Di tích Bộ Tài chính tại Tuyên Quang
Năm 1947, Bộ Tài chính di chuyển đến thôn Cầu Bì, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương. Tháng 9-1950, Bộ chuyển đến thôn Nà Làng, xã Phú Bình, huyện Chiêm Hóa. Tháng 4-1951, chuyển đến làng Cảy, xã Thanh La (nay là xã Minh Thanh), huyện Sơn Dương và đặt trụ sở tại địa điểm này đến năm 1954.

Địa điểm ở và làm việc của Bộ Tài chính giai đoạn 1950 - 1951 tại xã Phú Bình, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang.
Trong kháng chiến, nhiệm vụ của Bộ Tài chính là tham mưu, đề xuất cho Chính phủ củng cố và tăng cường nền tài chính quốc gia, giải quyết những vấn đề lớn về kinh tế gắn với quân sự. Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng tự do, bảo đảm cung cấp cho bộ đội, cán bộ, công nhân và ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo kinh phí cho quân sự. Bộ tham mưu Chính phủ ban hành chế độ thu chi và kế toán đại cương, lập ngân sách toàn quốc, quy định một đơn vị tiền tệ bản vị vàng gọi là đồng Việt, phát hành công phiếu kháng chiến, đặt “Quỹ tham gia kháng chiến”, ban hành Bộ luật thuế trực thu, phát hành công trái quốc gia ghi mệnh giá bằng thóc, đặt “Quỹ công lương” thay thế Quỹ tham gia kháng chiến...
Đồng chí Lê Văn Hiến là Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Trịnh Văn Bính là Thứ trưởng. Tổ chức bộ gồm: văn phòng, các phòng sự vụ, các Nha. Nha thuế trực thu: do ông Vũ Ngọc Khuê phụ trách, chịu trách nhiệm thu thuế về lĩnh vực kinh tế.
Nha thuế quan và gián thu: do ông Nguyễn Lẫm phụ trách, làm nhiệm vụ thu thuế ở các cửa khẩu.
Nha trước bạ, công sản và điền thổ: do ông Phạm Gia Kính phụ trách, quản lý về đất đai.
Nha hưu bổng: có nhiệm vụ phát tiền lương hưu cho cán bộ ngành Tài chính.

Hội nghị ngành Tài chính toàn quốc tại chiến khu Việt Bắc.
Nha Thanh tra tài chính: do ông Vũ Ngọc Khuê phụ trách, chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra về tài chính đối với các cơ quan trực thuộc bộ.
Nha Ngân khố - Tín dụng: Tháng 9-1950, Nha Ngân khố và Nha Tín dụng sản xuất sáp nhập thành Nha Ngân khố - Tín dụng sản xuất. Bộ phận Nha Ngân khố từ Phú Thọ và bộ phận Nha Tín dụng sản xuất tư Vĩnh Yên cùng chuyển đến xóm Dàm, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn (1950-1951).
Nha Ngân khố - Tín dụng sản xuất có khoảng 30 cán bộ nhân viên. Chính sách tín dụng được đề ra là: giúp đỡ các tầng lớp dân nghèo, nông dân lao động, các hợp tác, thủ công nghiệp và nghề phụ ở nông thôn. Hoạt động tín dụng đã có tác dụng tốt trong việc giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ nhân dân phục hồi sản xuất ở những vùng bị thiên tai địch họa; giúp đỡ những ngành thủ công phát triển phục vụ đời sống của toàn dân.
Từ năm 1947 đến năm 1951, Nha đã cho vay trên 300 triệu đồng tiền tài chính. Số tiền này đã giúp nông dân mua trâu, bò, cày kéo, nông cụ, giống, phân bón, xây dựng thủy lợi nhỏ, khai khẩn đất hoang, phát triển chăn nuôi, phát triển nghề sản xuất muối, nghề dệt, làm đường, ép dầu, sản xuất nông cụ...
Các cơ quan trực thuộc Bộ:
- Sở Đúc tiền: Đầu năm 1947, Sở Đúc tiền chuyển đến thôn Tụ, xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa. Tháng 10-1947, quân Pháp lên Việt Bắc, Sở Đúc tiền lại vận chuyển hàng trăm tấn máy móc thiết bị, chủ yếu bằng đường thủy đến thôn Đồng Quắc, xã Bình Nhân, huyện Chiêm Hóa (1948-1950). Sở Đúc tiền có khoảng 100 cán bộ, công nhân do ông Nguyễn Văn Danh làm Giám đốc. Bộ phận in dập tiền có 4 máy, trong đó có 1 máy lớn 150 tấn chuyên dập các khuôn mẫu in tiền bằng thép.

Khu di tích Nha Ngân khố Quốc gia tại thôn Dàm, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang.
Những năm 1947-1948, Sở Đúc tiền in tiền nhôm mệnh giá 10 đồng, 20 đồng. Năm 1949, Sở nhận nhiệm vụ sản xuất tiền vàng. Đã có 1.000 “Đồng Việt” bằng vàng nguyên chất được sản xuất đạt tiêu chuẩn.
Sở Đúc tiền còn sản xuất các loại huân chương: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập... để Chính phủ, Chủ tịch nước trao tặng cho các đơn vị, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến của dân tộc.
- Nhà máy in tiền Khánh Thi: Tháng 10-1947, một bộ phận cơ quan ấn loát đặc biệt thuộc Bộ Tài chính chuyển đến Bản Ngầu, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa. Tại đây Nhà máy in tiền Khánh Thi ra đời. Nhà in có khoảng hơn 100 cán bộ, do ông Phạm Quang Chúc làm Giám đốc. Cuối năm 1951, Nhà máy in tiền Khánh Thi rời xã Hùng Mỹ, đến cơ sở sản xuất chính đóng tại Bản Thi.
Ngoài ra, Bộ còn quản lý Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, Nhà in quốc gia, Trường Tài chính...