'Đi tàu lượn' với cổ phiếu của Vietnam Airlines

Với hiệu suất sinh lời lên tới gần 150%, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đã giúp những nhà đầu tư may mắn 'ăn đậm', nhưng ngược lại cũng khiến nhiều nhà đầu tư 'khóc ròng' vì lỡ 'đu đỉnh'.

Chốt phiên 12/8, cổ phiếu HVN tăng trần lên mức 20.350 đồng/cp. Đáng chú ý, đà tăng này được cho là khá bất ngờ bởi thị trường không ghi nhận tin tức nào đặc biệt về doanh nghiệp.

Dù vậy, với mức giá này, thị giá cổ phiếu HVN cũng đã “bay” hơn 44% so với mức đỉnh 36.350 đồng/cp đạt được trong phiên 5/7.

Phiên 12/8, cổ phiếu HVN bất ngờ tăng trần lên mức 20.350 đồng/cp.

Phiên 12/8, cổ phiếu HVN bất ngờ tăng trần lên mức 20.350 đồng/cp.

Ngược thời gian, từ vùng giá 14.000 đồng/cp hồi đầu tháng 4, mã HVN đã nhảy vọt lên vùng 36.000 đồng/cp vào đầu tháng 7, với nhiều phiên tăng trần liên tiếp, tương ứng hiệu suất sinh lời lên tới gần 150%.

Dù chỉ được giao dịch vào phiên chiều do bị hạn chế giao dịch nhưng cổ phiếu HVN vẫn thu hút dòng tiền đầu tư khi Vietnam Airlines lãi ròng kỷ lục hơn 4.300 tỷ đồng trong quý I/2024, chấm dứt chuỗi 16 quý thua lỗ liên tiếp.

Vietnam Airlines ghi nhận bước nhảy vọt trong hoạt động kinh doanh giữa lúc thị trường hàng không thiếu máy bay, nhu cầu đi lại dịp cao điểm Tết lớn đẩy giá vé máy bay nội địa lên cao. Cùng với đó là khoản thu nhập khác hơn 3.600 tỷ đồng, là lãi phát sinh từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của công ty con Pacific Airlines và tiền phạt thu được.

Trong quý II, Vietnam Airlines còn đón tin tích cực khi Quốc hội đồng ý gia hạn khoản vay 4.000 tỷ đồng cho hãng bay này.

Tuy nhiên, sau khi những thông tin tích cực qua đi cũng là lúc HVN bước vào nhịp giảm mạnh. Từ đầu tháng 7 đến nay, mã này liên tục có những phiên giảm sàn, đưa thị giá về vùng 19.000 đồng/cp chỉ sau một tháng, tương ứng mức giảm 44%. Vốn hóa theo đó cũng mất hơn 1 tỷ USD.

Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù Vietnam Airlines đã ghi nhận sự khởi sắc trong kết quả kinh doanh nhưng trên thực tế, hãng bay quốc gia vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong số đó là biến động tỷ giá ảnh hưởng bất lợi đến dòng tiền của tổng công ty. Đặc biệt, việc tạm dừng khai thác 12 tàu bay Airbus A321 để đưa vào kiểm tra động cơ cùng với việc Pacific Airlines trả các tàu bay thuê để xóa nợ và thực hiện tái cấu trúc đội bay, mạng đường bay đã tạo nên sự thiếu hụt nguồn cung, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và kết quả sản xuất kinh doanh của tổng công ty.

Không chỉ vậy, bức tranh tài chính của Vietnam Airlines đang có nhiều vấn đề. Hiện, Vietnam Airlines vẫn còn lỗ lũy kế 35.811 tỷ đồng, giảm 5.246 tỷ đồng so với số đầu năm, vốn chủ sở hữu của công ty vẫn âm 11.533 tỷ đồng. Điều này khiến cổ phiếu HVN nằm vào diện kiểm soát, hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch trong phiên chiều) của HoSE và đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Cùng với đó, Vietnam Airlines hay các doanh nghiệp vận tải hàng không khác vẫn còn có thể đối diện với tình trạng thiếu hụt máy bay đến hết năm 2025. Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines, việc thiếu hụt diễn ra khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và một nhà sản xuất máy bay lớn là Boeing bị kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, các máy bay đang sử dụng động cơ của Prad Whitney bị triệu hồi để kiểm tra.

Châu Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/di-tau-luon-voi-co-phieu-cua-vietnam-airlines-1101633.html
Zalo