làm giàu

Bà Hoàng Thị Loan ở xóm Thuận Phú cho hay, nhà bà trồng hơn 3 sào ngô ngọt, vụ vừa qua dù thời tiết không quá thuận lợi nhưng sản lượng vẫn đạt 4 tạ ngô tươi. Ngô thu hoạch được doanh nghiệp bao tiêu thu mua ngay tại ruộng nên bà và các hộ dân địa phương rất yên tâm.

“Ngô thu hoạch xong là tiền đã vào túi ngay, sau khi bán bắp ngô, chúng tôi chặt cây ngô về ủ làm thức ăn cho trâu bò cũng tiết kiệm được một khoản không nhỏ. Thắng trong vụ đầu là điểm tựa để chúng tôi có thêm niềm tin để triển khai các vụ tiếp theo”, bà Loan chia sẻ.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là chìa khóa giúp nông dân Đô Lương nâng cao thu nhập.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là chìa khóa giúp nông dân Đô Lương nâng cao thu nhập.

Qua tổng kết vụ Đông vừa qua, cây ngô trồng trên đất bãi bồi ven sông ở xã Thuận Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với giá thu mua ngô ngọt hiện tại từ 4,5 – 4,8 ngàn đồng/kg, mỗi ha cho thu hoạch khoảng 5 tấn, mang lại cho người dân nguồn thu nhập khoảng 80 triệu đồng.

Nếu ngô ngọt là cây trồng mới thì cây bưởi Diễn đã “bén rễ” trên vùng đất Đô Lương từ lâu. Nhờ mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi diện tích vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây bưởi Diễn theo hướng hàng hóa, thân thiện môi trường, không ít hộ gia đình ở xã Giang Sơn Đông đang gặt hái thành công, vươn lên làm giàu bền vững.

Gia đình ông Đào Danh Bảy là một trong những hộ điển hình trong phát triển kinh tế vườn ở Giang Sơn Đông. Những năm trước, ông đã trồng nhiều loại cây, nhưng năng suất, hiệu quả không cao, chỉ đến khi chuyển đổi sang trồng bưởi Diễn, thu nhập của gia đình mới bắt đầu được cải thiện.

Khoảng 5 năm trở lại đây, 800 cây bưởi cho lợi nhuận 250 - 300 triệu đồng mỗi năm. Theo ông Bảy, để bưởi Diễn phát triển và sinh trưởng tốt, ông chủ động đẩy mạnh cơ giới hóa, tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường.

Liên kết để mạnh hơn

Tương tự, gia đình anh Thái Văn Dương, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp xóm Thịnh Đồng, cũng đang có thu nhập bình quân 120 - 150 triệu đồng/năm từ vườn bưởi Diễn quy mô gần 350 gốc.

Anh Dương cho hay, từ năm 2015, được sự hỗ trợ của Tổ hợp tác, gia đình anh chuyển đổi gần 1 ha trồng lúa sang trồng cây bưởi Diễn theo quy trình VietGAP. Bưởi Diễn là loại cây không quá khó tính, chỉ cần xử lý hố trồng bằng vôi, bón thêm phân chuồng, nước tưới ổn định là có thu hoạch.

Ưu điểm của bưởi Diễn là tuổi thọ cao từ 20 - 30 năm mới phải trồng lại; cây càng nhiều tuổi, rễ cây bám đất, ăn sâu vào đất thì chất lượng quả càng cao. “Nếu nắm vững kỹ thuật, thuận đầu ra, với 1 ha trồng bưởi Diễn, các hộ sản xuất có thể thu về trên dưới 250 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí”, anh Dương hồ hởi nói.

Đô Lương đang hướng đến nông nghiệp chuyên canh, giá trị cao.

Đô Lương đang hướng đến nông nghiệp chuyên canh, giá trị cao.

Có thể thấy, nhờ hiệu quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, huyện Đô Lương đã hình thành nhiều vùng nguyên liệu tập trung, với các sản phẩm chủ lực, mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ.

Điển hình như mô hình trồng dược liệu gắn với chiết xuất chế biến tinh dầu với tổng diện tích 20 ha của HTX thực phẩm sạch chế biến tinh dầu dược liệu Đô Lương. Những năm qua, HTX đã liên kết và trở thành điểm tựa trong tổ chức sản xuất cho thành viên, nông dân liên kết, đồng thời thu mua 100% sản phẩm.

Hay như mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm rau các loại giữa HTX nông sản an toàn Trung Sơn và Công ty Vincommerce thu mua toàn bộ sản phẩm rau, củ, quả, rau gia vị các loại do HTX sản xuất ra... Hiện, đã có trên 11 mặt hàng nông sản của HTX được siêu thị Winmart đặt hàng tiêu thụ.

Nhiều mô hình sản xuất có ứng dụng hệ thống tưới hoàn toàn tự động, bán tự động được đưa vào sản xuất đem lại hiệu quả thiết thực như mô hình sản xuất Nho Hạ Đen trong nhà kính tại xã Thịnh Sơn với quy mô 4.000m2, mô hình sản xuất rau trong nhà lưới tại xã Thịnh Sơn với quy mô 3.000m2, xã Trung Sơn 2.000m2, và xã Lạc Sơn 2.000m2...

Bên cạnh đó, còn có 8 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng, gieo trồng trên giá thể, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt hoàn toàn tự động với tổng diện tích 40.900m2, mang lại lợi nhuận bình quân khoảng hơn 600 triệu đồng/ha/năm. Mô hình tổng hợp trồng rừng, trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi trên quỹ đất rừng tại các xã: Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, Hồng Sơn, Nam Sơn... hiệu quả đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thúc đẩy sản xuất chuyên canh

Dễ nhận thấy, với xu thế sản xuất phát triển theo hướng nông nghiệp sạch áp dụng công nghệ cao, trên cơ sở tích tụ ruộng đất, tạo nên những cánh đồng mẫu lớn và từng bước hình thành nên các vùng chuyên canh, thời gian gần đây, huyện Đô Lương đã có những giải pháp thực hiện rất hiệu quả.

Kể từ năm 2023 đến nay, Đô Lương đã phát huy hiệu quả các mô hình thâm canh lúa thuần chất lượng cao tại các xã Văn Sơn, Thịnh Sơn, Tân Sơn, Thuận Sơn, Lưu Sơn, Đông Sơn, Đại Sơn, Trung Sơn và Lạc Sơn..., hiệu quả kinh tế tăng so với đối chứng từ 4 - 6,9 triệu đồng/ha.

Huyện đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các quy trình, kỹ thuật cho nhân dân chăm sóc mô hình trồng chanh không hạt tại các xã Giang Sơn Tây, Thịnh Sơn, Thuận Sơn, Thượng Sơn và mô hình trồng tràm chiết xuất tinh dầu tại xã Lam Sơn.

Đáng chú ý, Đô Lương hiện có 8.479 ha/8.912 ha lúa hình thành vùng sản xuất tập trung; 2.000 ha ngô ngô sinh khối, ngô lấy hạt; 500 ha rau màu cung cấp cho các siêu thị trong cả nước, đặc biệt là hợp đồng cung cấp rau, củ, quả cho các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch uy tín như WinMart, CoopMart…

Cùng với đó, trên địa bàn huyện thu hút nhiều nhà đầu tư trang trại ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích 66 ha và đã hình thành những vùng chuyên canh hiệu quả cao.

Thời gian tới, huyện tiếp tục khai thác các tiềm năng, lợi thế khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư liên kết sản xuất quy mô lớn gắn với bao tiêu đầu ra sản phẩm theo hướng hiệu quả, nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích.

Đồng thời, tiếp tục và phát triển nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả như trồng rau trong nhà màng, trồng lúa chất lượng cao... từ đó xóa nghèo, làm giàu cho người dân.

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/di-tim-chia-khoa-lam-giau-o-vung-que-xu-nghe-1102485.html
Zalo